Khi nói đến thực dưỡng nhiều người thường nghĩ đến phương pháp Ohsawa, gạo lứt muối mè hoặc ngũ cốc. Thực tế, các sản phẩm được coi là thực dưỡng hiện nay khá đa dạng và phong phú. Nào là, gạo lứt đủ loại, yến mạch, hạt kê, bo bo, bún, mì, miến, hủ tíu trà, muối biển, nước tương tamari, muối mè, bánh đa, cốm gạo lứt, đậu, rau củ quả hữu cơ… Chị Lê Thị Ý Nhi, chủ chuỗi ba cửa hàng thực dưỡng Chân Nguyên cho biết: "Hiện cửa hàng có trên 100 chủng loại sản phẩm, doanh số mỗi năm tăng trung bình 20%".
Bán hàng kèm tư vấn
Nếu trước đây những người ăn thực dưỡng đa số là người bệnh thì nay những người khoẻ mạnh cũng tìm đến thực dưỡng như mua sự "yên tâm" cho sức khoẻ. Anh Thuận, nhân viên văn phòng ở quận 1, tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy ra cửa hàng thực dưỡng trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) mua ba hũ gạo lứt rang. Anh nói: "Tôi không ăn theo phương pháp hay công thức mà để dành ăn chống đói giữa giờ để khỏi đau bao tử. So với các loại bánh ngọt thì món này có lợi cho sức khoẻ hơn".
Đa số các địa điểm bán hàng sẵn sàng tư vấn cho khách phương pháp ăn đúng cách, một số nơi còn cung cấp tài liệu hoặc bán kèm sách hướng dẫn. Theo chị Ý Nhi, ăn thực dưỡng không phải là cách chữa bệnh mà là lối sống, là khoa học chứ không phải là vấn đề niềm tin hay tâm linh. Ăn thực dưỡng cũng không phải là ăn chay mà là một cách quân bình tự nhiên để giảm bệnh tật, cơ thể khoẻ mạnh. Thực dưỡng rất phong phú, là những gì của thiên nhiên như cá sống trong tự nhiên, muối biển, gia vị không hoá chất, đạm thực vật có chất ngọt tự nhiên, sử dụng ngọn lửa của củi, than, gas để nấu chín, không dùng điện.
"Cơ thể mỗi người khác nhau, không có công thức nào giống công thức nào, không nên ăn theo công thức một cách máy móc", chị Nhi lưu ý.
Chủ một cửa hàng thực dưỡng xin không nêu tên ở quận Tân Bình kể, trước đây chị bị ung thư phải cắt bỏ tử cung. Nhờ ăn uống theo phương pháp nên hiện giờ sức khoẻ của chị vẫn ổn và chuyển sang kinh doanh mặt hàng này. Cửa hàng của chị hiện có hơn 20 sản phẩm như trà, gạo lứt, bột, dầu mè, dầu tỏi, bún… Chị nói: "Ăn phải coi theo thời tiết, cân bằng âm dương, thanh lọc cơ thể. Đừng nghĩ là phương pháp tốt mà lạm dụng sẽ có hại cho sức khoẻ".
Một số nơi kinh doanh thực dưỡng cho biết, vì muốn cổ động lối sống lành mạnh, mang sức khoẻ đến cho mọi người nên lợi nhuận rất ít. Bên cạnh đó, do chi phí nuôi trồng, sản xuất còn khá cao nên các sản phẩm thực dưỡng chỉ được những người có thu nhập khá hoặc bị bệnh quan tâm. Tuy nhiên, một số người tiêu dùng lại cho rằng, vì sức khoẻ nên có thể tiết kiệm nhiều thứ khác để mua thực phẩm sạch. Thực phẩm mắc tiền, đổi lại có sức khoẻ, tính ra lại đỡ tốn hơn.
Vẫn sống được với nghề cũ
Với những người thuộc thế hệ sinh ra từ thập niên 80 trở về trước, hẳn sẽ ngạc nhiên và bồi hồi về ký ức một thời khó khăn khi vẫn thấy sự hiện diện của những chiếc bảng: "Nhận xay bột trẻ em" với hương thơm của gạo, đậu rang xay bay ra ập vào mũi khách đi đường. Nếu để ý chút nữa sẽ thấy ba chữ "và người lớn" đã được kèm thêm vô dòng chữ quen thuộc ngày nào. Đa số các chủ tiệm đều cho biết, vẫn sống được là nhờ xu hướng ăn thực dưỡng. Chị Hoa, chủ tiệm xay bột trên đường Lê Đại Hành (quận 11) cho biết, tiệm đã tồn tại được 30 năm. Lúc mới mở chỉ có lèo tèo vài loại bột bằng đậu cho trẻ em, hiện nay có khoảng 40 loại bột như gạo lứt, hạt sen, mè đen, củ dền, càrốt… Và, "người lớn mua về uống nhiều hơn trẻ em".
Ông Trương Minh Huê ở Q.11, tuổi đã vào hàng thất thập nhưng tóc vẫn còn đen nhánh. Ông ghé vào tiệm mua nửa ký bột mè đen và hóm hỉnh nói: "Không có bệnh nhưng nghe nói mè đen có nhiều vitamin E giúp bổ não, đen tóc nên mua về uống. Bây giờ, khoảng chục ngày là đi mua vì… thèm".
Ở tiệm xay bột, khách có thể mua theo kiểu từng loại hoặc cân đủ loại như năm thứ đậu, chín thứ và 12 thứ, giá trung bình 50.000 đồng/kg. Hoặc có thể đem đậu, hạt… ra xay, tiền công 10.000 đồng/kg.
Bình luận của bạn