Cỗ Tết hai miền Nam Bắc tuy có sự khác biệt nhưng tựu chung lại vẫn là những món ăn cầu cho một năm mới an lành
Bánh chưng được coi là "linh hồn" trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc. Trong khi mâm cỗ Tết miền Nam lại không thể thiếu bánh tét.
Canh măng là món ăn mang đậm hương vị ngày Tết, gợi sự ấm áp trong những ngày đầu Xuân sum vầy. Thiếu bát canh măng ăn Tết thì cái Tết như không trọn vị. Mâm cỗ miền Nam lại chuộng khổ qua - món ăn mong muốn sự khổ cực trong năm cũ qua đi, để tiếp đón điều tốt đẹp trong năm mới.
Người miền Bắc thường muối một hũ dưa hành để ăn kèm với bánh chưng và các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt luộc) trong ngày Tết cho đỡ ngán, lại tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Người miền Nam cũng chung ý tưởng này, nhưng thay vì dưa hành, họ ăn củ kiệu tôm khô.
Nem rán là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc. Người miền Nam cũng thích chả giò (tên gọi miền Nam của nem rán) nhưng trong mâm cỗ Tết lại chuộng bánh tráng cuốn hơn.
Trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc từ xưa đến nay, món giò thủ - giò xào đã trở thành món ăn không thể thiếu. Món ngon ngày Tết của người miền Nam lại là lạp xưởng.
Món gà luộc để cúng cho ngày cuối năm và đầu năm là không thể thiếu cho bất cứ mâm cỗ Tết nào. Nhiều người tin rằng món gà luộc sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Người miền Bắc có đĩa gà luộc trong mâm cỗ Tết, người miền Nam lại có đĩa gà luộc xé phay.
Thịt đông là món riêng có của mùa lạnh xứ Bắc. Trong ngày rét mướt, thịt đông trở nên ngon hơn, đưa cơm hơn. Còn ở miền Nam, ngày Tết đến thăm nhà ai cũng thấy món thịt kho tàu - món ăn gợi không khí hòa thuận, sum vầy.