Bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được cấy ghép tim lợn

Quả tim lợn được các bác sĩ ghép cho ông Lawrence Faucette - Ảnh: Deborah Kotz/University of Maryland School of Medicine/AP.

Đột phá: "Hồi sinh" tim khi đã ngừng tuần hoàn để ghép tim

Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới giữa 2 người mắc HIV

Nội tạng lợn có thể ghép được cho người?

Ca ghép tim chưa từng gặp trên thế giới thành công

Theo CNN, ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 20/9, bởi chính kíp mổ đã thực hiện ca ghép tim lợn đầu tiên vào năm 2022. Người nhận lần này là Lawrence Faucette, 58 tuổi, đang tự thở với trái tim hoạt động tốt mà không cần bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào.

Theo thông cáo báo chí của bệnh viện, Lawrence Faucette mắc bệnh tim giai đoạn cuối, bệnh mạch máu ngoại biên và các biến chứng chảy máu bên trong khiến ông không đủ điều kiện để ghép tim truyền thống.

Ông nhập viện tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (UMMC) vào ngày 14/9 sau khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh suy tim. Trong một cuộc phỏng vấn nội bộ vài ngày trước ca phẫu thuật, ông nói: "Hy vọng còn lại duy nhất của tôi là quả tim lợn, còn gọi là phương pháp cấy ghép khác loài (xenotransplant)".

Phương pháp này đã được "bật đèn xanh" theo chương trình nhân đạo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Cơ quan cho biết đây là con đường tiềm năng để bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được tiếp cận với sản phẩm y tế trong quá trình nghiên cứu, điều trị ngoài thử nghiệm lâm sàng.

Tim lợn được sử dụng đến từ một con lợn biến đổi gene. Các nhà khoa học đã chỉnh sửa 10 gene, trong đó có 3 gene bị "loại bỏ" hoặc bất hoạt để loại trừ yếu tố có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng trong hệ miễn dịch của con người, gây đào thải nội tạng. Một gene heo bổ sung được sửa đổi để kiểm soát sự phát triển của tim heo, trong khi 6 gene người được thêm vào bộ gene của heo để tăng khả năng chấp nhận của hệ miễn dịch.

Ông Lawrence Faucette và vợ trong bệnh viện trước khi được ghép tim heo - Ảnh: Deborah Kotz/University of Maryland School of Medicine/AP

Ông Lawrence Faucette và vợ trong bệnh viện trước khi được ghép tim heo - Ảnh: Deborah Kotz/University of Maryland School of Medicine/AP

Sau phẫu thuật, các bác sĩ đang điều trị cho Faucette bằng kháng thể thử nghiệm để ức chế phản ứng của hệ miễn dịch và ngăn chặn sự đào thải. Bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ để phát hiện bất kỳ dấu hiệu đào thải hoặc bất kỳ sự phát triển nào của virus liên quan đến heo, mặc dù trước đó heo hiến tạng đã được kiểm tra chặt chẽ để không mang virus hoặc mầm bệnh.

Tiến sĩ Bartley Griffith, bác sĩ chính của ca phẫu thuật, cho biết: "Chúng tôi một lần nữa mang đến cho bệnh nhân hiểm nghèo cơ hội sống lâu hơn. Chúng tôi vô cùng biết ơn ông Faucette vì sự dũng cảm, sẵn lòng hỗ trợ giúp nâng cao kiến thức của chúng tôi trong lĩnh vực này", theo CNN.

Bệnh viện cho biết ông Faucette hoàn toàn đồng ý với phương pháp điều trị thử nghiệm và đã được thông báo về mọi rủi ro. Ngoài ra, ông còn trải qua một cuộc đánh giá tâm thần đầy đủ và thảo luận với một nhà đạo đức y học.

Theo thông tin từ bệnh viện, ông Faucette là một cựu binh hải quân có hai con. Ông từng là kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Viện Y tế quốc gia trước khi nghỉ hưu gần đây.

"Chúng tôi không có mong chờ nào khác ngoài hy vọng có thêm thời gian bên nhau, được ngồi trước hiên nhà và uống cà phê cùng nhau", bà Ann Faucette, vợ bệnh nhân, chia sẻ.

Hiện chưa có thử nghiệm lâm sàng sử dụng nội tạng lợn để cấy ghép cho người sống. Ca phẫu thuật đầu tiên cũng do Trung tâm Y tế Đại học Maryland thực hiện vào tháng 1/2022. Bệnh nhân là David Bennett, 57 tuổi, qua đời 2 tháng sau ca phẫu thuật. Mặc dù không có dấu hiệu thải ghép trong những tuần đầu tiên sau phẫu thuật, khám nghiệm tử thi cho thấy ông chết vì suy tim "do hàng loạt yếu tố phức tạp". Tuy nhiên, một nghiên cứu trên Tạp chí Lancet chỉ ra rằng, có bằng chứng về virus lợn trong quả tim ghép trước đó.

Theo chính phủ liên bang, có hơn 113.000 người trong danh sách ghép tạng, hơn 3.300 người cần ghép tim. Nhóm Donate Life America cho biết mỗi ngày có 17 người chết trong khi chờ đợi nội tạng hiến tặng. Các chuyên gia cho rằng, cấy ghép khác loài có thể là sự lựa chọn tiềm năng, giải quyết vấn đề thiếu nội tạng trong tương lai.

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn