TP.HCM: Phát hiện công nghệ sản xuất mỹ phẩm giả
Nhiều rủi ro khi dùng mỹ phẩm gia truyền, xách tay
Thu giữ 350 hộp mỹ phẩm giả mang nhãn hiệu Vĩnh Tân
Nhập viện vì dùng phải mỹ phẩm giả
Cần Thơ: Phá ổ "sản xuất" cà phê, mỹ phẩm giả
“Lò” mỹ phẩm giả cung cấp cho bác sĩ dỏm, tại các spa không phép
Tiệm cắt tóc, gội đầu kiêm… thẩm mỹ viện
Hiện nay, trên địa bàn các thành phố lớn xuất hiện nhiều cơ sở “làm đẹp vỉa hè” núp bóng dưới các biển hiệu cắt tóc, gội đầu. Nhiều cơ sở còn sẵn sàng can thiệp cả dao kéo như xăm trổ, tẩy nốt ruồi…
Nằm ở góc phố Bích Câu (Đống Đa, Hà Nội), không biển hiệu về xăm thẩm mỹ nhưng tiệm cắt tóc của N. lại khá đông khách đến phun lông mày, cắt mí, xăm môi. Theo N., mỗi tuần cửa hàng nhận khoảng 5-7 ca xăm thẩm mỹ. Mỗi khi có khách là N. lại liến thoắng: “Chị phun lông mày mất 30 phút thôi, không đau, không chảy máu, thuốc nhập khẩu đảm bảo chất lượng”.
Phun, xăm môi, lông mày ở các tiệm cắt tóc được thực hiện rất sơ sài
Ngay đối diện cửa hàng này là một hiệu cắt tóc nhỏ hơn, với diện tích chỉ khoảng chục mét vuông, song ngoài dịch vụ chính là cắt tóc thì cửa hiệu cũng treo biển giới thiệu một loạt dịch vụ làm đẹp gồm: Tắm trắng da, bấm lỗ tai, đặc biệt là… xăm phun môi, mắt, tẩy nốt ruồi.
Không chỉ nở rộ tình trạng “làm đẹp vỉa hè”, hiện nay việc mua bán sử dụng mỹ phẩm xách tay cũng diễn ra rầm rộ. Một phép thử đơn giản, vào Google gõ từ khóa “Mỹ phẩm xách tay” chỉ với 0,46 giây có đến 18.800.000 kết quả liên quan. Với từ khóa “Mỹ phẩm hàng hiệu xách tay”, chỉ trong 0,39 giây công cụ tìm kiếm Google cho ra 9.470.000 kết quả. Cùng với những con số “ấn tượng” là vô số trang mạng rao bán mỹ phẩm, nguồn gốc xuất xứ mỹ phẩm theo các trang mạng này cũng rất đa dạng, hàng xách tay từ Đức, Pháp, Mỹ cho đến Nhật, Hàn Quốc… Bên cạnh dòng mỹ phẩm cao cấp của những nhà sản xuất có uy tín, những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được rao bán với giá không hề rẻ nhờ được chủ shop dán nhãn “xách tay”, “gia truyền”, “hàng nhập ngoại”.
Mỹ phẩm Hàn Quốc "dởm" đang được cung cấp cho một số spa, thẩm mỹ viện trên địa bàn Hà Nội
Chỉ cần một tài khoản facebook, một nickname trên diễn đàn là nhiều người đã có một “shop” bán mỹ phẩm. Các sản phẩm được rao bán như kem trị mụn, kem trắng da... Nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, nhà sản xuất... mỹ phẩm được bán trong thế giới ảo cũng mập mờ đủ vẻ. Liên hệ mua thuốc trị mụn được quảng cáo trên mạng, 30 phút sau, nhân viên mang đến một lọ thủy tinh quấn băng keo sơ sài, không nhãn mác, chứa dung dịch màu vàng cùng một số loại rễ cây. Nhân viên giao hàng này quảng cáo đó là “thuốc trị mụn gia truyền gồm 20 loại rễ cây ngâm với rượu do sếp nghiên cứu”. Mỗi lọ dung dịch trị mụn có giá 499.000 đồng. Khi chúng tôi hỏi thêm sản phẩm đã được kiểm nghiệm của Bộ Y tế chưa? Anh ta chỉ cười và nói “thuốc gia truyền mà”.
Tiền mất, tật mang
Mỗi khi nói đến chuyện phun xăm thẩm mỹ, chị Nguyễn Quý (Nguyễn Công Hoan, Ba Đình) lại bức xúc chỉ vào vết sẹo ở đôi lông mày, than thở: Cách đây nửa năm, nghe cô bạn rủ rê có thợ “xăm” từ Sài Gòn ra, chị tìm đến một tiệm gội đầu ở ngõ phố Thụy Khuê đặt hàng thêu đôi lông mày kiểu Hàn Quốc. Mất 1,2 triệu đồng, thêm 1 tháng hầu như không dám ra đường vì vị trí xăm lông mày sưng đỏ, chị có một đôi lông mày đậm như lưỡi mác, trông rất dữ dằn khiến ai gặp cũng… khiếp. Tìm đến cửa hàng đã xăm cho mình, lần nào chị cũng nhận được lời an ủi: “Lúc đầu ai chả thế, sau phai dần đi là đẹp”. Chẳng chịu được đôi lông mày dữ dằn, chị tìm đến bệnh viện tẩy xăm mất 2 triệu đồng, chấp nhận một vết sẹo trắng mờ trên vị trí đôi lông mày.
TS.BS Nguyễn Minh Quang - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho hay, bệnh viện cũng tiếp nhận không ít ca đến tẩy xăm mày, môi do thẩm mỹ không đạt yêu cầu, quá xấu hoặc điều trị vết xăm bị nhiễm trùng, nổi mụn. Nguy cơ bệnh tật sau khi phun xăm là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn y tế, những dụng cụ thực hiện xăm như kim, ngòi xăm… không được tiệt trùng, thậm chí dùng chung cho nhiều người rất dễ lây lan dịch bệnh, viêm nhiễm. Ngay cả các loại mực xăm trôi nổi, tận dụng cả mực xăm cũ của khách hàng trước dùng cho khách hàng sau… cũng là các nguyên nhân gây truyền nhiễm các bệnh như virus Herpes simplex, viêm gan B, giang mai… và có thể gây hậu họa lâu dài về sau.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở vỉa hè và trên mạng xã hội
Còn tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Phạm Quỳnh Mai (18 tuổi, sinh viên) vừa được bác sỹ kết luận bị viêm da nặng do sử dụng mỹ phẩm có chứa thành phần corticoid. Chị Mai cho biết, một lần đọc được thông tin bán sữa non cô đặc xách tay từ Nga về với giá 160.000 đồng/bịch trên mạng xã hội. Vì thấy lời chia sẻ hết sức ấn tượng nên chị đặt mua 2 bịch về dùng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 lần sử dụng, da mặt của chị bỗng phồng rộp gây ngứa ngáy rất khó chịu. Tại vùng da bôi sữa, từng đốm đỏ li ti nổi lên. Quá sợ, chị Nga đến bác sỹ da liễu khám mới biết da mình bị dị ứng với chất tẩy trắng có trong sữa non. Chị phải vất vả suốt một thời gian dài điều trị vùng da bị tổn thương.
Bác sỹ Nguyễn Minh Quang - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, không chỉ mỹ phẩm giả mà ngay cả các loại mỹ phẩm tốt, chính hãng cũng có thể gây dị ứng, viêm da cho người sử dụng (tùy cơ địa từng người). “Vì vậy, việc lựa chọn sử dụng mỹ phẩm không thể chủ quan, cần biết rõ sản phẩm mình sử dụng và có thể tư vấn thêm từ bác sỹ da liễu, để không phải chịu hậu quả đáng tiếc”, bác sỹ Quang khuyến cáo.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định, tất cả các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ viện có triển khai những kỹ thuật thuộc phạm vi hành nghề về y tế đều phải được Sở Y tế cấp phép thì mới được hoạt động. Còn các spa, cơ sở làm đẹp cung cấp dịch vụ làm đẹp thông thường do quận, huyện cấp phép, quản lý và tuyệt đối không được triển khai các kỹ thuật xâm lấn, động dao kéo gây chảy máu như xăm môi, xăm mắt, tẩy nốt ruồi, tiêm thuốc hay các liệu pháp chữa trị. Do vậy, tất cả những cơ sở làm đẹp treo biển hiệu giới thiệu dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ không đúng phạm vi được cấp phép theo quy định nêu trên thì đều vi phạm.
Bình luận của bạn