Bệnh nhân mệt mỏi sau một thời gian vật lộn với người nhà
Bệnh tâm thần phân liệt có di truyền không?
Thích nhổ tóc - biểu hiện tâm thần nguy hiểm
Mèo truyền bệnh... tâm thần!
Trời quá nóng, phát điên là chuyện bình thường!
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến mùa thi là tình trạng học sinh đi khám do những bệnh liên quan đến tâm thần lại tăng lên. Đáng nói là nhiều trường hợp nhập viện vì những lý do không ai ngờ tới. Điển hình trong số đó là trường hợp của cô nữ sinh Quách Thị Lan (Tuyên Quang), Lan xuống Hà Nội ôn thi để chuẩn bị cho kỳ thi THPT sắp tới, nhưng mới xuống được 3 tuần đã phải vào Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh vì chứng mất ngủ.
Theo chia sẻ, hầu như ngày nào Lan cũng chỉ ngủ 2 - 3 tiếng, thời gian còn lại là tập trung vào việc ôn thi. Sau một thời gian Lan đã ốm nặng và phải vào bệnh viện truyền nước rồi được các bác sỹ chỉ định đi khám tâm bệnh. Kết quả khám tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, Lan mắc bệnh là do lo nghĩ quá nhiều, bị căng thẳng và không chú ý ăn uống.
Những trường hợp như Lan không phải là hiếm, thậm chí có những học sinh bị bệnh tâm thần nặng phải điều trị nội trú và bỏ lỡ kỳ thi quan trọng nhất trong đời. Ví dụ như trường hợp của bạn Hồng Vân (Vĩnh Phúc), do áp lực thi cử, nhiều ngày liên tục Hồng Vân chỉ ăn và nhốt mình trong phòng để “dùi mài kinh sử”. Đến ngày cận thi, gia đình thấy Vân có nhiều biểu hiện khác thường như: Lúc nào cũng tự cho mình là giỏi nhất, thậm chí lúc ăn cơm chợt nhớ ra cái gì là chạy lên ghi ghi, chép chép, rất hay cáu giận…
Một bệnh nhân được gia đình chuyển lên Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) trong tình trạng khá khó khăn vì bệnh nhân rất nặng
Thấy vậy, gia đình vội cho con đến bệnh viện kiểm tra, lúc đó mới tá hỏa khi bác sỹ kết luận Vân mắc bệnh hoang tưởng và cần phải nhập viện để điều trị nội trú. Nếu không điều trị bệnh sẽ càng nặng và khó chữa, hơn nữa có cố cho Vân về đi thi cũng không đạt kết quả gì.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, BS La Đức Cương – GĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, bệnh viện vẫn có những trường hợp đến khám do áp lực thi cử. Tuy nhiên, số lượng đã giảm hơn so với các năm trước đây. Nguyên nhân được bác sỹ Cương đưa ra là, có thể khi có triệu chứng người nhà sẽ đưa đi khám tại các bệnh viện tuyến dưới.
“Hơn nữa, vấn đề áp lực thi cử không còn quá căng thẳng như ngày trước, học sinh cùng gia đình cũng đã nhận thức được vấn đề vào đại học, sau đó ra trường không có việc, nên họ chọn cho mình những trường hoặc nghề phù hợp với mong muốn nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi ra trường”, BS Cương nói.
Quay trở lại vấn đề nhập viện do học hành thi cử, các bác sỹ cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến vấn đề tâm thần. Đó là do nguyên nhân nội sinh, chứng bệnh vốn đã tiềm ẩn trong cơ thể, khi chịu sự tác động, thay đổi của các yếu tố bên ngoài, căn bệnh mới phát ra ngoài.
Thứ hai là do gia đình, do bạn bè quá tin tưởng, vô hình chung tạo ra áp lực, khi cảm thấy bản thân không đáp ứng được sự kỳ vọng của mọi người thì sinh bệnh (y học gọi là rối loạn cấp). Cuối cùng, học sinh đó mắc một chứng bệnh gì đó như cảm cúm, suy nhược cơ thể… cộng thêm cả việc ôn thi quá mức thì cũng sẽ phát bệnh. Trong số những nguyên nhân trên, nguyên nhân do yếu tố gia đình, bạn bè tin tưởng khiến trẻ nhập viện nhiều nhất.
Để giảm bớt được những trường hợp nhập viện vì những áp lực thi cử, các chuyên gia cho biết, việc đầu tiên cần làm là tuyên truyền nhiều về sức khỏe tâm thần để mọi người hiểu rõ. Ngoài ra, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết các biểu hiện của con cái để đưa con đi tư vấn tâm lý, điều trị kịp thời.
Cuối cùng, phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái, quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập cũng như sức khỏe của con, khi thấy con có dấu hiệu lạ (giấc ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thì thất thường…) thì cần theo dõi sát sao rồi đưa đi kiểm tra sức khỏe sớm.
Bình luận của bạn