Hội chứng “nỗ lực ảo”: Khi sự cố gắng chỉ là nhất thời!

Đặt ra nhiều mục tiêu, kế hoạch phải làm nhưng lại ngồi lướt web, chơi game là dấu hiệu của nỗ lực ảo

Mạng xã hội và mối nguy hại tới sức khỏe giới trẻ

Thói quen thức khuya có hại với sức khỏe tinh thần ra sao?

5 thói quen ăn uống giúp cải thiện sức khỏe tinh thần

Phụ nữ gen Z gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần

“Nỗ lực ảo” là gì?

Bạn Nguyễn Công Đạt, 19 tuổi, sinh viên Đại học Kiểm sát Hà Nội chia sẻ: “Mình có biểu hiện “nỗ lực ảo” nhưng rất khó để thoát ra. Biết bao kế hoạch đặt ra mình chỉ hào hứng ban đầu rồi lại trì hoãn chúng”. Đạt rất chăm sưu tầm tài liệu, thấy cái gì hay, cái gì hữu ích bạn đều lưu về máy nhưng rồi chẳng mấy khi mở ra xem; hôm nay lên mạng xã hội thấy bạn bè đăng khoe chứng nhận này, thành tích kia, bạn cũng mày mò lên mạng tìm kiếm các khóa học. Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, bạn nản chí rồi muốn bỏ cuộc.

 “Nỗ lực ảo" là khi tự nhủ bản thân phải cố gắng và đặt ra hàng tá mục tiêu, kế hoạch cần làm lúc ban đầu. Nhưng về sau lại mất đi hứng thú, không thực hiện được hoặc thực hiện chúng một cách hời hợt. Trong quá trình đó, chúng ta bị sao nhãng bởi những việc khác, kết quả mang lại không được như ý muốn.

Áp lực ngày càng nặng nề về thành tích, điểm số nhưng ý chí lại không đủ để duy trì và theo đuổi đến cùng. Từ đó, cụm từ “nỗ lực ảo” ngày càng trở nên quen thuộc hơn, trở thành tình trạng chung của rất nhiều bạn trẻ.

“Nỗ lực ảo” từ đâu mà ra?

“Nỗ lực ảo” bắt nguồn từ thói quen trì hoãn

Bạn đặt ra hàng tá việc cần phải làm nhưng rồi cứ “để mai tính”, “ngồi nghỉ một tí đã”, “tí nữa rồi làm”…Trong thời gian đó, bạn lướt mạng xã hội, chơi game, xem phim…Và một khi đã cuốn xoay vào nó, thật khó lòng mà thoát ra. Để rồi cuối ngày, bạn không thực hiện được mục tiêu, bạn đẩy chúng sang ngày hôm sau. Một vòng tuần hoàn lại được lặp lại nếu bạn cứ tiếp tục trì hoãn. Sự nỗ lực của bạn chỉ thể hiện ở việc vạch ra mục tiêu, điều quan trọng là thực hiện chúng thì bạn lại bỏ dở. Khi đó, bạn lại giậm chân tại chỗ và thật khó để tiến bộ hơn.

Không có kế hoạch phù hợp

Không có kế hoạch cụ thể, rõ ràng khiến bạn bị mơ hồ trước những mục tiêu cần đạt được

Không có kế hoạch cụ thể, rõ ràng khiến bạn bị mơ hồ trước những mục tiêu cần đạt được

Có phải bạn luôn cảm thấy mơ hồ trong vô vàn thứ hay ho nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng để thực hiện nó? Bạn mơ hồ bởi có quá nhiều việc bạn muốn làm nhưng lại không dành đủ thời gian nhìn nhận thực tế, thiết lập kế hoạch phù hợp. Bạn thấy một cuốn sách hay cũng muốn mua về đọc, một công thức nấu ăn ngon cũng lưu lại định làm nhưng tất cả chỉ dừng lại ở dự định. Bạn muốn đạt được 8.5 IELTS, bạn học ngày học đêm nhưng vẫn mông lung do không có kế hoạch và lộ trình học cụ thể. 

“Mục tiêu ảo” cũng chính là nguồn cơn của “nỗ lực ảo”

Đừng nhẫm lẫn giữa kế hoạch mục tiêu. Kế hoạch là những việc mình cần làm, mục tiêu là đích đến. Nếu bạn có hay không việc vạch ra kế hoạch nhưng mục tiêu quá sức vẫn khiến mọi thứ “đổ sông đổ bể”.

Vạch ra mục tiêu phù hợp là yếu tố nền ảnh hưởng đến khả năng thực hiện hóa mục tiêu. Một số người đặt ra rất nhiều mục tiêu quá sức, cho dù bạn có vạch sẵn kế hoạch và làm theo, nhưng làm mãi vẫn chẳng thấy kết quả. Việc đặt mục tiêu quá sức khiến bạn dễ dàng nản lòng và bỏ cuộc.

Nỗ lực ảo sẽ khiến bạn mất định hướng, rơi vào bế tắc khi thực hiện mục tiêu tự mình đặt ra

"Nỗ lực ảo" sẽ khiến bạn mất định hướng, rơi vào bế tắc khi thực hiện mục tiêu tự mình đặt ra

“Nỗ lực ảo” gây mất thời gian và năng lượng làm việc của bạn, từ đó gia tăng cảm giác thất vọng, bế tắc, dần dần mất đi động lực để phấn đấu. Vậy làm thế nào để vượt qua hội chứng “nỗ lực ảo”? Dưới đây là một số gợi ý từ Sức khỏe+:

Thứ nhất, có kế hoạch, mục tiêu cụ thể, thiết thực. Bạn nên bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu phù hợp với khả năng, nhu cầu bản thân. Sau đó, chia nhỏ mục tiêu lớn ban đầu thành những mục tiêu nhỏ và dễ thực hiện hơn. Sau khi xác định được mục tiêu, bạn nên hoạch địch kế hoạch rõ ràng để thực hiện chúng.

Ví dụ, bạn có thể cụ thể hóa mục tiêu “Đọc 12 cuốn sách trong năm” bằng cách chia nhỏ nó theo từng tháng, từng năm, như “Mình sẽ đọc ít nhất 1 cuốn mỗi tháng” hay chi tiết hơn “Mình sẽ đọc 10 trang sách mỗi ngày”. Từ việc đặt mục tiêu, bạn lên kế hoạch để thực hiện chúng bằng cách phân chia thời gian đọc trong ngày, có thể sau giờ nghỉ trưa hay mỗi tối trước khi đi ngủ.

Thứ hai, loại bỏ thói quen trì hoãn. Bạn có thể tham khảo Quy tắc 5 giây để thực hiện. Đây là một kỹ thuật đơn giản được phát triển bởi tác giả người Mỹ Mel Robbins. Để áp dụng quy tắc này, bạn chỉ cần nghĩ về nhiệm vụ cần làm, sau đó đếm ngược 5 giây và bắt đầu tiến hành làm việc ngay lập tức. Bằng cách đếm ngược và buộc bản thân phải hành động nhanh chóng, bạn có thể làm gián đoạn sự phản kháng tự nhiên của não bộ trước những thay đổi hoặc cảm giác khó chịu (như sợ hãi, nghi ngờ bản thân), từ đó trở nên tự tin và quyết đoán hơn.

Thứ ba, rèn luyện sự tập trung. Sự tập trung là chìa khóa giúp bạn vượt qua “nỗ lực ảo”. Khi đặt ra mục tiêu, kế hoạch và loại bỏ thói quen trì hoãn, thứ cần thiết lúc này là sự tập trung. Để rèn luyện sự tập trung cao độ, bạn cần hạn chế các tác nhân có thể gây xao nhãng như mạng xã hội, các trò chơi điện tử hay thậm chí việc đi ngủ không đúng giờ.

Cuối cùng, tự đánh giá bản thân. Việc thường xuyên tự đánh giá bản thân không chỉ giúp bạn phát hiện những điểm mạnh để tiếp tục phát huy, mà còn xác định được những hạn chế để khắc phục. Từ đó, bạn có thể đảm bảo mình đang đi đúng hướng, tránh nguy cơ sa vào “nỗ lực ảo”.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội