Mù mắt vì đái tháo đường

Mùa lòa là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường

Đái tháo đường: Các tín hiệu ‘SOS’ của đường huyết

Nhiều trẻ 11 đến 15 tuổi mắc bệnh đái tháo đường

Phẫu thuật giảm cân làm giảm nguy cơ bị đái tháo đường

Gần 65% dân số chưa được tầm soát bệnh đái tháo đường

Bệnh gout có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường

50% bệnh nhân đái tháo đường bị mù lòa

Đái tháo đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể. Đa số các bệnh nhân đái tháo đường không thấy có bất cứ triệu chứng gì về mắt cho đến khi đột nhiên bị mất thị lực. Khi đó, dù được điều trị tích cực và tốn kém thì khả năng bảo tồn được thị lực là rất nhỏ, phần lớn bệnh nhân sẽ bị mù vĩnh viễn.

Các chuyên gia nhận định, chính thái độ chủ quan với biến chứng mắt ở bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho người bị đái tháo đường. Sau khoảng 5 -10 năm mắc đái tháo đường thì có tới 90% người đái tháo đường type 1 và 60% người đái tháo đường type 2 bị biến chứng võng mạc mắt, trong đó 50% dẫn đến mù lòa.

 

Lối sống thiếu điều độ, ăn uống không khoa học chính là “thủ phạm” gây ra căn bệnh mạn tính này. Thay đổi lối sống chính là biện pháp an toàn, hiệu quả để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm do bệnh đái tháo đường gây ra.

Bác sỹ Trần Xuân Đài, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, tỷ lệ tổn thương võng mạc của bệnh nhân đái tháo đường là 39,28% trên tổng số bệnh nhân đái tháo đường. Một nghiên cứu khác của bác sỹ Nguyễn Thị Tuyết Minh thực hiện trên 250 bệnh nhân tại phòng khám mắt Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, có đến 25,2% bệnh nhân đái tháo đường type 2 bị tổn thương võng mạc. Trong đó phần lớn bệnh nhân (79,4%) bị cả hai mắt.

 

Các số liệu thống kê cho thấy, hiện Việt Nam có gần 5 triệu người đang bị đái tháo đường, trong đó hơn 60% các trường hợp chưa được chẩn đoán. Ngay cả những bệnh nhân đã được chẩn đoán, việc điều trị chưa có hiệu quả, đa số bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị. Cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán thì có 6 trường hợp bị biến chứng do đái tháo đường.

Luyện tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh đái tháo đường

Biến chứng thường gặp

Những biến chứng ở mắt thường gặp do đái tháo đường như:

Bệnh võng mạc do đái tháo đường: Đường máu cao gây tổn thương, phá hủy thành các mao mạch ở đáy mắt, ảnh hưởng đến tính thấm các mao mạch này, hậu quả là dịch từ trong lòng mạch thoát ra ngoài gây xuất huyết và phù nề. Bản thân các mao mạch bị phá hủy và bị tắc gây thiếu máu ở võng mạc, khi đó cơ thể sẽ có phản ứng sinh ra một số yếu tố kích thích sự hình thành các mao mạch mới phát triển mạnh cả vào hậu phòng (khoang chứa dịch kính). Các mạch máu mới này rất dễ vỡ và thường gây xuất huyết nặng từ giai đoạn sớm làm đục dịch kính. Các mạch máu mới cũng gây ra các vết sẹo xơ ở võng mạc và trong quá trình liền sẹo nó có thể co rút gây ra bong võng mạc làm mất thị lực vĩnh viễn. Hậu quả của phù hoàng điểm, đục dịch kính, bong võng mạc... làm mắt bị giảm hoặc mất khả năng thu nhận các tín hiệu ánh sáng, biểu hiện lâm sàng là giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn.

Bệnh Glaucoma: Các bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị thiên đầu thống cao gấp 1,4 lần người bình thường, nguy cơ này sẽ tăng lên ở những bệnh nhân tuổi cao và có thời gian bị bệnh đái tháo đường dài. Thiên đầu thống 1 hoặc cả 2 mắt xảy ra khi áp lực trong mắt tăng lên và trong phần lớn các trường hợp, dịch kính sẽ bị thoát ra ngoài. Áp lực cao sẽ chèn ép vào các mạch máu nuôi võng mạc và dây thần kinh thị giác (dây thần kinh số I), hậu quả là vùng võng mạc và dây thần kinh bị phá hủy gây mất thị lực. Các bệnh nhân bị thiên đầu thống thường có triệu chứng đau đầu nhiều, đặc biệt đau dữ dội hốc mắt, đo nhãn áp thường rất cao.

Đục thủy tinh thể: Là bệnh có thể gặp nhiều ở những người không bị đái tháo đường, nhất là ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn 1,6 lần và đục thủy tinh thể xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hơn. Đôi khi đục thủy tinh thể xuất hiện ở các bệnh nhân đái tháo đường type 1 trẻ tuổi và tiến triển rất nhanh, thường là sau một giai đoạn kiểm soát đường máu kém. Đục thủy tinh thể nặng sẽ ngăn cản ánh sáng đi qua, gây giảm thị lực, đồng thời cũng gây khó khăn cho việc khám và phát hiện bệnh võng mạc ở các bệnh nhân đái tháo đường vì rất khó có thể quan sát được đáy mắt và hậu phòng.

 

Theo kết quả điều tra dịch tễ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tốc độ gia tăng các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng nhanh hơn nhiều lần so với thế giới. Trong 10 năm, tỷ lệ người mắc bệnh ở Việt Nam đã tăng lên 200%, trong khi dự báo tỷ lệ đái tháo đường gia tăng của thế giới chỉ ở mức 54% trong vòng 20 năm (từ 2010 - 2030). Tình trạng mắc mới của căn bệnh không lây nhiễm này đã trở nên báo động hơn bao giờ hết. Hơn nữa số người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán tại cộng đồng cao, năm 2012 là 63,6%.
Linh Ly H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết