Không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc, TP.HCM chủ động chặn sốt xuất huyết

Bệnh nhân chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế - Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Để có các quy định tối ưu nhất!

Muốn con khỏe: Dinh dưỡng cần đi đôi với vận động

Các tỉnh phía Nam "nóng" dịch sốt xuất huyết

Ngày Hiến máu Thế giới: Tại sao bạn nên đi hiến máu?

Theo Tuổi Trẻ online, các tỉnh thành phía Nam đã ghi nhận 39.317 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 36 ca tử vong, 20 người trong số đó là trẻ từ 15 tuổi trở xuống. Riêng TP.HCM ghi nhận 13.520 ca mắc sốt xuất huyết và có 9 ca tử vong. Chiều 15/6, TP.HCM đã tổ chức họp bàn về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, phải chủ động ngăn chặn từ xa trước khi dịch có diễn biến xấu; Từ đó, hạn chế thấp nhất những rủi ro và kiểm soát được khi dịch vào giai đoạn cao điểm.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh thành phối hợp Sở Y tế đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, không để đối tượng này phải tự mua sắm. Yêu cầu được đưa ra hôm 15/6, trong bối cảnh một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đang xảy ra tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh, nhất là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, gây ảnh hưởng quyền lợi người bệnh.

Tính đến ngày 15/6, TP.HCM đã tiêm được hơn 50.000 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4). Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ huy động khoảng 1000 đội tiêm ở đợt cao điểm tăng cường tiêm chủng phòng chống COVID-19 này, trong đó sẽ bố trí nhiều điểm tiêm tại nhà dành cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền không có điều kiện đi lại. Đợt này, TP.HCM sẽ tiến hành tiêm 2 loại vaccine Moderna và Pfizer cho nhóm người có nguy cơ cao.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa phẫu thuật thành công cho bé trai 14 tuổi, có tiền sử động kinh 8 năm. Được biết, bệnh nhi xuất hiện cơn động kinh đầu tiên cách đây 8 năm. Đến nay, hàng tuần có khoảng 3 - 5 cơn, mỗi cơn kéo dài trung bình 1 phút. Những cơn động kinh kéo dài nhiều năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và học tập của bệnh nhi. Hiện tại sau mổ, bệnh nhi ổn định, không liệt, không có rối loạn cảm giác, không xuất hiện cơn động kinh sau 1 tuần phẫu thuật.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân bị đàn ong vàng đốt, sốc phản vệ nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trình trạng tiền hôn mê, thở rít, chỉ số oxy trong máu (SpO2) dưới 80%, mạch nhanh, hạ huyết áp, da, niêm mạc toàn thân tím tái. Sau khi được các bác sỹ xử trí cấp cứu bệnh nhân thoát cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn dần ổn định.

Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu vừa phẫu thuật, gắp dị vật trong âm đạo của một bé gái. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng quấy khóc, đau vùng âm đạo. Người nhà cho biết chiều hôm trước, trong lúc ngồi chơi đồ chơi, bé đã để vật lạ vào âm đạo nhưng gia đình không hay biết. Đến sáng hôm sau, thấy bé khóc và đau nhiều ở vùng âm đạo nên gia đình đưa bé nhập viện. Sau chẩn đoán, các bác sỹ thực hiện phẫu thuật lấy trọn khối dị vật dài 2cm có phần đầu sắc cứng, nhọn ra ngoài. Qua trường hợp trên bác sỹ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý chăm sóc bé gái, nhất là độ tuổi từ 3 - 8 tuổi vì độ tuổi này trẻ rất hiếu động. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường ở vùng kín của trẻ phải đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sỹ chẩn đoán, phát hiện sớm và xử trí kịp thời./

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn