Giới trẻ đang loay hoay “chữa lành”

Số lượng các bạn trẻ mắc các vấn đề về tâm lý đang ngày một tăng nhanh

Uống gì để làm dịu tâm trạng lo âu, căng thẳng?

Cần làm gì khi tim đập nhanh lúc căng thẳng, hồi hộp?

Mách bạn cách đơn giản giúp đánh bại căng thẳng

Bài tập thở chúm môi giúp làm dịu căng thẳng

Tại sao giới trẻ cần “chữa lành”?

Thời gian gần đây, khái niệm “healing” hay “chữa lành” ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng. Trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, từ khóa “chualanh”, “healing” thường xuyên lọt Top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ cần gõ cụm từ “chữa lành” đã cho hơn 62 triệu kết quả trong vòng 0,32 giây. 

Xu hướng này phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của giới trẻ ngày một tăng. Rất nhiều người đã chọn "chữa lành" để thoát khỏi những áp lực và căng thẳng từ cuộc sống hiện tại, như áp lực về tài chính, công việc.

“Đối với mình “chữa lành” là được đi khám phá những vùng đất mới, được hòa mình với thiên nhiên. Áp lực học hành, công việc, chuyện tình cảm không như mong muốn khiến bản thân mình khá mệt mỏi. Do đó, mình thường chọn những chuyến đi “chữa lành” như một cách để thư giãn, tái tạo năng lượng, tạo cảm hứng mới trong công việc”, bạn Kiều Quốc Trung, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ.

Bạn Đào Thu Trang, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại có quan điểm khác. “Chữa lành” theo quan điểm của mình chỉ là làm những gì mình thích. Đôi khi chỉ là ăn một món ăn ngon, đi xem bộ phim mình yêu thích, mua một bộ đồ mình muốn.”

Cẩn trọng trước các dịch vụ “chữa lành”

Tràn lan các hội nhóm chữa lành trên mạng xã hội

Tràn lan các hội nhóm "chữa lành" trên mạng xã hội

Trả lời báo Thanh niên, Tiến sĩ Giang Thiên Vũ, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho hay, xét về góc độ tâm lý học sức khỏe, chữa lành chính là sự phục hồi tâm lý bằng các nguồn lực bên trong và bên ngoài xã hội khi một ai đó đương đầu với nghịch cảnh hoặc các vấn đề gây khó chịu trong cuộc sống. Mục tiêu cuối cùng của "chữa lành" chính là cân bằng đời sống tâm lý (sức khỏe tâm thần) của con người và tạo ra cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống.

Người có nhu cầu tìm đến "chữa lành" thông qua nhiều hình thức như thiền định, du lịch trải nghiệm, “bỏ phố về quê”, âm nhạc, phim ảnh, sách, các podcast, workshop, thể thao…

Tuy nhiên, khái niệm "chữa lành" hiện gây ra nhiều tranh cãi khi đang là cơ hội kiếm tiền của không ít cá nhân, tổ chức. Họ lợi dụng sự bất ổn về tâm lý của nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ bán những khóa học "chữa lành" với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

Theo dõi các diễn đàn mạng xã hội thời gian qua có thể thấy các khóa học ngày càng nở rộ hơn với những tên gọi mỹ miều như: “chữa lành tâm thức”, “chữa lành lượng tử”, “chữa lành trường sinh”, “chữa lành tâm linh”, “chữa lành bằng thôi miên tiền kiếp”… thậm chí xuất hiện cả “học viện chữa lành” với hình thức tư vấn đào tạo từ trực tuyến cho đến trực tiếp.

Nhiều trung tâm, công ty đa cấp núp bóng dưới các lớp học “chữa lành”, tại đó các “chuyên gia” tích cực mời chào học viên mua các “vật phẩm chữa lành” không rõ nguồn gốc xuất xứ, càng mua nhiều càng rẻ, thứ hạng trong lớp càng cao, càng có cơ hội được học các khóa tư vấn chuyên sâu với giá ưu đãi.

 

 

Khi tìm đến những người với danh xưng "nhà chữa lành", người học còn đối mặt với nhiều rủi ro nếu không đảm bảo về trình độ chuyên môn thực sự, đặc biệt là những thứ liên quan đến "tâm bệnh" cũng thật khó để đo lường hiệu quả.

Ngoài ra, không ít nơi sẽ cam kết sẽ cam kết “chữa lành” cho học viên với kết quả đầu ra (KPI) cụ thể. Tự hỏi, cam kết điểm đầu ra một môn học đã khó, làm sao có thể tự tin cam kết với những thực hành tinh thần như vậy? Trong khi không ít người đã bày tỏ sự thất vọng, bức xúc vì nội dung mà các “chuyên gia” rao giảng trên lớp chỉ là những kiến thức chắp nhặt, mâu thuẫn, phản khoa học khiến người học nghe càng mông lung, hỗn loạn.

Trả lời báo Lao Động, PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở thời điểm hiện tại, nhiều người sau khi bị tổn thương tâm lý, khi học thêm một vài khóa học đã nhận thấy đây là một môi trường kinh doanh được. Do đó, họ bắt đầu quảng bá mạnh mẽ các khóa học, gây dựng cộng đồng chữa lành nhằm phát triển kế hoạch kinh doanh dựa vào từ khóa đang "hot" này. Trên thực tế, các khoá học chữa lành tại các nước khác cần phải có cơ chế kiểm duyệt gắt gao và được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền. Ở Việt Nam hiện tại, rất nhiều người cung cấp các dịch vụ chữa lành không có bằng cấp cũng như cung cấp dịch vụ chưa được kiểm duyệt bởi các cơ quan chức năng.

Ông Nam cho biết, từ năm 2023, Việt Nam đã có chức danh Nhà tâm lý, và Quốc hội khóa XIV đã thông qua luật khám chữa bệnh, trong đó vị trí nghề nghiệp Tâm lý lâm sàng cần phải có chứng chỉ của Bộ Y tế. Do đó, khi tìm kiếm các dịch vụ chữa lành, cần phải lựa chọn một cách cẩn thận, nên tới khám bệnh tại những bệnh viện uy tín để không mắc phải "bẫy" của những người không có đủ chuyên môn mà chỉ dựa vào từ khóa "chữa lành" để kiếm tiền.

Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa