Nguyên nhân, triệu chứng
Sỏi mật có hai loại: sỏi sắc tố mật (ít gặp) và sỏi cholesterol. Cholesterol dễ gây sỏi nếu nó có các chất béo khác kèm theo, thường đi kèm với tình trạng béo phì.
Đau, sốt và vàng da là những triệu chứng điển hình của bệnh sỏi mật. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra triệu chứng này, bởi sỏi mật diễn tiến khá âm thầm. Vì vậy, nên đến bệnh viện ngay, nếu thấy:
- Những cơn đau dữ dội kéo dài trên 15 phút ở vùng hạ sườn phải hoặc đau thượng vị sau khi ăn, đôi khi lan ra sau lưng (cơn đau quặn mật)… kèm theo đó là cảm giác buồn nôn, nôn ói, chậm tiêu, lình xình như đầy hơi.
- Sốt cao rét run hoặc sốt nhẹ, có khi sốt kéo dài, nhưng bao giờ sốt cũng đi kèm với đau… có thể đã bị nhiễm khuẩn đường mật.
- Vàng da, có thể là do chèn ép từ bên ngoài ống mật chủ do sỏi túi mật hoặc sỏi ống cổ túi mật. Đây cũng là biểu hiện của tắc mật, có sỏi ở ống mật chủ, ống gan hoặc trong gan tùy theo mức độ tắc mật mà vàng nhẹ hay vàng đậm.
Chẩn đoán và điều trị
"Không có xét nghiệm nào đặc hiệu cho sỏi túi mật. Các bác sĩ chỉ có thể ghi nhận bệnh nhân có sỏi mật thông qua siêu âm bụng (là kỹ thuật tốt nhất để chẩn đoán sỏi túi mật và phân biệt với viêm túi mật). Siêu âm có thể phát hiện sỏi túi mật ở 97-98% bệnh nhân. Siêu âm bụng có thể sẽ không nhạy đối với những sỏi ẩn (hoặc sỏi nhỏ hơn 5mm)" - BS Trần Thiện Hòa cho biết.
Gan to là triệu chứng thường gặp của sỏi mật, mức độ gan to phụ thuộc vào mức độ tắc mật.
Về điều trị, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật thường được sử dụng nhất. Trong một số rất ít trường hợp, có thể xem xét tán sỏi qua nội soi hoặc dùng thuốc uống hòa tan sỏi.
Những bệnh nhân được chỉ định uống thuốc hòa tan sỏi cần được kiểm tra theo dõi men gan, cholesterol máu và hình ảnh học.
Phòng ngừa
Ở nước ta, nhiễm khuẩn đường mật vẫn còn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành sỏi mật, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng đường mật. Chính vì vậy, cần ăn uống vệ sinh như ăn thức ăn đã nấu chín, tẩy giun định kỳ sáu tháng/lần, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với người có tiền sử giun chui ống mật, cần nghiêm ngặt thực hiện tẩy giun định kỳ hai lần trong một năm. Đối với người đã có sỏi mật cần được theo dõi và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm do sỏi mật gây ra.
Sau cắt túi mật, sỏi vẫn có thể tái phát trong đường mật. Do vậy, thay đổi lối sống (ví dụ tập luyện thường xuyên) và thay đổi chế độ ăn (chế độ ăn ít chất béo và ít calorie) có thể giảm tỷ lệ các bệnh lý liên quan đến sỏi túi mật.
Lưu ý, người bị sỏi mật nên hạn chế ăn mỡ vì chất này ảnh hưởng đến chức năng gan, mật và dạ dày. Khi ăn nhiều mỡ, mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật sẽ kết hợp cùng cholesterol tạo sỏi.
Bình luận của bạn