Các nhóm nguy cơ cao mắc các bệnh lý về gan, cần kiểm tra định kỳ

Một số nhóm nguy cơ cao mắc bệnh lý về gan cần đặc biệt chú ý

Chuyện món ngon Hà Nội: Cháo sườn!

Gợi ý phim: Khám phá thế giới thần tượng trong "Oshi no Ko”

Kỹ thuật sàng lọc phôi trong thụ tinh ống nghiệm là gì?

Lý do nên ăn thực phẩm giàu phytoestrogen

Bác sĩ Trần Sơn trả lời: 

Các nhóm nguy cơ cao mắc các bệnh lý về gan cần kiểm tra định kỳ, bao gồm: 

- Người nhiễm virus viêm gan: Bao gồm viêm gan B, C, D mạn tính và viêm gan A, E cấp tính. 

- Người có rối loạn miễn dịch: Trường hợp này có thể dẫn đến các bệnh gan tự miễn, điển hình như viêm đường mật nguyên phát.

- Người mắc bệnh gan do di truyền, như:

+ Bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng)

+ Hemochromatosis (ứ sắt trong gan)

Đây là những rối loạn có thể khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm.

- Người lạm dụng rượu: Uống rượu thường xuyên hoặc quá mức sẽ làm gia tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan và thậm chí ung thư gan.

- Người bị béo phì hoặc đái tháo đường type 2: Hai yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu, có thể tiến triển thành xơ gan nếu không được kiểm soát.

- Người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, chẳng hạn như dung môi công nghiệp, thuốc trừ sâu, kim loại nặng...

- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh lý về gan, như xơ gan, viêm gan mạn tính, ung thư gan…

Bác sĩ Trần Sơn khuyến cáo: Những người thuộc nhóm nguy cơ cao kể trên nên kiểm tra chức năng gan định kỳ 6–12 tháng một lần, tùy theo tình trạng sức khỏe và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 

Bác sĩ cũng lưu ý, một số hành vi như xăm mình, xỏ khuyên tại cơ sở không đảm bảo vô trùng, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể người khác đều là những con đường có thể dẫn đến phơi nhiễm virus viêm gan, đặc biệt là viêm gan B, C và D.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Sơn, việc từng có một lần hành vi nguy cơ không đồng nghĩa với việc người đó thuộc nhóm cần kiểm tra gan định kỳ lâu dài. Trong các trường hợp này, người dân nên được xét nghiệm sau khi qua “giai đoạn cửa sổ” – khoảng thời gian từ 2 đến 12 tuần (tùy loại virus) để đảm bảo độ chính xác.

Nếu xét nghiệm âm tính và không có tái phơi nhiễm, thì không cần thiết kiểm tra định kỳ thường xuyên. Ngược lại, nếu hành vi nguy cơ lặp lại hoặc không xác định rõ thời điểm, thì nên được tư vấn và kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh đó, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế tối đa rượu bia, ăn uống cân đối, tập thể dục thường xuyên và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định chuyên môn.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn cách bảo vệ gan và chủ động phòng ngừa các bệnh lý liên quan một cách hiệu quả. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bác sỹ ơi