Chăm sóc người cao tuổi bị đái tháo đường

Chăm sóc người cao tuổi mắc đái tháo đường không chỉ cần kiến thức mà còn cần cả sự kiên trì và tình yêu thương

Bệnh thận đái tháo đường là gì?

Bị đái tháo đường dễ mắc thêm bệnh tim?

Đái tháo đường type 1 và type 2 khác nhau điểm nào?

Bệnh đái tháo đường có “làm hỏng” ái ân?

Muốn chăm sóc tốt người cao tuổi mắc đái tháo đường, trước hết bạn cần phân biệt rõ hai loại bệnh phổ biến (type 1, type 2), các loại thuốc điều trị, các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và cách phòng ngừa như thế nào…

Đối phó với hạ đường huyết

Trong điều trị bệnh đái tháo đường, việc uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ là rất quan trọng. Tuy nhiên, các thuốc đái tháo đường cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như gây hạ đường huyết đột ngột.

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống dưới 10mg/dL. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm đổ mồ hôi, run rẩy, lo lắng, dễ kích động… Người cao tuổi thường không nhận ra mình đang bị hạ đường huyết hoặc gặp khó khăn trong việc mô tả các triệu chứng mà mình đang gặp phải. Vì thế, người chăm sóc cần chú ý đến những thay đổi bất thường của người bệnh, đặc biệt là sau khi uống thuốc hoặc tập luyện thể dục, để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Vậy phải làm thế nào khi người bệnh bị hạ đường huyết đột ngột? Nếu có thể, hãy kiểm tra đường huyết của người bệnh xem có dưới 10mg/dL hay không, nếu đúng, cho họ dùng ngay 1 thìa cà phê đường tác dụng nhanh hoặc nửa cốc nước ép trái cây. Kiểm tra lại đường huyết trong 15 phút sau để chắc chắn rằng nó đã tăng lên 70mg/dL. Có thể cho người bệnh ăn bữa nhẹ với các thực phẩm có chứa tinh bột như bánh mỳ, khoai tây, gạo, sữa hoặc hoa quả để đường huyết không bị hạ lần nữa.

Xử trí khi người bệnh bị tăng đường huyết

Tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu tăng lên 200mg /dL. Sau khi ăn, người bệnh thường bị tăng đường huyết, đây là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu đường huyết tăng quá cao, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, đói và dễ kích động… Nếu không được điều trị, tăng đường huyết có thể dẫn tới hôn mê. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do trong bữa ăn có quá nhiều carbohydrate, bỏ/quên uống thuốc hoặc uống thuốc không đủ liều. Nhiễm trùng hoặc căng thẳng cũng có thể gây tăng đường huyết.

Bạn nên đưa người bệnh đi khám bác sỹ để điều chỉnh liều phù hợp.

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường (HHNK)

Tình trạng này có thể xảy ra ở người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 2 nếu họ bị nhiễm trùng và mất nước. Triệu chứng của HHNK là lẫn lộn và mất ý thức. Đường huyết có thể tăng lên trên 1.000mg/dL và dẫn đến tử vong. Người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Chăm sóc bàn chân cho người già mắc đái tháo đường

Chăm sóc bàn chân là việc làm quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường, đặc biệt là người già vì họ thường khó có thể tự mình làm được.

Người bị đái tháo đường lâu năm thường mất cảm giác ở bàn chân nên nếu không chăm sóc kỹ sẽ xuất hiện các vết loét ở vị trí này. Người chăm sóc cần thường xuyên kiểm tra bàn chân, các kẽ ngón chân phát hiện các vết cắt, vết loét hoặc vết thương để điều trị kịp thời. Việc này nên được thực hiện cùng với vệ sinh bàn chân hàng ngày.

Nhiễm trùng ở bàn chân có thể nhanh chóng lan rộng đến tận xương, dẫn đến viêm xương tủy. Tình trạng này cần được điều trị kịp thời bằng kháng sinh, trong trường hợp điều trị thất bại, người bệnh có thể phải cắt cụt chân.

Tập thể dục

Thuốc, chế độ dinh dưỡng và tập luyện là ba yếu tố cơ bản trong kiểm soát bệnh đái tháo đường. Đối với người bệnh đã lớn tuổi, tập thể dục dù là các động tác đơn giản cũng góp phần cải thiện sức khỏe. Người chăm sóc nên khuyến khích cha/mẹ/người thân của mình tập thể dục để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường và kéo dài tuổi thọ.

Kim Chi H+

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già