Thực phẩm cần tránh khi mắc sốt xuất huyết

Người bệnh sốt xuất huyết nên lưu ý gì về chế độ dinh dưỡng?

Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng gấp 4,9 lần so với cùng kì năm ngoái

Người mắc sốt xuất huyết ăn gì để nhanh hồi phục?

Biến chứng giảm tiểu cầu nguy hiểm do sốt xuất huyết

Lưu ý về vệ sinh thân thể khi mắc sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường đi kèm những triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau cơ bắp, khiến người bệnh chán ăn và mệt mỏi. Để đối phó với các biến chứng như xuất huyết, giảm tiểu cầu do căn bệnh này, bạn cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể qua đường ăn uống. Kiêng khem quá kỹ có thể khiến người bệnh thêm suy nhược và chậm phục hồi.

Theo ThS.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách, điều hành Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E, người bệnh sốt xuất huyết nên ưu tiên các thực phẩm giúp tăng tiểu cầu. Ngoài ra, nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, uống nhiều chất lỏng để ngăn ngừa mất nước.

Về thực phẩm nên kiêng, bất cứ ai mắc sốt xuất huyết đều nên tránh thực phẩm cay nóng (chứa nhiều gia vị hành, tỏi hay hạt tiêu, gừng, ớt và mù tạt), giàu chất béo bão hòa (do chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ), thực phẩm chế biến sẵn, dưa chua… Nguyên nhân là nhiều người bệnh sốt xuất huyết gặp các vấn đề về dạ dày. Ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và cay sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, có nhiều gia vị cay khi mắc sốt xuất huyết

Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, có nhiều gia vị cay khi mắc sốt xuất huyết

Người đang điều trị sốt xuất huyết cần kiêng đồ uống có đường và có gas, rượu bia, trà. Tuyệt đối tránh ăn rau sống và các món ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Đặc biệt, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh nên hạn chế sử dụng thức ăn, nước uống có màu nâu hoặc đỏ, dễ gây nhầm lẫn với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa: Tiết canh và cháo lòng, chocolate, cà phê, xá xị, đậu sẫm màu…

Đối với trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết mà đang trong giai đoạn bú mẹ, người mẹ cần cho bé bú nhiều hơn ngày thường để tăng cường sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Bệnh nhi nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, uống thêm nước, không nên cho trẻ ăn dồn dập.

Khi bước sang giai đoạn phục hồi, người mắc sốt xuất huyết cần bổ sung protein ở lượng vừa phải để cơ thể nhanh khỏe. Lựa chọn phù hợp là nhóm protein lành mạnh như thịt nạc, thịt gà, trứng, cá; Ăn ở lượng vừa đủ. Nguyên tắc chế biến thực phẩm dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết là nấu thành các món ăn mềm như cháo loãng, soup dễ tiêu và có nhiều dưỡng chất. Thực phẩm cứng, giàu chất xơ có thể gây ra tình trạng xước niêm mạc ruột và dẫn đến nguy cơ xuất huyết, nguy hiểm tới sức khoẻ và tính mạng người bệnh.

 

Ở ngày thứ 3 - 7 của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân bước vào giai đoạn nguy hiểm, có nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa với biểu hiện: Đi ngoài phân đen, đi ngoài phân lẫn máu hay nôn ra máu tươi hoặc máu đông. Xuất huyết nặng hơn có thể xảy ra ở não, trong ổ bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu người bệnh có những biểu hiện như: Vật vã, kích thích hay li bì, nôn nhiều, đau bụng không rõ nguyên nhân, đau đầu dữ dội, tiểu ít, dấu hiệu xuất huyết, người thân cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm