"Làm đẹp" không tai biến

Lợi nhiều, hại cũng không ít


Theo TS. Đại tá Nguyễn Huy Thọ, để phẫu thuật thẩm mỹ an toàn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sỹ và bệnh nhân...
Sự xuất hiện của phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) đem lại nhiều giá trị lợi ích cho cộng đồng. Theo TS. Nguyễn Huy Thọ, có lẽ, những người được thụ hưởng những giá trị tích cực nhất của PTTM chính là những bệnh nhân bỏng, những người có dị dạng trên khuôn mặt hoặc cơ thể, những người ở trong tình trạng lão hóa sớm… - khiến người ta hoang mang và trở nên khép mình. Sự phát triển của ngành y khoa thẩm mỹ, các phẫu thuật ghép da, căng da… đã ra đời, giúp họ thoát khỏi ám ảnh của bản thân và trở lại hòa nhập với cuộc sống.

Cũng theo TS. Nguyễn Huy Thọ, thời gian gần đây, số lượng khách hàng trẻ tuổi đi phẫu thuật thẩm mỹ tăng gấp đôi so với trước. Và không chỉ những cô gái trẻ đến sửa những “khiếm khuyết” trên khuôn mặt và cơ thể mà cả những phụ nữ/nam giới tuổi tứ tuần cũng đi thẩm mỹ. Có nhiều dịch vụ, đơn giản nhất là xăm lông mày, nhấn mí mắt, nối mí; phức tạp hơn có xóa nốt ruồi, khoét má lúm đồng tiền, nâng mũi, độn cằm, căng da mặt, xóa nếp nhăn, nâng ngực, hút mỡ... Thậm chí gò má cao có thể hạ thấp, khuôn mặt tròn, góc cạnh cũng có thể gọt hàm để thành mặt trái xoan…

Tuy nhiên, song hành cùng với những lợi ích của PTTM, cũng có không ít những nguy cơ tai biến tiềm ẩn. Tạm không nhắc đến những tai biến như lệch sống mũi, cằm không cân đối với khuôn mặt, để lại sẹo, cơ mặt bị biến dạng… hay những sản phẩm nhân tạo đặt vào cơ thể đều có nếu không vì cơ thể đào thải thì cũng bị xuống cấp theo thời gian. Những tai biến này có thể khắc phục được nếu có “biện pháp dự phòng”.

Nghiêm trọng hơn là những biến chứng trong quá trình phẫu thuật, mà điển hình là những ca tai biến dẫn đến tử vong ở người PTTM. Thực tế PTTM ở Việt Nam, chưa có những con số thống kê chính thức về tai biến. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Huy Thọ, những tai biến trong PTTM nếu có thường nằm trong các trường hợp sau: Phản ứng dị ứng với các loại thuốc trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật; những rối loạn tim mạch, huyết áp do quá bồn chồn, lo lắng; phản ứng dị ứng với thuốc tê, thuốc mê; Ngộ độc thuốc do dùng quá liều; sai sót khi thao tác đặt ống nội khí quản: chấn thương răng, không đặt đúng vào đường thở; độ mê không phù hợp với yêu cầu phẫu thuật; Chảy máu bất thường, không cầm được; tổn thương mạch máu, thần kinh; tổn thương các bộ phận lân cận; Nhiễm trùng, ảnh hưởng không tốt đến quá trình liền sẹo; vết mổ lâu lành, dễ gây sẹo xấu; hình thành sẹo xấu hoặc sẹo bệnh lý (sẹo quá phát, sẹo lồi...)…


Phẫu thuật thẩm mỹ phải đối mặt với nhiều nguy cơ không kém gì phẫu thuật chữa bệnh

Đặc biệt là biến chứng kết quả thẩm mỹ kém, bệnh nhân không hài lòng. Trong PTTM, sự hài lòng của bệnh nhân là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả phẫu thuật. Bởi vì kết quả thẩm mỹ sẽ có tác động to lớn tới đời sống tinh thần tâm lý người bênh, có thể làm cho họ vui vẻ, tự tin hơn hay làm cho họ thất vọng, buồn chán. Nhiều khi vấn đề hài lòng hay không hài lòng chính là nguyên nhân của những khiếu kiện trong PTTM mặc dù cuộc mổ diễn ra an toàn và kết quả sau mổ được coi là tốt về mặt chuyên môn.

Đảm bảo an toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ

Theo TS. Thọ, đảm bảo an toàn cho người bệnh là tiêu chí số 1 của ngành y tế nói chung và của ngành PTTM nói riêng. Uy tín cá nhân của bác sỹ, của bệnh viện, của cơ sở khám chữa bệnh đều sẽ mất hết một khi có tai biến, nhất là tai biến chết người xảy ra, dù bất luận lý do là gì.

Việc tư vấn kỹ lưỡng và phục vụ tận tâm là những đòi hỏi thường xuyên với các phẫu thuật viên. Nhưng để giảm thiểu các tai biến không chỉ là công việc của bác sỹ mà còn phải có sự hợp tác hiệu quả từ bệnh nhân. Vì vậy, việc tuyên truyền phổ cập những kiến thức y học thông thường cho cộng đồng để mỗi bệnh nhân có thể hiểu rõ các nguy cơ và thông cảm với công việc của người thầy thuốc là việc rất quan trọng và hữu ích.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp