Tiến sĩ Jacob Schroder, bên trái, và Tiến sĩ Zachary Fitch thực hiện ca ghép tim tại Bệnh viện Đại học Duke ở Durham, NC, vào tháng 10/2022 - Ảnh: AP.
Cấy ghép tim của người hiến mắc COVID-19 có nguy cơ hay không?
Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới giữa 2 người mắc HIV
Lần đầu tiên Việt Nam ghép tim thành công từ người lớn sang bệnh nhi nhỏ tuổi
Ca ghép tim chưa từng gặp trên thế giới thành công
Các nhà nghiên cứu của Duke Health thuộc Hệ thống Viện Đại học Duke (Mỹ) cho biết, phương pháp mới được gọi là hiến tặng sau khi ngừng tuần hoàn (Donation after Circulatory Death - DCD), một phương pháp chỉ được sử dụng để phục hồi thận và các cơ quan khác chứ không phải những trái tim.
Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng những quả tim của người ngừng tuần hoàn có thể cho phép hàng nghìn bệnh nhân có cơ hội được cứu sống vì nó tăng 30% số lượng tim được hiến tặng.
“Thành thật mà nói, nếu chúng tôi có thể khiến mọi người sử dụng phương pháp này, tôi nghĩ số lượng tim được hiến tặng có thể sẽ còn tăng hơn thế nữa”, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép, Tiến sĩ Jacob Schroder thuộc Đại học Y khoa Duke, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, theo AP.
Phương pháp hiến tim thông thường xảy ra khi các bác sĩ, thông qua các xét nghiệm cẩn thận, xác định một người nào đó không còn chức năng não sau một chấn thương nghiêm trọng, nghĩa là họ đã chết não. Trái tim của người chết não hiến tặng sẽ được cung cấp oxy cho đến khi chúng hồi phục và được ướp lạnh.
Ngược lại, hiến tặng sau khi ngừng tuần hoàn xảy ra khi ai đó bị chấn thương não không thể qua khỏi nhưng vì tất cả chức năng của não vẫn chưa ngừng hoạt động hoàn toàn nên gia đình buộc phải quyết định rút thiết bị hỗ trợ sự sống và tim ngừng đập. Điều đó có nghĩa là các cơ quan nội tạng sẽ không có oxy trong một thời gian trước khi chúng có thể được phục hồi để hiến tặng. Các bác sĩ phẫu thuật lo lắng rằng những trái tim trong trường hợp như vậy sẽ bị tổn thương, nên đã không sử dụng chúng.
Giờ đây, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Duke Health, các bác sĩ có thể lấy những quả tim đó ra và đặt chúng vào một chiếc máy “hồi sinh” và kiểm tra xem chúng có hoạt động tốt hay không trước khi tiến hành ca cấy ghép theo kế hoạch.
Nghiên cứu này đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ với sự tham gia của 180 người nhận ghép tạng, một nửa nhận tim DCD và một nửa nhận tim từ người hiến tặng chết não.
Nhóm nghiên cứu đã báo cáo trên Tạp chí Y học New England rằng tỷ lệ sống sót 6 tháng sau đó là như nhau, 94% đối với những người nhận tim DCD và 90% đối với những người nhận tim hiến tặng theo phương pháp hiện tại.
"Những phát hiện mới này cho thấy tiềm năng tăng cường sự công bằng và bình đẳng trong ghép tim, cho phép nhiều người bị suy tim tiếp cận với liệu pháp hồi sinh trái tim này" - Tiến sĩ Nancy Sweitzer, bác sĩ ghép tim thuộc Đại học Washington (Mỹ) chia sẻ, theo AP.
Theo TS Nancy Sweitzer, nhiều người sẽ có thể hiến tặng cơ quan khi bị chấn thương não nghiêm trọng nhưng không đáp ứng các tiêu chí chết não, nghĩa là rất nhiều trái tim có khả năng sử dụng được sẽ không bao giờ được hiến tặng.
Năm ngoái, 4.111 ca ghép tim đã được thực hiện ở Mỹ, một con số kỷ lục nhưng gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu. Hàng trăm ngàn người bị suy tim nặng nhưng nhiều người không bao giờ được ghép tạng và vẫn còn những người khác chết trong khi chờ đợi.
Các nhà nghiên cứu ở Australia và Vương quốc Anh lần đầu tiên bắt đầu thử cấy ghép tim DCD khoảng 7 năm trước. Duke Health đã đi tiên phong trong các thí nghiệm này ở Mỹ vào cuối năm 2019. Hiện nay, 1 trong khoảng 20 bệnh viện ở Mỹ đang cung cấp phương pháp này. Năm ngoái, có 345 ca cấy ghép tim như vậy ở Mỹ và 227 ca cho đến nay trong năm nay, theo United Network for Organ Sharing.
Trong nghiên cứu do Duke Health đứng đầu, gần 90% trái tim DCD đã phục hồi sau khi được cấy ghép, báo hiệu rằng sẽ còn nhiều bệnh viện bắt đầu sử dụng phương pháp mới này hơn.
Nghiên cứu được tài trợ bởi TransMedics, công ty sản xuất hệ thống lưu trữ tim.
Bình luận của bạn