Năm Dần, nói chuyện Điệu hổ ly sơn

Điệu hổ li sơn có nghĩa là “tách kẻ mạnh ra khỏi địa bàn hay hoàn cảnh có lợi để dễ bề chinh phục hoặc tiêu diệt”.

Quanh nồi bánh chưng nhớ về tiếng Việt

Rau bina dù tốt cho sức khỏe nhưng đừng nên lạm dụng

Khám phá những món ăn dịp năm mới của các nước trên thế giới

Thiếu các loại vitamin, khoáng chất này có thể gây run tay

Các bạn đọc sách chắc đã nghe tới thành ngữ “điệu hổ ly sơn” rồi chứ?

Chẳng hạn: “Các ông ấy cừ thật, dùng kế điệu hổ li sơn, dử cho tướng giặc chạy tít ra xa mà nộp đầu” (Chu Thiên, Bóng nước Hồ Gươm), hay “Quân ta nghi binh giả như đánh Pleiku và Kon Tum, làm bọn địch kéo hết binh lực về đây phòng thủ. Thế là chúng mắc kế “điệu hổ ly sơn”. Quân giải phóng tiến đánh dễ dàng và chiếm được Buôn Ma Thuột” (báo Quân đội Nhân dân).

Điệu hổ ly sơn là một thành ngữ Hán Việt 4 yếu tố. Điệu: đưa, tách; hổ: (con) hổ; ly: khỏi; sơn: núi. Nghĩa đen của tổ hợp là “đưa hổ ra khỏi núi”. Chúng ta biết, hổ (còn gọi là cọp, hùm, kễnh, khái hay ông ba mươi) là một loài thú lớn, cùng họ với mèo, lông màu vàng hoặc trắng có vằn đen, chuyên sống nơi rừng núi. Tuy cùng họ với mèo nhưng hổ là con vật to lớn, dữ tợn. Hổ chuyên bắt các loài thú trong rừng để ăn thịt nên được coi là “chúa sơn lâm”. Rừng núi là môi trường sống quen thuộc của hổ. Vì vậy, nếu tách hổ ra khỏi nơi này thì hổ không những không thể phát huy được sức mạnh mà còn dễ bị người hay động vật khác tiêu diệt. Dân gian đã tận dụng đặc điểm này để sáng tạo nên thành ngữ điệu hổ li sơn, có nghĩa là “tách kẻ mạnh ra khỏi địa bàn hay hoàn cảnh có lợi để dễ bề chinh phục hoặc tiêu diệt”.

static-assets-upload10869185016626098141

Hổ là con vật to lớn, dữ tợn, chuyên bắt thú trong rừng để ăn thịt (ảnh minh họa)

Lùi lại lịch sử xa xưa, ta thấy cha ông ta đã biết sử dụng kế này để nhử địch và đánh địch. Tương truyền, tướng quân Lê Lợi (sau này là vua Lê Thái Tổ, 1385-1433), khi chiến đấu chống giặc Minh ở vùng Lam Sơn Thanh Hóa, đã dùng chính kế “ly gián” để đánh lại bọn địch, cầm đầu là viên tướng Trần Trí. Trần Trí cậy binh hùng tướng mạnh vây ép nghĩa quân Lam Sơn chạy dạt vào núi rồi tìm cách tiêu diệt. Lê Lợi bèn tính kế nhử Trần Trí dẫn quân ra khỏi trại. Quân Lam Sơn theo lệnh, đốt hết doanh trại, giả vờ rút đi, thực ra là ngầm theo đường vòng đi ngược trở lại, đặt mai phục sẵn đón đánh quân Minh. Trần Trí hay tin mừng thầm, chắc mẩm quân Lam Sơn đã hết lương thực và buộc phải rút. Hắn bèn cho quân tức tốc đuổi theo, muốn thừa thế truy kích quân ta. Nào ngờ tướng giặc trúng kế “điệu hổ ly sơn”. Đại quân Lam Sơn mai phục dày đặc ở Bồ Ải, chỉ chờ toàn đội hình quân Minh tiến vào, phục binh nhất tề nổi lên đánh tập hậu. Quân tướng nhà Minh chạy ngược ra sông, nhưng không kịp lên thuyền vì mọi ngả đường đều do quân Lam Sơn kiểm soát. Quân Minh phần chết trận nơi triền núi, phần bị lùa xuống sông chết rất nhiều. Sách Đại Việt sử ký toàn thư mô tả: “Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi.” (theo: 1thegioi.vn)

 

 

Điệu hổ ly sơn là một thành ngữ thể hiện thái độ, cách ứng xử thông minh của ông cha ta trước hiện thực. Đó là triết lý “biến thế yếu thành thế mạnh”, “biến không thành có” trong những hoàn cảnh cụ thể, đem lại lợi thế và chiến thắng cho mình.

Đưa hổ ra khỏi rừng già

Mất thiêng lúc ấy hổ là con nai.

PGS.TS Phạm Văn Tình
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa