Hội nghị Ban chấp hành Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam khoá I, nhiệm kỳ 2019-2023
Thành lập Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam
Đại học Y Dược - ĐHQGHN thăm quan và làm việc tại Viện Thực phẩm chức năng (VIDS)
Hợp tác trong lĩnh vực Sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên và Thực phẩm chức năng
Cách cải thiện đau cột sống lưng hiệu quả cùng sản phẩm thiên nhiên
Mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn từ khi thành lập, tuy nhiên Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) vẫn từng bước lớn mạnh và kiện toàn về tổ chức, phát triển số lượng hội viên, thực hiện các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp nhằm thúc đẩy công tác tư vấn, nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực các sản phẩm thiên nhiên.
Phát biểu tại hội nghị, GS. Phạm Văn Thiêm - Chủ tịch VNPS, cho biết Đại hội lần thứ I Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam được tổ chức ngày 21/4/2019 tại Trung tâm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thông qua điều lệ hoạt động của Hội VNPS và bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ I, Ban kiểm tra nhiệm kỳ I, nay đã đến thời hạn tổ chức Đại hội lần thứ II.
“Nhiệm kỳ II của Hội VNPS là nhiệm kỳ có tính chất bản lề để củng cố và phát triển vì vậy Ban thường vụ rất mong nhận được các ý kiến đóng góp thẳng thắn, cụ thể, hiệu quả vào phương thức hoạt động của Hội VNPS nhiệm kỳ 2023 – 2028; Báo cáo sửa đổi điều lệ Hội VNPS; Đề án nhân sự và danh sách Ban chấp hành khoá II của Hội VNPS”, GS. Phạm Văn Thiêm nhấn mạnh.
Về kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2019 – 2023, GS. Phạm Quốc Long cho biết, Hội VNPS là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp có quy mô toàn quốc, có lĩnh vực chuyên môn sâu rộng, mới trải qua 4 năm hoạt động ban đầu, trong đó có gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Hội đã từng bước kiện toàn về tổ chức, thực hiện nghiêm túc về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy thế mạnh đội ngũ cán bộ khoa học và doanh nghiệp, tăng cường đoàn kết và hợp tác, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ Hội, bước đầu đạt những kết quả tích cực, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có tính thực tiễn, góp phần đưa lĩnh vực khoa học và ứng dụng sản phẩm thiên nhiên Việt Nam phát triển tương xứng với vị trí và tiềm năng, có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Hội vẫn còn một số hạn chế cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, tại Hội nghị, GS. Phạm Quốc Long đã nêu 5 nhiệm vụ chủ yếu mà Hội VNPS sẽ triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, cụ thể:
1. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng tổ chức bộ máy theo hướng thực chất, hiệu quả, phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình và trình độ chuyên môn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội VNPS, cùng với việc nâng cao trách nhiệm, năng lực của các ban tham mưu, giúp việc chủ chốt. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thông qua việc củng cố, tăng cường năng lực hoạt động của Ban Kiểm tra Hội VNPS.
2. Chú trọng công tác phát triển hội viên, đặc biệt là các hội viên tổ chức (các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), mở rộng đội ngũ hội viên liên kết và hội viên danh dự, củng cố đội ngũ hội viên có tâm huyết theo hướng hài hoà về chất lượng và số lượng, bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm, ổn định về lâu dài.
3. Xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn nghề nghiệp có tính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam trên cơ sở thế mạnh của Hội VNPS. Phấn đấu trong nhiệm kỳ có 3-5 chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm do Hội VNPS chủ trì hoặc phối hợp chủ trì; có 2-3 sản phẩm hàng hoá mang thương hiệu của Hội VNPS; tổ chức được 5-6 Hội thảo khoa học, trong đó có ít nhất 02 Hội thảo quốc tế.
4. Tăng cường trao đổi, kết nối, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Hội VNPS giao lưu, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tích cực củng cố, mở rộng hợp tác với các hiệp hội, hội, các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Hội. Chú trọng xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp nước ngoài trong khu vực và trê thế giới.
5. Làm tốt công tác truyền thông, xây dựng và vận hành hiệu quả Trang Thông tin điện tử của Hội VNPS. Quản lý và tạo điều kiện để Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm làm tốt nhiệm vụ của cơ quan báo chí trực thuộc Hội, phản ánh kịp thời và đầy đủ các hoạt động của Hội VNPS, là kênh thông tin quan trọng để Hội định hướng chính sách, chương trình hoạt động, nắm bắt các nhu cầu thực tiễn của các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp.
Trong phần thảo luận tại Hội nghị, DS. Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch VNPS đánh giá cao những phương hướng hoạt động của Hội VNPS trong thời gian qua. Đồng thời ông cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Hội VNPS sẽ tập trung vào xây dựng thương hiệu cho Hội và làm nổi bật được khái niệm sản phẩm thiên nhiên để giúp người tiêu dùng, giúp xã hội hiểu đúng về các sản phẩm được quảng cáo có nguồn gốc từ thiên nhiên trên thị trường hiện nay.
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Ban chấp hành Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, GS. Phạm Văn Thiêm trân trọng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu cho văn kiện Đại hội lần II để Ban chấp hành thảo luận cho ý kiến chỉnh sửa bổ sung và thông qua.
Hội nghị Ban chấp hành Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam mong rằng toàn thể hội viên tiếp tục đồng lòng chung sức xây dựng và phát triển Hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ cán bộ, hội viên, góp phần thiết thực vào sự phát triển nhanh và bền vững của lĩnh vực khoa học các sản phẩm thiên nhiên trong giai đoạn mới.
Bình luận của bạn