Dùng rượu để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm khi ăn đồ ăn chưa chế biến kỹ là một sai lầm, theo các chuyên gia dinh dưỡng
Nguy cơ ngộ độc histamine từ cá biển
Thu hồi trên toàn quốc một lô thuốc Reinal-5 không đạt chất lượng
6 dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim ở nữ giới
Nguyện vọng cấp thiết của Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên
Những “sự thực” không thực
“Cheers!”, người phụ nữ trong video TikTok đưa ly rượu về phía trước máy quay rồi đưa lên miệng nhấp một chút. Cô ấy nhăn mặt khó chịu, nhưng rồi chậc lưỡi nói, “Nó có tác dụng chữa bệnh, nó có tác dụng chữa bệnh.” Dường như cô ấy đang tự động viên mình. Đúng là như vậy. Nói xong, cô ấy uống một hơi hết ly rượu.
Theo lý giải, có một món trong bữa ăn hôm qua có thể khiến cô ấy bị ngộ độc thực phẩm nên cô ấy nhớ tới một nghiên cứu đã đọc được ở đâu đó rằng, “rượu là chất khử trùng tốt” nên có thể chống lại các vấn đề bệnh do thực phẩm.
Nhưng sự thực sự không hẳn như vậy? Các chuyên gia cho biết có thể có một chút sự thật trong quan niệm rằng uống rượu vào thời điểm bạn ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm có thể làm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nhưng bằng chứng cho tuyên bố này còn hạn chế. Và tùy thuộc vào lượng bạn uống, rượu có thể gây hại cho hệ thống miễn dịch của bạn nhiều hơn là có lợi.
Tuyên bố này trên TikTok cũng gần tương đồng với câu chuyện về việc ăn tiết canh uống rượu ở Việt Nam. Đã có không ít người cho rằng, việc dùng hành sống, rượu mạnh uống cùng khi ăn tiết canh “cho đỏ” là cách trung hòa diệt khuẩn tốt nhất. Thế nhưng, đã có rất nhiều ca cấp cứu vì nhiễm khuẩn liên cầu sau khi ăn tiết canh (có uống rượu mạnh).
Đã có một số nghiên cứu quy mô nhỏ về các trường hợp ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường ruột… đã phát hiện ra rằng việc uống rượu có liên quan đến việc bảo vệ khỏi ngộ độc thực phẩm, nhưng tất cả đều có hạn chế.
Những nghiên cứu còn thiếu bằng chứng
Trong nghiên cứu được trích dẫn trong video TikTok, được công bố vào năm 2002, các nhà nghiên cứu đã mô tả một đợt bùng phát vi khuẩn salmonella bắt đầu tại một bữa tiệc có 120 người ở Tây Ban Nha. Ít nhất 47 người bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, cùng với đau bụng, sốt hoặc đau đầu, sau khi ăn bánh sandwich cá ngừ và salad khoai tây bị nhiễm khuẩn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người báo cáo uống ba ly rượu trở lên tại bữa tiệc có nguy cơ nhiễm khuẩn ít hơn 46% so với những người không uống và những người uống tới ba ly có các triệu chứng ít hơn 27%.
Tương tự như vậy, trong một nghiên cứu năm 1992 về đợt bùng phát viêm gan A ở 61 người ăn hàu sống tại Florida, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người báo cáo uống rượu vang, rượu whisky hoặc cocktail với hàu có ít triệu chứng hơn 90% so với những người không uống. Tuy nhiên, những người uống bia dường như không có được “bảo vệ” như vậy và các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng có lẽ là do bia có nồng độ cồn thấp hơn các loại đồ uống khác.
Những nghiên cứu này ủng hộ lý thuyết cho rằng rượu có thể ngăn chặn các tác nhân gây bệnh trong ruột của con người trước khi chúng có thể gây bệnh, Tiến sĩ Donald Schaffner - Khoa Khoa học thực phẩm tại Đại học Rutgers (Mỹ) cho biết. Ông cho biết điều này là hợp lý, vì rượu có thể tiêu diệt vi khuẩn và vô hiệu hóa một số loại virus; đó là lý do tại sao nó được sử dụng trong chất khử trùng tay và chất khử trùng bề mặt.
