Hàng chục người nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món Quarter Pounder ở nhiều nhà hàng McDonald's tại Mỹ - Ảnh: AP.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Thiết bị nhỏ bằng bàn tay giúp phát hiện E.coli gây ngộ độc thực phẩm
17 du khách ở Đà Nẵng ngộ độc do ăn dưa chua chứa E.coli
Bột Gold Medal bị thu hồi do nghi nhiễm vi khuẩn E.coli
Theo AP News, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, trong số những người mắc bệnh, 22 người phải nhập viện, 2 người đang đối mặt với biến chứng nguy hiểm về thận và một trường hợp tử vong tại Colorado.
Hiện các quan chức y tế của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn đang tích cực điều tra nguồn gốc chính xác của vụ bùng phát này. Dữ liệu ban đầu của FDA cho thấy, có khả năng vi khuẩn lây lan từ hành tây thái mỏng chưa qua chế biến được sử dụng trong món Quarter Pounder, là "nguồn gây ô nhiễm".
McDonald's đã xác nhận rằng Taylor Farms, một công ty sản xuất có trụ sở tại California, là nhà cung cấp hành tây tươi được sử dụng trong các nhà hàng liên quan đến đợt bùng phát và chúng đến từ một cơ sở ở Colorado Springs, Colorado.
Ngay sau khi phát hiện nguy cơ, McDonald's đã tuyên bố ngừng sử dụng hành từ cơ sở này, trong khi Taylor Farms chủ động thu hồi toàn bộ hành tây vàng đã phân phối.
McDonald's cũng đã quyết định tạm ngưng phục vụ món Quarter Pounder tại một số bang thuộc khu vực Trung Tây và miền núi phía Tây. Ngày 25/10, McDonald's cho biết số hành từ cơ sở tại Colorado đã được vận chuyển đến khoảng 900 nhà hàng và các trung tâm lớn, bao gồm một số sân bay chính.
Các trường hợp ngộ độc gia tăng nhanh và tác động liên bang
Theo AP News, số ca nhiễm bệnh đã tăng nhanh từ 49 ca ở 10 bang lên 75 ca. Phần lớn các ca bệnh tập trung tại Colorado, CDC cũng ghi nhận các ca bệnh tại Montana, Nebraska, New Mexico, Utah, Missouri, Wyoming, Michigan, Iowa, Kansas, Oregon, Wisconsin và Washington.
Ngoài ra, có một số ca bệnh ở các bang ngoài khu vực ban đầu, có thể do khách du lịch mang vi khuẩn từ bang này sang bang khác.
CDC cho biết, một số người bị bệnh đã báo cáo rằng họ đã đi du lịch đến các tiểu bang khác trước khi các triệu chứng ngộ độc của họ xuất hiện. Ít nhất 3 người cho biết đã ăn tại McDonald’s trong chuyến đi của họ.
Mặc dù chưa có bằng chứng chắc chắn về nguồn nhiễm từ hành tây của Taylor Farms, một số chuỗi thức ăn nhanh khác như Taco Bell, Pizza Hut, KFC và Burger King cũng đã quyết định ngừng sử dụng hành từ Colorado tại các chi nhánh ở một số khu vực để phòng ngừa lây lan.
Restaurant Brands International, công ty sở hữu Burger King, đã loại bỏ hành tây từ Colorado khỏi thực đơn dù chưa ghi nhận bất kỳ ca bệnh nào từ khách hàng của họ.
E. coli 0157:H7 là "thủ phạm" gây ra đợt bùng phát
Vụ bùng phát lần này liên quan đến chủng E.coli O157:H7, một loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng với các triệu chứng như sốt, nôn mửa, tiêu chảy và mất nước. Nhiễm trùng có thể phát triển nhanh chỉ trong một hoặc hai ngày sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu dễ bị ảnh hưởng nặng hơn.
Theo CDC, loại vi khuẩn này gây ra khoảng 74.000 ca nhiễm trùng ở Mỹ hàng năm, dẫn đến hơn 2.000 ca nhập viện và 61 ca tử vong mỗi năm.
Một số người ngộ độc trong đợt bùng phát này đã khởi kiện McDonald's, trong đó có Clarissa DeBock tại Nebraska. Theo đơn kiện của mình, Clarissa DeBock đã ăn đồ ăn từ một cửa hàng McDonald's địa phương ở Nebraska vào ngày 18/9, xuất hiện các triệu chứng ngộ độc vào ngày 23/9 và phải nhập viện cấp cứu 2 ngày sau đó trước khi được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn E.coli.
Các vụ kiện yêu cầu McDonald's phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của khách hàng khi sử dụng thực phẩm từ nguồn cung cấp không đảm bảo.
Đợt bùng phát E. coli lần này không chỉ ảnh hưởng đến McDonald's mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng thực phẩm trong các chuỗi nhà hàng.
Bình luận của bạn