Ngô Thì Nhậm – danh sĩ mưu trí, thức thời trước biến động thời cuộc

Tranh vẽ danh sĩ Ngô Thì Nhậm - Ảnh: Báo Bình Phước

Lạm bàn về văn hóa: Tiền bạc chỉ là phương tiện!

Lão Tử: "Đạo khả đạo, phi thường Đạo"

Đàm đạo với Lão Tử: Đi xa ngàn dặm, bắt đầu từ bước chân

Đàm đạo với Lão Tử: Đạo thường vô vi, không phải không làm!

Trí thức thức thời, yêu nước, vì dân

Ngô Thì Nhậm - còn gọi là Ngô Thời Nhiệm, là người làng Tả Thanh Oai, trước kia thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội). Cha của Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Sĩ, vốn là nhà văn, nhà thơ, nhà sử học nổi tiếng hồi thế kỷ XVIII. Dưới thời vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Ngô Thì Nhậm được Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm nhận xét là “Tài học không ở dưới người” và được cất nhắc làm Hiếu Sát Phó sứ Hải Dương, rồi được thăng chức lần lượt lên Hộ hoa cấp sự trung, Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc kiêm Đốc đồng Thái Nguyên, Đông các hiệu thư…

Không phụ lòng tin yêu của Tĩnh Đô Vương, Ngô Thì Nhậm dâng nhiều kế sách hay trong đạo trị nước, trong đó có các bài biểu nổi tiếng như Giáo nghị, Pháp nghị và Chính nghị. Tuy nhiên, do triều đình Lê - Trịnh đang ở vào thời suy vi, nên dù rất khen kế sách của ông, Chúa Trịnh Sâm cũng không thể áp dụng nó vào thực tế.

Năm 1782, khi Trịnh Khải tiếm ngôi, trở thành vị chúa thứ 11 của dõng dõi Chúa Trịnh, Ngô Thì Nhậm chán ngán thế sự, bèn từ quan đi ngao du. Với tư tưởng lấy trung làm đầu, khi Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc, Ngô Thì Nhậm lại gọi Nguyễn Huệ là giặc, từ bỏ đất kinh kì đi “lánh nạn”, hưởng thú vui “nhắm rượu với cua béo”.

Lúc này, tầng lớp trí thức Nho học có sự chia rẽ sâu sắc. Có những trí thức "trói mình" trong nguyên tắc “trung thần bất sự nhị quân” khô cứng của đạo Nho hay những trí thức bi quan trước thời cuộc, không ra làm quan, muốn giữ sự “trong sạch thánh hiền” không màng đến chính sự. Lại có những trí thức thức thời, đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết, đứng về phía nhân dân, cùng nhân dân, với nghĩa quân Tây Sơn chống lại sự xâm lược, ngăn chặn sự xâm lược lần thứ hai của triều đình Mãn Thanh, tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Trong 5 năm đi “lánh nạn”, Ngô Thì Nhậm đã nhận ra chất anh hùng của Nguyễn Huệ và sự ươn hèn, bạc nhược của Lê Chiêu Thống. Khi ấy, lòng dân cũng hướng theo người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nên thuận theo lòng dân, Ngô Thì Nhậm đã dũng cảm vượt qua tư tưởng Nho giáo thủ cựu, tìm về với Nguyễn Huệ.

Khi Ngô Thì Nhậm tìm đến, vị vua Tây Sơn sung sướng thốt lên: “Có lẽ, đây là ý trời muốn để dành người tài cho ta dùng”. Sau này, vua Quang Trung phong cho Ngô Thì Nhậm nhiều chức quan trọng yếu, như Thị lang Bộ Lại (quản lý công tác tổ chức quan lại của triều đình), Thượng thư Bộ Binh (cai quản việc quân), Tổng tài Quốc sử quán (điều hành việc viết lịch sử nước nhà). Dù làm quan ở lĩnh vực nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua giao phó, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung. Chính bởi vậy, vị Hoàng đế áo vải cờ đào rất mực quý trọng ông, coi ông “vừa là bề tôi, vừa là khách”.

