Bệnh nướu răng là nguyên nhân chính gây mất răng ở người lớn
Bảo vệ răng bằng cách súc miệng với dầu dừa
Điểm mặt 5 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh bị hôi miệng
5 cách đơn giản giúp giảm hôi miệng tức thì
Hôi miệng do dùng thuốc kháng sinh phải làm sao?
Có 2 dạng bệnh nướu răng chính: Viêm nướu viêm lợi và bệnh nha chu. Theo đó, viêm nướu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể tiến triển thành bệnh nha chu. Bệnh nha chu là tình trạng nhiễm trùng những mô nâng đỡ xung quanh răng (nướu răng, dây chằng nha chu và xương ổ răng) và về lâu dài dẫn đến mất răng. Vì đây là vấn đề răng miệng phổ biến, đặc biệt ở những người vệ sinh răng miệng kém nên tiến sỹ Kamala Aydazada, người sáng lập Kensington Cosmetic Dentist, chia sẻ một số thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày giúp nướu răng khỏe mạnh, phòng viêm nướu và bệnh nha chu hiệu quả.
Đến gặp nha sỹ thường xuyên
Tiến sỹ Aydazada cho rằng phát hiện bệnh nướu răng, viêm nướu sớm là điều rất quan trọng góp phần đảo ngược tình trạng bệnh. Đó là lý do vì sao bạn nên đi kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên, ngay cả khi không có biểu hiện bệnh rõ ràng. Trong quá trình thăm khám định kỳ, nha sỹ sẽ vệ sinh răng miệng, làm sạch mảng bám và cao răng. Thậm chí, họ sẽ chụp X-quang để kiểm tra xem có thể bị mất xương hay không.
Nếu bạn chưa từng bị bệnh nướu răng, có sức khỏe răng miệng tốt thì có thể chỉ cần đến gặp nha sỹ 1-2 năm/lần. Trong trường hợp bạn có nguy cơ cao bị các vấn đề về răng miệng, nha sỹ khuyên bạn đi khám răng thường xuyên từ 3-6 tháng/lần.
Đánh răng 2 lần/ngày
Đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ là "chìa khóa" giúp nướu răng khỏe mạnh. Tiến sỹ Aydazada khuyên bạn nên đánh răng 2 lần/ngày và tối thiểu 2 phút/lần để làm sạch mảng bám. Lưu ý, trong quá trình chải răng thì nên thực hiện nhẹ nhàng để tránh bị tụt nướu. Bên cạnh đó, nên thay bàn chải mới 3-4 tháng/lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị mòn.
Làm sạch kẽ răng
Làm sạch kẽ răng ngăn ngừa hình thành mảng bám
Đầu tư thời gian để làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hay bàn chải kẽ răng sẽ giúp loại bỏ các mảnh thức ăn thừa tích tụ hiệu quả nhất. Nướu răng bị chảy máu, cảm giác đau là điều thường thấy trong lần đầu sử dụng bàn chải kẽ răng nhưng nó sẽ giảm dần ở những lần thực hiện tiếp theo. Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu kéo dài sau vài ngày, bạn nên đến gặp nha sỹ.
Dùng nước súc miệng trị liệu
Nước súc miệng trị liệu có thể là loại kê đơn hoặc không kê đơn. Chúng giúp tiêu diệt vi trùng góp phần hình thành mảng bám, hôi miệng và bệnh nướu răng. Bạn có thể sử dụng nước súc miệng có thành phần cetylpyridinium chloride, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn; chlorhexidine, làm giảm mảng bám; và các loại tinh dầu như methol, khuynh diệp và thymol, có đặc tính kháng khuẩn.
Bổ sung vitamin C
Chế độ dinh dưỡng kém cũng khiến sức khỏe nướu suy giảm. Đặc biệt khi cơ thể thiếu hụt vitamin C có thể dẫn đến chảy máu nướu và cuối cùng là viêm nướu nếu không được điều trị kịp thời. Vitamin C củng cố nướu và mô mềm trong miệng, đồng thời giúp vết thương mau lành.
Bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C thường xuyên
Đối với người lớn, lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày là 65-90mg.
Không hút thuốc
Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe răng miệng, càng nên cân nhắc việc từ bỏ thói quen hút thuốc. Hút thuốc không chỉ là nguyên nhân phổ biến của bệnh nướu răng mà còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể và khiến nướu răng khó lành hơn trong quá trình điều trị.
Nhận thức được các yếu tố rủi ro
Tiến sỹ Aydazada cho biết một số yếu tố sức khỏe có thể khiến việc duy trì nướu khỏe mạnh trở nên khó khăn hơn, bao gồm: Di truyền, thay đổi nội tiết tố (thai kỳ, mãn kinh). Bên cạnh đó, một số bệnh như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, bệnh bạch cầu, HIV/AIDS, đang điều trị Ung thư... cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng. Trường hợp này bạn nên tham vấn nha sỹ để có kế hoạch chăm sóc răng miệng tốt nhất.
Bình luận của bạn