Mâm cúng ông Công, ông Táo - Ảnh: Thanh Niên
Tứ Diệu đế: Phương thức trị liệu tâm hồn, mang lại hạnh phúc!
Cúng ông Công ông Táo cần chuẩn bị những lễ gì?
Những điều kiêng kỵ khi cúng Táo Quân ít người biết
Sông hồ hứng rác sau Tết ông Công ông Táo
Tục lệ cúng ông Công ông Táo
Có nhiều dị bản, câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của tục lệ cúng ông Công, ông Táo ở nước ta.
Ghi chép của Tạp chí Nghiên cứu Phật học cho hay, Táo gốc tiếng Hán có nghĩa là "bếp". Táo Quân hay ông Táo nghĩa là "ông quản bếp", "ông vua bếp". Theo truyền thuyết, xưa có hai vợ chồng nghèo khổ quá phải bỏ nhau, mỗi người một nơi tha phương cầu thực. Sau đó, người vợ may mắn lấy được chồng giàu. Một năm, vào ngày 23 tháng Chạp, người chồng cũ đi ăn xin, vô tình vào phải nhà người vợ cũ. Người vợ nhận ra chồng cũ, liền đem cho nhiều cơm gạo, tiền bạc. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ khó xử, uất ức lao vào bếp lửa tự vẫn. Người chồng cũ đau xót, cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, lao vào lửa nốt. Trời thấy 3 người sống có tình có nghĩa nên phong cho họ làm “vua bếp”.
Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, sự tích 3 ông đầu rau nói về nguồn gốc "vua bếp hai ông một bà" gồm người vợ là Thị Nhi (Nhi nghĩa là nhừ, chín nhừ), người chồng trước là Trọng Cao (Cao nghĩa là tinh bột, ám chỉ gạo) và người chồng sau là Phạm Lang (Lang còn có âm đọc là Canh – món canh). 3 người cũng phải chịu bi kịch chết cháy, hóa thân thành bếp lửa cho gia đình luôn ấm cúng.
Có người cho rằng, các câu chuyện trên đều phản ánh phần nào phong tục thờ lửa của người Việt xưa. Đó cũng là cách lý giải của dân gian về nhiều vấn đề xã hội như chế độ mẫu hệ (hai ông một bà), tín ngưỡng tin vào một đấng tối cao (Ngọc hoàng). Tổ tiên ta cũng đã biết sử dụng 3 hòn đất hay 3 ông đầu rau để kê nồi nấu bếp, một dạng kiềng ba chân chắc chắn và an toàn để nấu nướng.
Theo quan niệm dân gian, Táo Quân sẽ theo dõi và ghi chép lại sinh hoạt tốt xấu của người trong nhà để cuối năm trình tấu với Ngọc Hoàng. Việc làm lễ tiễn Táo Quân lên chầu trời là một cách thể hiện mong muốn gia đình luôn hạnh phúc và ấm áp.
Theo cuốn Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, hình tượng ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời là sự nhân cách hóa về sự biến chuyển của mây mưa, giao hòa âm dương. Nước từ mây trên trời mưa xuống, bốc hơi lại trở về trời. Cá chép biểu hiện âm, về trời là dương, âm dương giao hòa, biểu đạt mong ước cho sự thành đạt, thăng tiến. Do đó, trên bàn lễ cúng ông Công ông Táo thường có cá chép giấy hoặc cá chép sống thả trong chậu nước.
Theo quan niệm cũ, sau khi tiễn ông Táo về trời, mọi hoạt động ở hạ giới sẽ ngừng lại, nên từ ngày 23 tháng Chạp trở đi gọi là ngày Tết. Cho đến ngày mùng 3 Tết, ông Táo trở về thì người dân mới động thổ, cày cuốc trở lại. Cũng do ông Táo đi vắng, các gia đình phải lo giữ lửa, kiêng cho nhau lửa trong những ngày Tết cổ truyền.
Những lưu ý gì khi cúng ông Công, ông Táo năm nay
Một số địa phương tin rằng, lễ cúng ông Táo phải diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Nhiều gia đình luôn cố gắng sắp xếp cúng trước thời điểm này để kịp giờ cho ông Táo về Thiên Đình.
Ngày 23 tháng Chạp năm nay là ngày Hoàng đạo, các khung giờ đẹp gồm Thìn (7h-9h), Tị (9h-11h). Giờ Thìn là giờ Tốc hỷ, rất thích hợp để các gia đình tiến hành nghi lễ cúng tiễn Táo Quân về trời.
Lưu ý, các gia đình không nên vệ sinh bát hương, tỉa chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công, ông Táo. Các gia đình phải cúng ông Công, ông Táo xong mới được thực hiện việc này.
Về việc phóng sinh cá chép hay rùa trong ngày cúng ông Công ông Táo, gia chủ không nên thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm. Nên phóng sinh cá chép ở môi trường sạch để cá dễ dàng sống được, không ném cá từ trên cao, tháo bỏ túi nylon và vứt rác đúng vị trí sau khi phóng sinh.
Trước đây, nhiều gia đình khi cúng Táo quân gọi hết con cháu đến nghe lời khấn, để cùng nhìn lại một năm qua và phấn đấu trong năm mới. Có lẽ đây mới là tinh thần cốt lõi của phong tục thờ cúng Táo Quân, khi các thành viên phải chung tay "giữ lửa" cho gia đình êm ấm và hạnh phúc.
Bình luận của bạn