Tôi 54 tuổi, hết kinh được 4 năm nay. Từ trước khi hết kinh, trong người tôi lúc nào cũng nhức mỏi, đau xương. Vì không thấy ốm nặng nên tôi cũng không đi khám, mãi gần đây có đoàn khám bệnh miễn phí về làng, tôi đi đo xương mới biết mình đã bị loãng xương nặng, độ 3. Xin cho biết bệnh loãng xương là gì và làm thế nào để khắc phục?
Trả lời: Loãng xương là bệnh thường gặp, đặc biệt là ở nữ giới sau mãn kinh.
Để khắc phục tình trạng loãng xương ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh thì cách tốt nhất là phải dự phòng từ khi còn trẻ. Thực hiện chế độ ăn uống điều độ, đa dạng thành phần thức ăn trong mỗi bữa ăn với đầy đủ và cân đối các nhóm chất: bột đường, protein, chất béo, chất khoáng và vitamin...
Các thuốc điều trị loãng xương có thể dùng gồm: nhóm biphosphonat điều trị và phòng ngừa loãng xương: gồm các thuốc etidronat, clodronat, tiludronat, neridronat, olpadronat, ibandronat, alendronat, risedronat, pamidronat, zoledronat. Chỉ định nhiều và rộng rãi trong các trường hợp điều trị và phòng ngừa loãng xương, bệnh viêm xương biến dạng. Cách dùng: ibandronat dùng tiêm tĩnh mạch mỗi 3 tháng/lần và acid zoledronic dùng tiêm tĩnh mạch mỗi năm/ 1 lần. Các thuốc khác dùng dưới dạng viên mỗi ngày hay mỗi tuần, mỗi tháng tuỳ vào hàm lượng của thuốc. Hormon cận giáp (PTH = parathyroid hormon) điều trị loãng xương ở phụ nữ. PTH được sử dụng trong các trường hợp loãng xương ở phụ nữ, tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương sống, xương đùi. Raloxifen và dẫn chất ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh: là chất điều hòa chọn lọc trên thụ thể của estrogen được sử dụng để ngừa loãng xương trên phụ nữ mãn kinh. Strontium ranelat điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh.
Thuốc này đã được sử dụng rộng rãi ở hơn 70 quốc gia để điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh. Thuốc cho thấy có hiệu quả tốt trong việc làm giảm tỉ lệ gãy xương đùi và cột sống ở phụ nữ loãng xương. Calcium và vitamin D (hay dẫn chất của vitamin D) bổ sung điều trị loãng xương là hai chất luôn có mặt trong phác đồ điều trị loãng xương bổ sung cho các thuốc đã nêu trên... Ngoài ra, một số thực phẩm hỗ trợ ngăn ngừa loãng xương: cua đồng, tép khô, tôm đồng, nước mắm cá, lòng đỏ trứng vịt, gà, hến, sữa bò tươi...
Chị nên đến cơ sở y tế chuyên khoa dinh dưỡng để được khám, đo lại mật độ xương... bác sĩ sẽ có lời khuyên cụ thể trong chế độ ăn, tập luyện cũng như bổ sung thuốc như thế nào cho hợp lý... Ngoài ra, chị cũng nên đi khám định kỳ nhằm phát hiện sớm và dự phòng các bệnh mà nữ giới thường gặp sau thời kỳ mãn kinh. Chúc chị khỏe!
BS. Nguyễn Thị Thúy
Bình luận của bạn