Người thứ 2 trên thế giới được ghép tim lợn đã qua đời

Ông Lawrence Faucette tập vật lý trị liệu sau khi được ghép tim lợn tại Bệnh viện Maryland hôm 20/9 - Ảnh: AP.

Bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được cấy ghép tim lợn

Đột phá: "Hồi sinh" tim khi đã ngừng tuần hoàn để ghép tim

Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới giữa 2 người mắc HIV

Nội tạng lợn có thể ghép được cho người?

Theo AP, ngày 1/11, Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (bang Maryland, Mỹ) thông báo người thứ hai được ghép tim lợn trên thế giới đã qua đời, gần 6 tuần kể từ ca phẫu thuật mang tính thử nghiệm cao.

Bệnh nhân là Lawrence Faucette, 58 tuổi, một cựu chiến binh và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đã nghỉ hưu. Ông Lawrence Faucette đã sắp chết vì bệnh suy tim và không đủ điều kiện để ghép tim theo phương pháp truyền thống nên được ghép quả tim lợn biến đổi gene vào ngày 20/9.

Trái tim lợn ghép cho Faucette đã được sửa đổi một số gene, đồng thời bổ sung thêm gene người để ngăn chặn sự đào thải. Theo Trung tâm Y khoa Đại học Maryland, quả tim dường như khỏe mạnh trong tháng đầu tiên, nhưng bắt đầu có các dấu hiệu bị đào thải trong vài ngày gần đây và ông Faucette đã tử vong hôm 30/10.

Thải ghép là hiện tượng hệ miễn dịch của người cấy ghép từ chối, tấn công và phá hủy cơ quan hoặc mô được cấy ghép.

Trước đó, sức khỏe ông tiến triển tốt sau ca ghép, có khả năng đi lại, thậm chí đủ sức để chơi bài với vợ, theo đại diện trung tâm y tế.

Ông Lawrence Faucette và vợ trong bệnh viện trước khi được ghép tim lợn - Ảnh: AP

Ông Lawrence Faucette và vợ trong bệnh viện trước khi được ghép tim lợn - Ảnh: AP

Ngay sau khi thực hiện ca ghép tim hồi tháng 9, ông Fauccetta chia sẻ: “ Không ai có thể biết trước điều gì, nhưng ít nhất là tôi thấy rất hy vọng và tôi đã có cơ hội”.

 

Trong những tuần cuối cùng của cuộc đời mình, Faucetta đã có mối quan hệ đặc biệt với đội ngũ thực hiện ca ghép tim cho mình. Ông cũng nhận thức được rằng, ca phẫu thuật có ý nghĩa quan trọng thế nào với những tiến bộ y học trong tương lai.

Mong muốn của ông Fauccetta là giúp các bác sĩ tận dụng tối đa những gì học được từ kinh nghiệm của mình để giúp các bệnh nhân khác tiến triển tốt hơn.

Vào năm ngoái, đội ngũ bác sĩ tại Đại học Maryland cũng đã thực hiện ca ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới cho một người đàn ông sắp chết tên David Bennett (57 tuổi). Ông Bennett sống sót khoảng 2 tháng với quả tim mới, trước khi qua đời vì bị nhiễm virus lợn.

 

"Cuộc đua" cứu người bệnh chờ ghép tạng

Những nỗ lực cấy ghép nội tạng từ động vật sang người, được gọi là quy trình cấy ghép khác loài (xenotransplant), đã thất bại trong nhiều thập niên, vì hệ thống miễn dịch của con người ngay lập tức phá hủy các mô lạ. Hiện tại các nhà khoa học đang cố gắng thử lại việc sử dụng lợn biến đổi gene để làm cho các cơ quan của chúng giống con người hơn.

Theo Hãng tin AP, nhiều nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó việc cấy ghép xenotransplant có thể bù đắp sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn hiến tạng của con người.

Tại Mỹ hiện có hơn 100.000 người đang nằm trong danh sách ghép tạng, hầu hết họ đều chờ ghép thận, hàng nghìn người sẽ chết trong lúc chờ đợi.

Hiệp Nguyễn (Theo AP/New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn