Dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn: Đừng nôn nóng, máy móc!

BS Trần Quốc Cường (Khoa Dinh dưỡng lâm sàng - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) tư vấn: Từ tháng thứ sáu đến bốn tuổi, bé tập ăn dặm theo cơ chế từ bữa ăn loãng, nhão đến đặc. Khi cơ thể bé phát triển bình thường sẽ tăng cân trung bình từ 200 - 300g/tháng, nếu bé không tăng cân thì sự hấp thu dinh dưỡng đã có vấn đề. Khi bé phát triển bình thường nhưng biếng ăn, phụ huynh cần kiên nhẫn và không nôn nóng, phải từng bước dạy bé ăn tương tự như dạy bé học. Một số sai lầm của phụ huynh là tạo bữa ăn quá "dày", vừa ăn xong lại ép uống sữa khiến bé ám ảnh việc ăn. Tùy theo giai đoạn, cần điều chỉnh khẩu phần ăn uyển chuyển, không máy móc theo công thức mà tùy vào cảm xúc, sức khỏe của bé từng ngày. Nếu trong hai ngày bé biếng ăn cũng không cần lo lắng, hãy để bé uống sữa và tự điều chỉnh nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.


Bữa ăn quá "dày" làm trẻ không hứng thú ăn uống

Thức ăn của bé cần phù hợp với độ tuổi, từ sáu-chín tháng bé ăn bột, có thêm chất đạm, không cho ăn cơm sớm nếu bé chưa có răng để nhai. Thức ăn đa dạng, khẩu vị ngon với một số thủ pháp về tâm lý, chẳng hạn lấy thức ăn ít, từng phần nhỏ (khoảng 1/3 khẩu phần của bé), dò xét và khai thác sự tò mò: bé thích lấy thức ăn trong chén người khác, hoặc tâm lý chống đối, độc lập không làm theo yêu cầu của người lớn: thức ăn nào người lớn ngăn cản thì bé xin được ăn. Từng bước tập bé ăn món mới, món dễ ăn phù hợp với bộ phận tiêu hóa non nớt của trẻ. Nên cho bé ăn các dạng thức ăn mềm như bánh flan, sữa chua, trái cây chín, sữa giàu năng lượng… và tránh những thức ăn gây dị ứng như lòng trắng trứng, hải sản.


Thức ăn của bé cần phù hợp với độ tuổi, từ sáu-chín tháng bé ăn bột (ảnh minh họa)

Cơ thể bé tăng trưởng từng ngày, cân nặng giảm khi tuổi càng tăng, khi bé sút cân, biếng ăn phải có lý do cụ thể như sốt ho, mọc răng hay tiêu chảy. Không để tình trạng bé biếng ăn kéo dài, khi phụ huynh mất kiểm soát dẫn đến việc ép bé ăn, lâu dần bé sẽ bị suy dinh dưỡng, dù vẫn ăn đủ bữa vì khả năng dung nạp dinh dưỡng không cao.

Theo BS Trần Quốc Cường, việc duy trì bữa ăn ngon miệng của trẻ tùy thuộc vào khả năng dạy bé ăn của người lớn. Tăng cường sức đề kháng cho bé bằng các vitamin từ trái cây tươi, bổ sung dưỡng chất từ sữa giàu năng lượng, các chất béo, chất đạm từ nguồn thực phẩm đa dạng, giúp bé ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn đủ bữa. Có trẻ biếng ăn do tính hiếu động hoặc thụ động trong việc nhai nuốt thì phụ huynh cần tạo trò chơi để bé chú ý khi ăn hay cùng ăn với bé để bé tập nhai nuốt. Tránh việc vừa cho bé đi rong vừa ăn hoặc nhét thức ăn đầy miệng khiến bé khó nhai nuốt, nên ngồi ghế ăn với các trò chơi bé thích thú. Tạo cho bé các bữa ăn đúng giờ để khoảng cách các bữa chính và phụ đều đặn, khoảng từ ba-bốn tiếng cho ăn một lần, để bé cảm giác đói và no rõ ràng. Nếu bé hào hứng với việc tự xúc ăn, phụ huynh nên khuyến khích và hướng dẫn, sẽ tạo cho bé sự ngon miệng và cảm giác thích thú với bữa ăn hơn.


Nên cho trẻ ngồi ghế ăn và tự xúc ăn nếu bé thích sẽ tạo cho bé sự ngon miệng và cảm giác thích thú với bữa ăn hơn.

Phi Nguyễn (PNO)

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