“Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con”

TS. Dương Quốc Trọng – Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS - KHHGĐ

Đàn ông lớn tuổi có nên sinh con?

Mẹ bầu uống thuốc kháng sinh, con dễ bị béo phì

Sinh con liền nhau, trẻ dễ bị tự kỷ

Mẹ bệnh tim vẫn có thể mang bầu, sinh con an toàn

“Thông điệp mới khuyên các gia đình không sinh con thứ 3. Bên cạnh đó, những gia đình đã có 1 con hãy sinh thêm 1 con nữa”, TS. Dương Quốc Trọng – Tổng Cục trưởng Tổng Cục DS - KHHGĐ cho hay. Điều này có thể được hiểu là: sinh hai con là tốt nhất.

Thách thức từ những thành quả trong quá khứ

Việt Nam đang có bức tranh dân số rất khác nhau giữa các vùng miền. Các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ có mức sinh thấp, trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, mức sinh còn khá cao (trung bình 3 con).

“Nhiều năm trước, chúng ta nỗ lực vận động giảm sinh, cải thiện chất lượng dân số và gia tăng tuổi thọ. Thành quả từ những nỗ lực đó lâu lắm mới có thể đạt được, giờ lại trở thành thách thức…”, ông Trần Văn Trị, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ TP.HCM, cho hay.

Một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng mức sinh thấp. Theo số liệu từ Chi cục DS – KHHGĐ TP.HCM năm 2013, chỉ có 13 em bé được sinh ra trên tổng số 1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và tới nay con số này vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Điều này đặt TP.HCM trước nỗi lo già hóa dân số. Tính đến hết năm 2013, số người cao tuổi tại TP.HCM chiếm 6,26%, hơn nữa, đây lại là địa phương có tốc độ già hóa dân số nhanh thứ 2 trên cả nước.

Tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn cao ở nhiều nơi

Trái ngược với TP.HCM, tỉnh Sơn La vẫn nằm trong nhóm các địa phương có mức sinh cao. Tính đến hết tháng 9 năm 2014, toàn tỉnh có 15.377 trẻ em được sinh ra, 12,8% là con thứ 3. Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở mức đáng báo động ở một số huyện biên giới như Sốp Cộp, Sông Mã, Vân Hồ, Quỳnh Nhai… Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn có mức sinh cao kỷ lục 6 - 7 con.

Hai gam màu đối lập trong bức tranh trên buộc cơ quan quản lý phải cùng một lúc giải quyết 2 vấn đề lớn, duy trì mức sinh ổn định và làm tăng chất lượng dân số.

Duy trì mức sinh “thấp hợp lý”

Vậy mức sinh “thấp hợp lý” là bao nhiêu? Theo các chuyên gia nhân khẩu học, Việt Nam nên duy trì tổng tỷ suất sinh (TFR) ở khoảng 1,8 - 2 con từ nay đến năm 2020 (TFR là số con trung bình của 1 người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ).

Kinh nghiệm của các nước cho thấy khi TFR rơi xuống khoảng 1,3 - 1,4 con sẽ rất khó có thể nâng lên được. Tại TP.HCM, TFR liên tục giảm từ năm 2009 và cán mốc 1,3 con vào năm 2011, đến năm 2012, dù được coi là năm đẹp (Nhâm Thìn) thì TFR cũng chỉ nhích lên một chút ở mức 1,33 con. Đó là tín hiệu cảnh báo cho công tác dân số ở thành phố này.

Chính vì thế, Tổng cục Dân số khuyến nghị mỗi gia đình hãy nên đẻ 2 con, không ít hơn, không nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, muốn giảm được từ 3 con xuống còn 1,8 - 2 con là con đường dài, gian nan và vất vả, cần có sự tham gia chủ động và tích cực của các gia đình, các ban ngành đoàn thể và của toàn xã hội.


Chiều 9/12, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về Dân số 2014 tại Hà Nội với chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
Kim Chi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý