Chăm sóc mẹ và bé sau sinh thường

Chăm sóc mẹ sau sinh thường

Giờ đầu tiên sau khi sinh, các bà mẹ được theo dõi dấu hiệu sinh hiệu, được ăn cháo hoặc uống sữa ngay một khi không có ý kiến khác của bác sĩ. Mẹ được nằm đầu không kê gối cao trong vòng 8 giờ đầu, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn sau 6 - 8 giờ. Trường hợp mẹ có dùng biện pháp đẻ không đau trong lúc sinh thì có thể vận động sau 1 ngày, nếu không có thể xoay trở mình, nghiêng phải, nghiêng trái sau đó có thể vận động sớm sau 6 giờ.

Sang ngày hôm sau, mẹ cần tắm toàn thân ngay bằng nước ấm sạch, nên sử dụng vòi hoa sen và thời gian tắm nhanh, không quá 20 phút, nhằm giúp cơ thể được vệ sinh tốt, trên mặt da các lỗ chân lông được hô hấp thông thoáng, tránh gây nhiễm trùng da.

Chăm sóc mẹ và bé sau sinh thường

Chế độ ăn: bà mẹ được ăn cơm ngay sau 2 - 4 giờ sinh thường, các món ăn, cần nấu chín và nóng, tập trung là thịt, trứng với số lượng nhiều hơn bữa ăn hàng ngày, thức ăn đi kèm là rau luộc chín và canh nấu chín có hầm giò heo hoặc thịt bò, thịt gà. Sau mỗi bữa ăn cần tráng miệng trái cây tươi chín như: đu đủ, chuối, thanh long, vú sữa… có thể kèm các loại chè đậu nấu, ăn nóng.

Sau sinh, hiện tượng sản dịch ra mỗi ngày và sẽ giảm dần vào các ngày sau đó. Ngày đầu tiên sau sinh, sản dịch ra nhiều, trung bình thấm 4 - 5 băng vệ sinh, bà mẹ cần thay băng vệ sinh ngay sau khi băng đã thấm sản dịch, không nên băng vệ sinh quá 6 giờ vì điều đó có thể gây chậm liền vết may tầng sinh môn, có thể có nguy cơ làm vi trùng vùng âm đạo phát triển gây nhiễm trùng. Trong thời gian nằm viện, bà mẹ có các nữ hộ sinh chăm sóc rửa vệ sinh âm hộ sáng và chiều.

Chăm sóc bầu vú: ngay sau sinh giờ đầu tiên, em bé cần được bú mẹ ngay, sau khi lau sạch đầu vú và nặn bỏ giọt sữa đầu, dưới sự hỗ trợ các nữ hộ sinh, mặc dù sữa đầu có nhưng số lượng rất ít, nhưng động tác cho bé bú, giúp cho sự bài tiết sữa về nhanh hơn do phản xạ mút của bé từ đầu vú, sẽ kích thích tuyến sữa tiết sữa. Mặt khác trong 3 ngày đầu, sữa mẹ gọi là sữa non, có hàm lượng dinh dưỡng và hàm lượng kháng thể rất cao, khi bé lãnh hội được nguồn sữa mẹ sau này sẽ không bị các bệnh dị ứng hay những bệnh lặt vặt thông thường.

Sang ngày thứ 3 sau sinh, thường có hiện tượng cương sữa, biểu hiện hai vú cương cứng, ấn đau, có thể kèm theo sốt nhẹ. Điều cần làm ngay, không để cương sữa, có thể cần sự giúp đỡ của ông bố hay người thân trong gia đình, thực hiện động tác mátxa vú, nặn sữa bình, hoặc có thể dùng máy hút sữa. Một khi không hiệu quả, có thể chườm mát, không nên chườm nóng, cách thức xử trí, dùng khăn mặt thấm ướt để trong ngăn đá tủ lạnh sau 15 - 20 phút, mang ra chườm trên bầu vú, động tác như vậy giúp hiện tượng co mạch, làm giảm cương sữa. Ngoài ra, cần lau sạch vú thường xuyên nhằm nhiễm trùng đầu vú.

