Kẽm có vai trò trong nhiều quá trình sinh học của cơ thể, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch
Những sai lầm của mẹ Việt về dinh dưỡng cho trẻ
Lựa chọn dinh dưỡng cho trẻ gầy
Dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn: Đừng nôn nóng, máy móc!
Dinh dưỡng cho trẻ tiểu đường
Kẽm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ. Bởi kẽm tham gia cấu tạo hơn 300 enzyme khác nhau, vì thế kẽm có vai trò trong nhiều quá trình sinh học của cơ thể. Trong đó kẽm có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch.
Theo kết quả từ cuộc điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cho thấy, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 29%, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 14% và 51% trẻ thiếu kẽm.
Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1 - 10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ, phụ nữ mang thai cần 15mg/ngày, cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6 - 12 tháng cần 16mg kẽm mỗi ngày. Lượng kẽm được hấp thu khoảng 5mg/ngày.
Tại sao bổ sung kẽm lại quan trọng với trẻ nhỏ?
“Lượng kẽm trong cơ thể phân bố là 50% trong cơ bắp – 20% trong xương – 30% còn lại trong não, võng mạc, tiền liệt tuyến. Chính vì 70% kẽm có trong cơ bắp và xương nên nó có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển về mặt thể chất của trẻ” ,Ths. BS dinh dưỡng Nguyễn Tú Anh cho biết. Vì vậy, muốn cải thiện cả về chất và lượng sức khỏe của trẻ, đặc biệt cần can thiệp bổ sung kẽm tự nhiên một cách khoa học.
Hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng nếu thiếu kẽm
Kẽm có tác dụng cho sự phát triển và thực hiện chức năng của hệ miễn dịch. Với hàm lượng kẽm đủ, cơ thể có khả năng tự làm lành vết thương, duy trì vị giác, khứu giác, giúp bình thường hóa hoạt động thị lực và cần thiết cho tổng hợp ADN. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưỡng xấu đến sự phát triển các chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch.
Lươn cũng là thực phẩm chứa nhiều kẽm
Vai trò của kẽm trong phát triển thể chất
Với trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân thì bổ sung kẽm sẽ kích thích sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng trong 6 tháng đầu. Đối với trẻ lớn hơn bị chậm tăng trưởng hoặc suy dinh dưỡng, bồ sung kẽm sẽ làm phục hồi rõ rệt về chiều cao và cân nặng.
Thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như thế nào?
Hàng ngày một lượng kẽm lớn bị đào thải ra ngoài cơ thể qua dịch ruột, dịch tụy, nước tiểu và mồ hôi. Vì vậy, nếu chế độ ăn của trẻ không đảm bảo, trẻ có thể bị thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Một cơ thể đầy đủ kẽm có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng ngoài da và tăng cường hệ miễn dịch chống chọi lại bệnh tật.
Bổ sung thực phẩm tự nhiên có chứa kẽm
Để bổ sung thêm kẽm cho trẻ, các chuyên gia cho rằng kẽm có trong thực phẩm từ động vật. Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...). Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.
Nên nuôi con bằng sữa mẹ và không cai sữa sớm trước 12 tháng
Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2 - 3 mg/lít), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4 mg/ngày. Do đó, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phòng chống thiếu kẽm cho trẻ phải được quan tâm cùng với phòng chống thiếu kẽm cho các bà mẹ từ lúc mang thai. Phụ nữ trong giai đoạn này nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng như ăn các bữa ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm, nhất là thức ăn có nguồn gốc động vật, đồng thời nuôi con bằng sữa mẹ và không cai sữa sớm trước 12 tháng.
Các loại hạt có dầu cũng là thực phẩm giàu kẽm cho trẻ
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc thiếu vi chất dinh dưỡng có ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em. Ỏ Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là gần 26%. Như vậy, cứ 4 bé thì có hơn một bé bị suy dinh dưỡng thấp còi, do vậy trẻ không thể đạt mức phát triển tối đa. Do người dân ở vùng nông thôn, vùng núi vùng sâu vùng xa... điều kiện kinh tế còn hạn chế nếu bữa ăn của trẻ chỉ có rau thì không đủ kẽm.
Thực tế, trong quá trình chế biến thức ăn, hàm lượng kẽm trong thức ăn đã bị thất thoát đi nhiều, mà trẻ lại rất khó ăn, ít khi ăn hết khẩu phần ăn của mình nên lượng kẽm đi vào cơ thể rất ít. Do đó, sử dụng thuốc bổ sung kẽm cho trẻ là việc rất cần thiết.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kiến thức sống khỏe
Bình luận của bạn