Lạm dụng CT cắt lớp: Tăng nguy cơ ung thư ở trẻ

Theo một nghiên cứu mới đây của 7 hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, việc sử dụng phương pháp chụp cắt lớp CT ở một số bộ phận trên cơ thể người như: đầu, xương chậu, ngực hoặc cột sống… ở trẻ em dưới 14 tuổi từ năm 1996-2005 đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên theo báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học lần đầu tiên được công bố trên tạp chí mạng nhi khoa JAMA ,việc sử dụng phương pháp này làm tăng nguy cơ ung thư ở bệnh nhân trẻ em do bị ảnh hưởng bởi các tia bức xạ.

Bệnh nhi đã từng chụp CT ở vùng đầu có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu

Trong 2 thập kỷ qua, số lượng sử dụng phương pháp chụp CT đối với bệnh nhi đã tăng lên đáng kể. Mức độ bức xạ của chụp CT cao hơn so với phương pháp chụp X-Quang, đồng nghĩa với nguy cơ ung thư đối với người sử dụng cũng tăng lên. Các tác giả của công trình nghiên cứu này cho biết, trẻ em rất yếu ớt và nhạy cảm với các bức xạ gây ung thư, và căn bệnh ung thư có nguy cơ âm thầm phát triển dần qua nhiều năm trong cơ thể bệnh nhi sử dụng phương pháp này.

Công trình nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tại các trung tâm chăm sóc và khám sức khỏe đang có xu hướng sử dụng phương pháp chụp CT áp dụng với bệnh nhi ngày càng phổ biến. Đáng lo ngại hơn, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ 1996-2005 việc áp dụng phương pháp chụp CT đối với trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng gấp đôi, và ở trẻ em lứa tuổi 5-14 tuổi tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2006-2007 kể về trước.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy các bệnh nhi càng nhỏ tuổi thì nguy cơ mắc ung thư do sử dụng phương pháp này càng cao. Tỷ lệ mắc ung thư đối với người chụp CT ở các khu vực bụng/xương chậu hoặc xương sống cao hơn so với người chụp CT ở các vùng khác trên cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhi đã từng chụp CT ở vùng đầu có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Công trình nghiên cứu khoa học này ước tính rằng trong số 4.870 người có nguy cơ mắc bệnh ung thư trong tương lai, thì có tới 4000 trường hợp mắc bệnh do sử dụng phương pháp chụp CT mỗi năm. Dựa trên tính toán của các nhà nghiên cứu, việc giảm 25% liều lượng bức xạ ở mức cao nhất xuống mức trung bình có thể giảm thiểu được 43% các ca ung thư trong số này.

Công trình khoa học sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu các tác hại của bức xạ từ phương pháp chụp CT đối với sức khỏe bệnh nhi cũng như nguy cơ độc hại mà các phương pháp chụp chiếu khác (có hình ảnh hoặc không) có thể gây ra.

Tuy nhiên, trước khi những vấn đề này rõ ràng hơn, các nhà khoa học khuyến cáo rằng việc giảm mức độ sử dụng và tiếp xúc tia bức xạ là rất cần thiết. Trong trường hợp thực sự cần kíp phải sử dụng phương pháp chụp CT, các bác sỹ cần ưu tiên giảm liều lượng bức xạ một cách thỏa đáng.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