Những trường hợp mẹ ít sữa, hay không có sữa, ngoài chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, cần thiết mẹ phải ngủ đủ giấc, trung bình 8 - 9 giờ/ngày, chính trong giấc ngủ sẽ giúp bài tiết sữa nhiều hơn. Đồng thời, chú ý khi bé bú mẹ, mẹ nên ngồi dậy bế con cho bú, cho bé bú hết sạch sữa một bên bầu vú này, rồi sau đó mới sang bên vú bên kia, không nên cho trẻ bú lưng chừng bầu vú mẹ vẫn còn sữa mà chuyển sang bầu vú khác, điều đó sẽ làm hạn chế bài tiết sữa. Có thể dùng các viên thuốc giúp kích thích sữa như: Meko lactagil 0,6g 1 viên x 2 lần uống.

Chăm sóc bé sau sinh

Khi bé chào đời, điều đầu tiên bé được các nữ hộ sinh chăm sóc, giúp bé thở tốt, làm rốn, ủ ấm và tiêm ngừa xuất huyết não màng não bằng vitamin K1 với liều 1mg tiêm bắp. Trong giờ đầu tiên bé được bú sữa mẹ với sự giúp đỡ của các nữ hộ sinh và bé được nằm bên mẹ với tên gọi “da kề da” nghĩa là bé nằm kề bên mẹ, toàn thân áp vào người mẹ. Sang những ngày tiếp theo bé được bú sữa mẹ hoàn toàn ngày đêm. Bé bú “theo nhu cầu”, với thời gian trung bình giữa hai lần bú 2 - 2,5 giờ.

Nguồn ảnh: baosuckhoe.org
Nguồn ảnh: baosuckhoe.org

Việc chăm sóc rốn cho bé, hiện nay có sự thay đổi so với quan điểm cũ, sau 24 giờ, rốn của bé để hở hoàn toàn, không cuốn băng. Điều đó giúp cho rốn của bé mau khô hơn và không bị nhiễm trùng, cũng không nhất thiết phải thoa thuốc sát trùng lên rốn bé.

Bé được tắm mỗi ngày, vào buổi sáng, sau giờ phơi nắng vào lúc 7 - 8 giờ sáng. Cần thiết ủ ấm cho bé, khi trời lạnh, nhiệt độ thích hợp trong phòng của bé 27 - 280C.

Một số điều cần chú ý ở bé, trong lúc bé ngủ, có thể có cơn ngưng thở thoáng qua, nên cần quan sát bé, cho bé nằm tư thế ngủ thoải mái, tốt nhất bé nằm ngửa, có hai gối nhỏ hai bên bé hay bé nằm cạnh mẹ, một tay mẹ quàng qua bé giúp bé được ngủ ngon giấc hơn. Bé có hiện tượng sút cân sinh lý, do hiện tượng thoát mồ hôi qua da, vàng da sinh lý xảy ra vào ngày thứ 4 trở đi, nếu vàng da xuất hiện sớm hơn, cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa nhi. Ở bé gái trong những ngày đầu, bộ phận sinh dục ngoài của bé có ra huyết đỏ sậm loãng, điều này là bình thường, nguyên nhân là do nội tiết tố mẹ truyền qua bé, nên không cần phải xử trí.

Sau 24 giờ bé được tiêm ngừa lao và viêm gan siêu vi B. Sang ngày thứ 3 trở đi bé được lấy máu gót chân, để tầm soát hai bệnh lý dễ mắc phải, đó là suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD. Tất cả những điều cần làm cho bé về tiêm ngừa và lấy máu gót chân giúp cho chất lượng sức khỏe của thế hệ kế tiếp khỏe mạnh và thông minh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trong những ngày đầu bé sinh ra ngủ nhiều hơn thức, điều đó là bình thường, vì hệ thần kinh của bé chưa hoàn thiện. Cần chú ý cho bé bú khi mà sau 2,5 giờ bé chưa bú, để tránh hạ đường huyết.

BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