Nhà ngoại giao kiệt xuất

Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của dân tộc

Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của dân tộc

Cuối năm 1788 tại Phú Xuân, nhận được tin Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông - Quảng Tây) là Tôn Sĩ Nghị vâng lệnh vua Càn Long đem 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, vin cớ là khôi phục nhà Lê theo lời cầu cứu của Lê Chiêu Thống, anh hùng Nguyễn Huệ khi đó đã lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, lập tức thống lĩnh đại quân kéo ra Bắc đánh quân Thanh.

Mặc dù vững tin vào thắng lợi của mình, song với tầm nhìn chiến lược, vua Quang Trung đã thấy trước vai trò quan trọng của hoạt động ngoại giao trong việc củng cố nền độc lập dân tộc sau chiến thắng về quân sự. Ông nói rõ với các tướng sĩ, trong đó có Ngô Thì Nhậm: "Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày, có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào làm như vậy. Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao, không phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được".

Sau chiến thắng vang dội đó, vua Quang Trung rút về Phú Xuân, để Ngô Thì Nhậm ở ngoài Bắc và trao cho ông trọng trách đảm đương công việc ngoại giao với nhà Thanh. Ngô Thì Nhậm đã nhân danh Hoàng đế Quang Trung viết Biểu trần tình về sự kiện đầu năm Kỷ Dậu gửi vua Càn Long nhà Thanh. Do tác động mạnh của Biểu trần tình và cũng do nghe theo lời can của một viên quan đại thần mà vua Càn Long từ bỏ ý định huy động 50 vạn quân của 9 tỉnh sang báo thù và tỏ ý sẵn sàng tiếp một sứ bộ ngoại giao chính thức của Tây Sơn để lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước.

Sau này, khi Hoàng đế Quang Toản lên nối ngôi cha cũng rất mực tin dùng Ngô Thì Nhậm, giao cho ông thảo nhiều chiếu dụ về những chính sự trọng đại của đất nước. Tuy vậy, lúc này, triều đại Tây Sơn nhanh chóng suy yếu, nhiều vị quan Tây Sơn tỏ ra hoang mang, thậm chí bỏ Tây Sơn để theo các thế lực khác, nhưng Ngô Thì Nhậm vẫn giữ lòng trung với triều đình Tây Sơn. Dẫu biết rằng nhà Tây Sơn sẽ khó duy trì được lâu, nhưng với niềm tin rằng đấy là lực lượng hợp đạo lý nhất, Ngô Thì Nhậm vẫn giữ lòng trung. Ông từng nói: “Khi bước đi của ta hợp với đạo lý thì dù có xéo lên đuôi hổ cũng không sao cả” là vì thế.

Vế đối để đời

Trên danh nghĩa, Hoàng đế Quang Toản vẫn trọng dụng Ngô Thì Nhậm, nhưng sự chia bè kết cánh trong triều đình làm cho ông không phát huy được tài năng. Giữa nhiễu nhương của thời cuộc, ông trở về quê bên bờ sông Nhuệ, dành phần nhiệt huyết còn lại cho học thuật và đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm giá trị. Tác phẩm còn lại có: Hi Doãn thi văn tập, Hoàng Hoa đồ phổ, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Hải Đông chí lược. Ông là một trong các tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí.

Hoàng đế Quang Toản nắm quyền không bao lâu thì triều Tây Sơn bị đánh bại. Vua Gia Long lấy được quyền bính, lập ra triều đại nhà Nguyễn năm 1802. Bấy giờ, vừa không ưa Ngô Thì Nhậm vì ông đã ra sức ủng hộ Tây Sơn, cản bước tiến của nhà Nguyễn, lại vừa muốn mượn việc “trị tội” ông để dằn mặt những kẻ sĩ khác có tư tưởng chống lại nhà Nguyễn, nên vua Gia Long đã bắt Ngô Thì Nhậm cùng Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan ra đánh đòn tại Văn Miếu (Thăng Long) để trị “tội” bất trung với nhà Lê. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường.

