Dấu hiệu thiếu sắt
Chế độ ăn uống, thuốc uống, chế độ tập thể dục, tình trạng mang thai và cho con bú, kinh nguyệt
không đều, mất máu do bệnh tật… tất cả đều có thể ảnh hưởng đến lượng sắt trong cơ thể. Đặc biệt,
thiếu sắt là hiện tượng phổ biến ở ¼ số phụ nữ độ tuổi sinh đẻ (nhất là thời kỳ mang thai và cho
con bú). Những người khác cũng có nguy cơ cao là người ăn chay, vận động viên, thanh thiếu niên và
trẻ em.
Bác sỹ đa khoa Joe Kosterich ở Perth, Australia cho biết, mệt mỏi là dấu hiệu quan trọng nhất của
thiếu sắt, dù mức độ nhẹ thì có thể không có dấu hiệu nào cả. Một số người có thể bị đau đầu, khó
thở, chóng mặt hoặc buồn nôn trong khi những người khác thường đến bác sĩ nhờ tư vấn vì họ bỗng cảm
thấy chậm chạp, nặng nề. Trẻ em bị thiếu sắt cũng có thể mất cảm giác ngon miệng và có vấn đề về
hành vi.
Tuy nhiên dấu hiệu mệt mỏi thì cũng do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn bạn đang căng thẳng hoặc vài
ngày gần đây ngủ muộn. Vì thế, không nên mua thuốc bổ sung mà cần đi khám, tư vấn trước. Khi mệt
mỏi kéo dài một vài tuần và không có lý do rõ ràng, xét nghiệm máu sẽ cho kết quả chính xác nhất là
bạn có bị thiếu sắt hay không, đồng thời cũng giúp loại trừ một số nguyên nhân bệnh tật khác.
Từ mẫu máu xét nghiệm, có thể xác định 3 cấp độ thiếu sắt: sắt ở dạng dự trữ (ferritin); sắt gắn
liền với một loại protein trong máu (transferrin) và sắt trôi nổi tự do trong máu. Khi có kết luận
là thiếu sắt, khoảng 90% trường hợp nguyên nhân là rõ ràng. Nếu đó là phụ nữ ở độ tuổi 20 hoặc 30,
người ra nhiều kinh nguyệt thì là chuyện bình thường, nhưng nếu ai đó tuổi khoảng 50, đã mãn kinh
mà thiếu sắt thì hiện tượng này cần xem xét kỹ thêm.
Cách bổ sung sắt hiệu quả
Bổ sung sắt là quá trình chậm vì cơ thể chỉ có thể hấp thụ một lượng nhỏ mỗi ngày. Các nguồn thực
phẩm giàu sắt là thịt đỏ, các loại đậu, các loại hạt, rau lá xanh, hoa quả khô. Ngoài ra, nên sử
dụng thực phẩm nhiều vitamin C để tăng cường quá trình hấp thụ sắt.
Bổ sung nguồn sắt dự trữ tạo một nền tảng sức khỏe lành mạnh nhưng không nên tự ý dùng nếu không
được tư vấn của bác sĩ. Uống bổ sung sắt không cần thiết có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các
khoáng chất khác, như canxi có thể gây tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Ngoài
ra cơ thể không thể tự loại bỏ lượng sắt dư thừa, vì vậy nếu quá nhiều, sắt có thể tích tụ trong
các mô và cơ quan bên trong, gây ngộ độc, làm người ta ốm đi, có khi dẫn đến quá liều gây tử vong,
đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Trẻ em đặc biệt có nguy cơ thừa sắt, vì vậy luôn kiểm tra trước khi cho trẻ bổ sung sắt và để thuốc
nơi an toàn, tránh xa bàn tay nhỏ bé tò mò. Cuối cùng, chỉ nên dùng sắt kéo dài trong khoảng thời
gian được đề nghị, sau đó có thể xét nghiệm lại máu và tư vấn theo dõi.
Bình luận của bạn