Nhưng những nghiên cứu nhỏ kéo dài hàng thập kỷ này chỉ có thể chỉ ra mối tương quan giữa việc uống rượu và việc ít mắc bệnh hơn chứ không thể chứng minh rằng rượu có thể ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, Tiến sĩ Matthew Moore, Khoa Khoa học thực phẩm tại Đại học Massachusetts Amherst cho biết. Ông khuyến cáo nên xem xét những phát hiện đó một cách “thận trọng”. Ví dụ, có thể một số người không uống rượu trong các nghiên cứu đó đã kiêng rượu vì lý do sức khỏe, điều này có thể giải thích tại sao họ dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn.
Tiến sĩ Moore cho biết các nhà nghiên cứu chưa trực tiếp kiểm tra việc uống rượu có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm như thế nào trong một thử nghiệm lâm sàng, có thể kiểm soát sự khác biệt giữa những người uống rượu và không uống rượu. Và trong ít nhất một đợt bùng phát với 33 người bị viêm gan E do ăn động vật có vỏ trên một chuyến du ngoạn, các nhà nghiên cứu đã đi đến một kết luận khác: Chỉ những người uống rượu mới bị nhiễm bệnh trong khi những người kiêng rượu vẫn khỏe mạnh.
Rượu có thể làm suy yếu hệ miễn dịch
Tiến sĩ Craig Hedberg - một nhà dịch tễ học và chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học Minnesota cho biết, khả năng bạn bị bệnh do thực phẩm bị nhiễm bẩn có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sức khỏe của bạn, lượng mầm bệnh hiện diện, loại thực phẩm và lượng thực phẩm bạn đã ăn. Ông cho biết cách rượu ảnh hưởng đến điều đó vẫn chưa được nghiên cứu kỹ ở người. Nhưng trong một nghiên cứu năm 2001, các nhà khoa học phát hiện ra rằng mặc dù rượu vang đỏ và trắng có thể tiêu diệt vi khuẩn salmonella trong ống nghiệm, nhưng việc cho chuột uống rượu vang đỏ và trắng không có tác dụng bảo vệ chúng khi chúng ăn phải thực ăn vi khuẩn này.
Tiến sĩ Gyongyi Szabo, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết nếu bạn uống quá nhiều rượu, rượu cũng có thể khiến ruột của bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Nghiên cứu của Tiến sĩ Szabo và các đồng nghiệp của bà cho thấy rằng việc uống rượu quá độ - được định nghĩa là uống bốn đến năm ly hoặc nhiều hơn trong khoảng hai giờ đối với hầu hết người lớn - có thể gây viêm và các dấu hiệu "rò rỉ" ở niêm mạc ruột, từ đó khiến vi khuẩn và độc tố dễ dàng xâm nhập vào máu hơn.
Bà cũng cho biết, rõ ràng là việc uống rượu nhiều, kéo dài có thể làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch. Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu dễ bị bệnh hoặc thậm chí tử vong do một số bệnh nhiễm trùng do thực phẩm như listeria và vibrio.
Các chuyên gia cho biết rượu có thể gây mất nước, làm trầm trọng thêm các triệu chứng ngộ độc thực phẩm và kéo dài thời gian phục hồi.
Làm thế nào để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm?
Các chuyên gia cho biết uống rượu là một cách chưa được chứng minh và có khả năng gây nguy hiểm để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.
Tiến sĩ Schaffner cho biết: "Tốt hơn hết là không nên ăn thực phẩm không an toàn ngay từ đầu" - mặc dù ông thừa nhận rằng thường không thể biết được liệu một loại thực phẩm cụ thể có bị nhiễm khuẩn hay không.
Tiến sĩ Schaffner cho biết, một cách tốt để giữ an toàn là chú ý đến việc chế biến thực phẩm. Và trong bếp, hãy sử dụng các kỹ thuật an toàn thực phẩm phù hợp. Các kỹ thuật đó bao gồm rửa tay thường xuyên; tránh nhiễm chéo từ thịt sống, gia cầm và cá bằng cách để những thực phẩm đó tách biệt với các thực phẩm khác; nấu tất cả các loại thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp; và tránh để thực phẩm dễ hỏng ở nhiệt độ phòng quá hai giờ.
Những chiến lược này đặc biệt quan trọng đối với những người dễ mắc bệnh nặng do các tác nhân gây bệnh từ thực phẩm, bao gồm những người có hệ miễn dịch suy yếu, người đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trên 65 tuổi.
Tiến sĩ Moore thừa nhận rằng những phương pháp đã được chứng minh để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm là “khá nhàm chán”. Nhưng chúng có hiệu quả và đó mới là điều quan trọng.
Bình luận của bạn