Vốn có thù riêng với Ngô Thì Nhậm và muốn làm nhục lại Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường ra vế đối: – Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai? Tưởng làm nhục được Ngô Thì Nhậm bằng vế đối đầy hiểm hóc, nhưng Đặng Trần Thường tím mặt khi bị Ngô Thì Nhậm đối lại rất thâm sâu: – Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế! Ý Ngô Thì Nhậm rất rõ ràng: Chuyện thời thế chẳng biết đâu mà nói trước, nhưng dù thế thời thế nào thì phẩm hạnh, tố chất con người ta vẫn thế. Nghe vậy, Thường bắt ông phải sửa lại vế đối là “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”. Tuy nhiên, Ngô Thì Nhậm nhất quyết không sửa lại vế đối. Thường tức bầm ruột tím gan, bèn cho lấy roi tẩm thuốc độc để đánh Ngô Thì Nhậm.

Bởi vậy, trong số những người bị đánh đòn tại Văn Miếu hôm ấy, chỉ mình Ngô Thì Nhậm dính thuốc độc mà chết. Trước khi qua đời, Ngô Thì Nhậm làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường: “Ai tai Đặng Trần Thường/ Chân như yến xử đường/ Vị Ương cung cố sự/ Diệc nhĩ thị thu trường” Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường, giống chim yến làm tổ trong ngôi nhà sắp cháy. Chuyện trong cung Vị Ương còn đó, kết cục của ngươi rồi cũng như vậy thôi. (Chuyện trong cung Vị Ương: Chuyện Hàn Tín giúp Hán Cao Tổ, rồi bị Hán Cao Tổ giết ở cung Vị Ương). Sau này, quả nhiên lời dự báo của Ngô Thì Nhậm ứng nghiệm, Đặng Trần Thường bị chính vua Gia Long xử tử.

Nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn

Có thể nói, Ngô Thì Nhậm để lại cho hậu thế một di sản văn hóa đồ sộ, ngoài tâm huyết của một nhà mưu lược quân sự, nhà ngoại giao khéo léo và tự chủ, ông còn là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn với nhiều tác phẩm chứa đựng tinh hoa tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.

Nhờ truyền thống gia đình và tư chất thông minh, ông bước vào con đường trước thuật rất sớm. Năm 16 tuổi (1761), dưới sự hướng dẫn của cha, ông đã viết công trình sử học đầu tiên, cuốn Nhị thập tứ sử toát yếu. Năm 20 tuổi, ông soạn cuốn Tứ gia thuyết phả. Năm 1769, Ngô Thì Nhậm đỗ khoa sĩ vọng. Năm 1772, ông dự khảo thí ở Quốc Tử Giám đỗ hạng ưu, trong năm này, ông đã hoàn thành tác phẩm Hải Đông chí lược. Theo lời của Phan Huy Chú, tác phẩm chép khá rõ ràng đầy đủ về nhân vật, núi sông, số dân, thuế lệ của Hải Dương. Khoa thi năm Ất Mùi (1775), ông đỗ thứ năm hạng tiến sĩ tam giáp.

Ngô Thì Nhậm để lại một số lượng thơ tương đối lớn gồm hai phần: Thơ làm ở trong nước (6 tập gồm: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàm đàm, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cầm đường nhàn thoại), và những bài thơ được làm trong chuyến đi sứ nhà Thanh. Cũng như thơ, phú của Ngô Thì Nhậm vừa đậm đà trữ tình, vừa mang tính triết lý. Phú của Ngô Thì Nhậm gồm 17 bài chép ở tập Kim mã hành lư trong bộ Ngô gia văn phái.

Sau này, khi triều đình Tây Sơn ngày một suy, Ngô Thì Nhậm tìm lối thoát trong triết học. Ông lập Thiền Viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu và nghiên cứu Thiền học. Ông muốn đứng trên lập trường Nho giáo để nghiên cứu và tiếp thu Thiền Tông, phát huy mặt yêu nước, yêu dân tộc… của Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Những điều thể nghiệm của ông, những bài giảng của ông về triết lý Thiền Tông được ghi lại trong tác phẩm lớn cuối cùng của ông: “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”, hoàn thành năm 1796.

 
 
 
 
Nguyễn Thanh (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa