Những thông tin liên quan đến vụ “thổi giá” kit xét nghiệm Việt Á

Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á - Ảnh: Bộ KH&CN.

Quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine” ở Việt Nam

Bộ Y tế rút ngắn khoảng cách tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại

Bộ Y tế thông tin chính thức về việc "loạn" giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19

Cảnh giác với các kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc

Thông tin cụ thể từ các báo cho thấy, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á được coi là "ông lớn" trong ngành dược tại Việt Nam. Trong phần tự giới thiệu, Việt Á là đơn vị tư nhân chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực này. Với tệp khách hàng gồm nhiều bệnh viện lớn, có quy mô vốn điều lệ từ 80 triệu đồng năm 2007 khi thành lập tăng lên 200 tỷ và trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2017 cùng hàng ngàn nhân viên.

Tuy nhiên trên thực tế phòng sản xuất chỉ có 10 người, còn lại hầu hết là nhân viên kế toán, bán hàng và tiếp thị vùng với khoảng hơn 100 người. Hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ kỹ.

Sau khi bộ kit xét nghiệm COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà, công ty Việt Á đã có hơn 3.000 khách hàng, thực hiện hơn 1.500 dự án và trúng nhiều gói thầu tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước. Hơn 10 nước trên thế giới cũng đặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm này.

Đây cũng là bộ kit do Học viện Quân y phối hợp với công ty này thực hiện thuộc dự án đề tài nghiên cứu được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào đầu năm 2020.

Ngoài ra, lợi dụng việc sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, ông Phan Quốc Việt – TGĐ Công ty Việt Á, đã chủ động cung ứng thiết bị trước cho các bệnh viện, câu kết với lãnh đạo CDC nhiều địa phương để đẩy giá kit xét nghiệm cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. 

Bị can Phạm Duy Tuyến (trái), cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương Nguyễn Mạnh Cường và bị can Phan Quốc Việt - Ảnh: Bộ Công An

Bị can Phạm Duy Tuyến (trái), cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương Nguyễn Mạnh Cường và bị can Phan Quốc Việt - Ảnh: Bộ Công An

Ngày 17/12, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á), Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương) cùng 4 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

"Để thu lời bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và nhóm thuộc Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để cơ cấu giá ở mức 470.000 đồng/kit", kết quả ghi rõ.

Bộ Công an cũng làm rõ công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và nhiều cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Ngoài Hải Dương, cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm liên quan vụ án tại Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An và Cần Thơ. Qua đó, công an triệu tập trên 30 người liên quan để ghi lời khai, phục vụ điều tra mở rộng.

WHO lên tiếng

Trong thông cáo gửi báo chí hôm 21/12, tiến sĩ Kidong Park, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á không cung cấp được chứng cứ bằng văn bản về an toàn, hiệu suất và QMS (Hệ thống Quản lý Chất lượng Thiết bị Y tế).

Báo cáo vào tháng 10/2020, sau quy trình đánh giá EUL (đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine COVID-19), WHO cũng kết luận bộ kit xét nghiệm do công ty Việt Á sản xuất không đáp ứng được điều kiện mua sắm.

Bản tin trên trang web của Bộ KH&CN trước khi bị xóa

Bản tin trên trang web của Bộ KH&CN trước khi bị xóa

Trước đó, sau khi vụ việc Công ty Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm bị Bộ Công an phanh phui và Phan Quốc Việt bị bắt, chiều 20/12 bài viết về “bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được WHO chấp thuận” đã bị gỡ khỏi trang web của Bộ KH&CN vì cho rằng có sự "nhầm lẫn".

Bộ Y tế nói gì?

Ba ngày sau khi Tổng giám đốc Việt Á bị khởi tố, Bộ Y tế đưa ra thông cáo nêu rõ, việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Thông tin từ Bộ Y tế khẳng định Bộ thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Tất cả các sản phẩm cấp phép đều được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi được cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định.

Bộ Y tế cho biết, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu, giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.

“Mỗi quốc gia, tổ chức đều xây dựng tiêu chí và yêu cầu về hồ sơ, sản phẩm khác nhau về việc chấp thuận lưu hành sinh phẩm. Các công ty có nhu cầu lưu hành, sử dụng tại quốc gia và tổ chức nào sẽ nộp hồ sơ theo quy định của từng tổ chức, quốc gia, việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách WHO công bố” – Bộ Y tế thông tin.

Bộ Y tế cũng cho rằng, các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Quốc hội quan tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp thứ 6 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra sáng 21/12, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhắc đến việc đang gây bức xúc hiện nay là vụ “thổi giá” kit COVID-19 của Công ty Việt Á. Hiện dư luận đang rất quan tâm đến chất lượng kit xét nghiệm sau khi truyền hình đưa tin đưa nơi sản xuất 30 nghìn bộ kit test/ngày của công ty này giống “nhà kho” của hợp tác xã. Tổ chức y tế thế giới (WHO) không công nhận chất lượng để có thể áp dụng chung, nhưng theo chuẩn Việt Nam vẫn phù hợp.

“Cử tri rất quan tâm đến chất lượng thực tế của kit test này như thế nào, thực sự có đáp ứng yêu cầu về chuyên môn hay không. Trong khi, hiện cả nước đang sử dụng đại trà kit xét nghiệm của công ty này sản xuất”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lên tiếng và cho rằng, dư luận đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ, đồng thời xử lý nghiêm minh sai phạm, công khai kết quả.

Theo ông Tùng, rất nhiều địa phương, kết quả đấu thầu giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á cũng rất cao, trên dưới 500.000 đồng/kit. Trong khi tại thời điểm báo chí phản ánh “loạn giá kit xét nghiệm” có đề cập đến việc, nếu mua của nước ngoài số lượng lớn, có khi chỉ 1-2 USD/kit xét nghiệm.

Nhận định vấn đề giá kit xét nghiệm COVID-19 đang được người dân quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Nên chăng trong kỳ họp này cũng có báo cáo bằng văn bản trình bày trước Quốc hội”.

 
Hiệp Nguyễn (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn