Tháng 4, không thể bỏ qua món sứa đỏ giòn dai sần sật

Giờ đang là thời điểm vào mùa sứa đỏ, chỉ còn ít ngày nữa, là mùa đã trôi qua…

Món ngon đầu tuần: Bắp cải cuốn thịt hấp

Mực trứng chiên giòn - Thơm cay “điếc” mũi

3 món ngon với dạ dày lợn cho ngày mưa phùn

Lạ miệng ngon cơm với đậu phụ non hấp tôm thịt

Sứa đỏ là đặc sản của vùng biển Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), một vài năm trở lại đây, sứa đỏ dần trở nên phổ biến với người Hà Nội từ các quán ăn sang trọng ra đến những gánh hàng vỉa hè bình dân. Gỏi sứa đỏ cũng được biến tấu với đủ kiểu ăn, cách ăn cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu. Tuy vậy, ăn sứa đỏ đúng điệu theo cách của người miền cảng biển có lẽ là đậm đà và đủ đầy phong vị hơn cả.

 Nguyên liệu:

- Sứa tươi hoặc sứa đã ngâm. Nếu là sứa tươi, bạn cần cạo bỏ nhớt, rửa sạch, cho vào ngâm trong nước lá sung hay đinh lăng, mỏ vẹt, đun sôi để nguội và muối trong khoảng 4 – 5 ngày.

- Lá, rau ăn ghém đủ loại: Lá sung, lá mơ, đinh lăng, tía tô, kinh giới, húng quế, húng dũi, lá sắn, khế chua, chuối xanh, dứa… (1kg sứa nên chuẩn bị 1 hoặc 1,5kg rau).

Rau càng nhiều loại, món ăn càng hấp dẫn

- Cùi dừa bánh tẻ.

- Cà chua, bỗng rượu hoặc mẻ.

- Bột đao, giềng xay, đường, ớt, gia vị.

Ngâm sứa

Chế biến:

- Sứa đã ngâm đủ ngày, đem ra sửa sạch lại với chanh, nước đun sôi để nguội và thái thành miếng vừa ăn.

- Các loại rau rửa sạch, để ráo.

- Cùi dừa thái miếng mỏng. Khế, chuối và dứa sơ chế, sau đó thái miếng vừa ăn.

- Bỗng rượu nấu sôi, cho cà chua, gia vị vào đun nhỏ lửa và khuấy bột đao vào cho nước bỗng sánh lại là được. Nếu không nấu bằng bỗng rượu, bạn nên sốt cà chua và lọc mẻ, nêm gia vị và thêm bột đao vào cho nước sền sệt rồi bắc ra.

Cách ăn:

Đặt miếng sứa vào giữa những lá rau và cuộn lại, chấm với nước bỗng hoặc bạn có thể đặt những lá rau vào bát, cho miếng sứa lên trên, chan nước bỗng và ăn. Ngoài ra, cũng có thể ăn kèm sứa với đậu phụ rán và chấm mắm tôm (theo cách của người Hà Nội).

Món sứa không cần ăn kèm với cơm hay bún mà ăn giống như một kiểu ăn chơi như nem chua. Vị ngon của món sứa chấm bỗng là sự hoà quyện của sứa giòn, vị chua, chát, cay, thơm của lá rau, nước chấm.

Thưởng thức một miếng sứa ngon giữa tháng tư, như thể trở về với cánh đồng và biển cả mênh mông…

Sứa biển còn gọi là hải triết, thạch kính, thủy mẫu... Đông Y coi sứa như một vị thuốc. Bộ phận dùng làm thuốc là cả con sứa (hải triết) hoặc da, (hải triết bì). Trong sứa biển có nhiều protein, ít lipid, các chất khoáng P, Ca, Fe và các sinh tố B1, B2, Na; Choline, chứa nhiều iod. Theo Đông y, sứa vị mặn, tính bình, vào phế can thận. Lớp vỏ ngoài của hải triết gọi là hải triết bì vị mặn, tính bình có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm tiêu tích, khu phong trừ thấp. Sứa dùng cho các trường hợp ho suyễn nhiều đờm (hen suyễn, viêm khí phế quản, viêm họng) táo bón đầy bụng, phù nề, viêm sưng hạch. Liều dùng, cách dùng: 50 -100gr; Nấu hầm, trộn, ướp.

Lưu ý: Món sứa không dành cho người bị dị ứng hải sản hoặc từng bị ngứa khi ăn sứa. Người có tỳ vị hư hàn không nên ăn sứa. Đặc biệt không được ăn sứa tươi, chỉ ăn khi sứa được ngâm rửa sạch.

Đồng Thảo H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng