Ngành thực phẩm chức năng còn nhiều dư địa để phát triển

Thị trường TPCN nước ta ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng

Phương hướng năm 2024 của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam

Hiệp hội TPCN Việt Nam: Nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

Tìm hiểu quy trình sản xuất thực phẩm chức năng dạng viên nang cứng

Vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng: Xử phạt không dễ!

Ngành TPCN tăng trưởng mạnh

Hiện TPCN là ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của Precedence Research quy mô thị trường thực phẩm bổ sung toàn cầu ước tính đạt 164,2 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 346,36 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ CAGR là 7,8% trong giai đoạn ước tính từ năm 2023 đến năm 2032.

Tại Việt Nam, thị trường TPCN cũng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo thống kê, năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất TPCN. Số sản phẩm được lưu hành trên thị trường cũng chỉ là 63 sản phẩm. Nhưng đến năm 2022, nước ta đã có hơn 3.200 cơ sở, cung cấp ra thị trường gần 12.000 sản phẩm chăm sóc sức khoẻ người dân. Các mặt hàng trong nước đã chiếm ưu thế trên thị trường (khoảng 60-80%). Tỉ lệ người sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng đã tăng lên 58,5% dân số trên 18 tuổi.

"Sau 3 năm đại dịch COVID-19, nhu cầu tìm hiểu và sử dụng TPCN của người dân ngày càng tăng, sự hiểu biết về TPCN của người tiêu dùng cũng đã được nâng cao", PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF), cho biết.

Có thể thấy rằng, thị trường TPCN ở Việt Nam đang được mở rộng một cách nhanh chóng với sức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Nó chính là một mảnh đất màu mỡ cần được khai thác triệt để và có hiệu quả. Trong 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 về thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành y tế và đặc biệt là trong TPCN. Đây là sự nhìn nhận của Đảng và Nhà nước về ngành TPCN hiện nay, cho thấy vị thế đã tăng lên rõ rệt.

Vẫn còn nhiều thách thức

Với những thống kê trên cho thấy tín hiệu đáng mừng của ngành TPCN. Thế nhưng, việc thị trường TPCN ngày càng "nở rộ như hoa mùa xuân" cũng sẽ xuất hàng loạt thách thức.

Trong đó, tình trạng vi phạm trong quảng cáo TPCN trên nền tảng công nghệ số, đặt biệt là mạng xã hội đang ở mức đáng báo động. Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, rất dễ bị mắc bẫy.

Theo quy định của pháp luật, các đơn vị chỉ được quảng cáo TPCN những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Song thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất hiện tình trạng đăng ký một đằng sản xuất một nẻo, thậm chí nhiều quảng cáo TPCN sai sự thật gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Một số nghệ sĩ xuất hiện trong các quảng cáo sản phẩm sai chức năng, công dụng của TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.

Điều đáng nói, thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục phát đi cảnh báo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Theo danh sách công bố công khai cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm, hầu như tháng nào cũng có sản phẩm vi phạm.

Cần sự đồng lòng, chung tay của cả xã hội

Để ngành TPCN trong nước có thể phát triển lành mạnh, bền vững cần sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng. Để TPCN phát triển việc nâng cao nhận thức và tạo niềm tin với người tiêu dùng là rất quan trọng. Theo PGS.TS Trần Đáng, trước tiên các doanh nghiệp phải sản xuất được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Việc công bố, quảng cáo sản phẩm phải chuẩn hóa, tránh quảng cáo sai hoặc gian lận trong sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào công tác truyền thông, như tổ chức các buổi hội thảo để khách hàng hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng TPCN; Mở rộng truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF)

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF)

Thời gian tới, VAFF sẽ phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có chính sách khen thưởng với các doanh nghiệp thực hành sản xuất tốt, có biện pháp xử lý và răn đe nếu doanh nghiệp kém và vi phạm để người tiêu dùng có thể tin tưởng vào các sản phẩm TPCN được đưa ra thị trường. Tầm nhìn đến năm 2027, Hiệp hội phấn đấu trên 85% các nhóm đối tượng "hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng" TPCN, phấn đấu sản xuất TPCN trong nước chiếm 80%, xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, đưa tỉ lệ số người trưởng thành sử dụng TPCN năng thường xuyên lên 80%.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cũng đưa ra một số kiến nghị để phát triển cho ngành TPCN trong nước. Thứ nhất, nhà nước cần hỗ trợ về mặt công nghệ, khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp, hỗ trợ về mặt xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài vào và xúc tiến thương mại ra thế giới, đặc biệt trong ngành TPCN. 

Thứ hai, Bộ Y tế sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để các doanh nghiệp phải có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, công nghệ nhất định trong sản phẩm của mình. Ví dụ như khi công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì phải có tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm hoạt chất chứ không chỉ có là các tiêu chuẩn về an toàn.

Thứ ba, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các ban, ngành liên quan cần tổ chức tập huấn về các nghị định, các hiệp định thương mại tự do và rào cản kỹ thuật. Đề nghị Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Ủy ban Codex Việt Nam) cần có những buổi tập huấn cho các doanh nghiệp của Hiệp hội về những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.

Cuối cùng là DS Nguyễn Xuân Hoàng đề xuất Bộ Thông tin Truyền thông và các tạp chí, báo chí, truyền hình phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để ngăn ngăn ngừa những thông tin rác, thông tin sai sự thật, quảng cáo lố, nói quá sự thật hay bán hàng dởm, hàng nhái tràn lan trên mạng xã hội.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội