Sáng 30 tết Nhâm dần 2022 leo núi tìm… vàng (thử sức sau COVID-19). (Ảnh chụp tác giả tại núi Sông Cầu, Xuân Canh, Phú Yên)
Đón thêm đợt không khí lạnh, Bắc Bộ mưa dông, trời rét
Gợi ý 4 bộ phim tình cảm cho ngày Valentine lãng mạn
Kim cương của Thủ tướng!
Hẹn hò cùng nàng ở đâu dịp Valentine này?
Có lời của Thủ tướng, bóng đá nữ từ nay sẽ khác
Vàng không chỗ dựa
Ngày mùng 10 Tết Nhâm Dần - ngày Thần tài, như mọi năm người ta đổ xô đến các tiệm vàng, mua và bán. Hình như năm nay bán nhiều hơn, vì vàng đang tăng giá, mà trước đó thì nhiều người đã đầu cơ mua vào. Đây là dịp bán ra. Khi bán ra nhiều thì giá xuống và rồi thị trường lại hỗn độn. Có ông giám đốc ngân hàng đã bị tù chung thân cũng vì dồn tất cả vào…vàng. Mặc dù các đồng tiền thế giới không còn dựa trên kim bản vị nữa, vàng vẫn là tài sản phòng thân giá trị nhất và phổ thông hiện nay. Lưu ý rằng hệ thống Kim bản vị (dựa trên vàng) đã chấm dứt từ năm 1970. Hệ thống kim bản vị hiệu lực từ Hiệp ước Bretton Woods, được ký kết vào tháng 7.1944, đã thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế mới. Nó được phát triển bởi các đại biểu từ 44 quốc gia tại Hội nghị Tài chính và Tiền tệ của Liên Hợp Quốc được tổ chức vào tháng 7.1944 tại Bretton Woods, New Hampshires, Hoa Kỳ. Theo thỏa thuận, các loại tiền tệ khác được chốt với giá trị của đồng đô la Mỹ (USD), dựa theo giá vàng. Hệ thống Bretton Woods đã kết thúc một cách hiệu quả vào đầu những năm 1970, khi Tổng thống Richard M. Nixon tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không dùng kim bản vị nữa.
Ngày Thần tài, không ít người đổ xô đi mua vàng về tích trữ (ảnh VTV)
Mục tiêu chính của Bretton Woods là tạo ra một hệ thống ngoại hối hiệu quả, ngăn chặn sự phá giá cạnh tranh của tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc tế. Mặc dù hiện nay kim bản vị không còn nữa, và Hiệp ước Bretton Woods cũng trở thành lịch sử, nhưng hai tổ chức quan trọng là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới do Bretton Woods tạo ra, cho đến nay (2022) vẫn hoạt động có hiệu quả. Song song đó, vàng cũng vẫn duy trì “sức khỏe” của nó trên thị trường thế giới. Nhiều quốc gia vẫn dự trữ vàng, bên cạnh các đồng ngoại tệ mạnh khác như USD và Euro.
Sức khỏe là Vàng!
Vào thế kỷ 16, Tây Ban Nha xâm chiếm Mehico. Những kẻ xâm lăng làm cho dân địa phương vô cùng kinh ngạc không hiểu sao họ lại mê vàng đến thế. Người thổ dân ngây thơ nghĩ rằng: Vàng chỉ là một loại kim khí vô giá trị: ăn không được, uống cũng không, không đủ cứng để chế tạo vũ khí, sao kẻ xâm lăng lại mê vàng đến thế? Khi được hỏi, thì vua Cortes của Tây Ban Nha đã trả lời: “Ta và đồng đội của ta bị chứng đau tim và chứng bịnh này chỉ có thể chữa khỏi bằng vàng” (Homo sapines: Lịch sử nhân loại, Yuval Harari, Nxb Penguine, 2016, tr.126). Thật ra, vào lúc thổ dân Mehico chưa biết đến giá trị vàng, thì người Tây Ban Nha đã xài những đồng tiền vàng để giao dịch thương mại.
Người Việt chúng ta hay nói: "Sức khỏe là Vàng". Tôi nghĩ khác: "Sức khỏe quý hơn Vàng". Đơn giản vàng có giá, dù cao hay thấp. Nhưng sức khỏe vô giá. Người nghèo có thể đi bán máu hay nội tạng nhưng không ai chịu bán mạng sống, trừ phải hy sinh cho các lý tưởng và tình yêu. Năm 1999, vì phải lo viết luận án tiến sỹ tại Đại học Washington mỗi ngày tôi chỉ ngủ chừng 3 tiếng và bị suy kiệt thần kinh, phải vào bệnh viện. Mỗi sáng thức dậy đi bộ thể dục thấy những người phu vệ sinh khỏe mạnh, tôi ao ước hoán đổi tôi và thử đề nghị… vui với một người trẻ, thì anh ta nói: "Không bao giờ tôi chịu đổi sức khỏe và tuổi trẻ lấy 1 triệu USD hay 100 cây vàng, để lấy cái thân của một ông tiến sỹ sắp chết cả."
Sức khỏe đi trước tiền vàng đi sau
Có một bài thánh ca tiếng Hy Lạp từ năm thứ ba trước Công nguyên đến năm thứ hai sau Công nguyên, hát rằng: “Hỡi thần Asklepios nhân từ, mạnh mẽ, hãy coi trọng lời cầu nguyện kiên cường của chúng con, mang lại sức khỏe, giảm nhẹ nỗi đau và ngăn chặn dịch bệnh chết người hoành hành. Hỡi quyền năng tất cả sinh sôi, dồi dào, tươi sáng, con cháu vinh dự của Apollon, Thần ánh sáng, chồng của Sức khỏe, kẻ thù của dịch bệnh, vị tướng của sự khốn nạn, hãy đến, đấng cứu thế ban phước, bảo vệ sức khỏe cho chúng con, và cuộc sống phàm trần, để chúng con lao động đạt tới phồn vinh”. Ý của bài thánh ca này vẫn xem sức khỏe là tiền đề của sự phồn vinh.
Nếu bạn hỏi mọi người quanh bạn họ cần gì để hạnh phúc, hai trong số những câu trả lời phổ biến nhất sẽ là sức khỏe và sự giàu có. Cả hai chắc chắn đều cần thiết cho hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ có thể có một cái, thì cái nào quan trọng hơn? Đó là sức khỏe. Chắc chắn cũng có người phản đối điều này, nhưng họ không phải số đông.
Thứ nhất, sức khỏe quan trọng hơn của cải vì nếu bạn có đủ sức khỏe, bạn sẽ có cảm thấy vui vẻ và có thể lao động để làm ra của cải. Nhưng nếu bạn có nhiều tiền mà đau yếu triền miên thì bạn không bao giờ cảm thấy niềm vui sống mỗi ngày.
Bên cạnh đó, của cải không có ích lợi gì nếu không có sức khỏe. Nếu không có sức khỏe tốt thì dù có chi tiêu cho vật chất bao nhiêu đi chăng nữa thì người đó cũng sẽ không thể tận hưởng chúng một cách trọn vẹn nhất.
Không đủ sức khỏe, con người dù có tiền cũng không thể đạt được những điều mình mong muốn, ví như đi du lịch. (Ảnh chụp tác giả đang đi du lịch khám phá tại Phú Yên)
Ví dụ, một người không khỏe sẽ không thể ăn mọi thứ anh ta muốn mặc dù anh ta có đủ khả năng mua những món ăn đắt tiền nhất. Vào tháng 9/2011 - cách đây 10 năm - cá nhân tôi đã nếm trải chuyện này: thấy chán ăn. Đó là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư mà tôi không hề biết. (Đã biết còn nói làm gì!) Nhiều người hỏi: làm sao ông phát hiện ung thứ sớm. Thật ra, bệnh của tôi được phát hiện không sớm chút nào. Sự ngẫu nhiên đã cho tôi gặp một khán giả truyền hình vốn là một trong các vị thẩm phán của Tòa Thượng thẩm Sài Gòn trước, về thăm Việt Nam và tình cờ anh xem một chương trình truyền hình trên FBNC do tôi dẫn dắt và anh rất muốn thăm tôi tại nhà để tặng tôi cuốn sách. Khi nghe tôi nói các triệu chứng, anh khuyên tôi phải nội soi ngay, vì anh đã bị như vậy. Tôi nghe theo anh và… cho đến nay tôi vẫn sống khỏe và viết báo, viết sách, đi du lịch bình thường. Khi bệnh, tôi cũng yên tâm về tài chính vì một là có phần bảo hiểm, hai là có một ít… tiền. Tất nhiên, khi lành bệnh số tiền đó được sử dụng vào các mục đích… từ thiện nhiều hơn và tâm vô cùng thanh thản, không phải lo tiết kiệm như trước. Sức khỏe quý hơn vàng là chỗ đó.
Một người nằm liệt giường sẽ không thể tận hưởng kỳ nghỉ ở những nơi xa lạ ngay cả khi anh ta sở hữu một chiếc máy bay riêng. Tất nhiên, chúng tôi không có một máy bay riêng, bù lại chúng tôi có nhiều hãng máy bay phục vụ. Trong những ngày được nới lỏng sau giãn cách, chúng tôi đã bay đi nhiều nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời trong nước. Và bạn chỉ thấy các cuộc đi chơi là hạnh phúc khi bạn có đủ sức khỏe, chứ không phải bạn có nhiều… vàng. Tôi đã thử sức khỏe mình bằng nhiều trò vui của các bạn trẻ như lặn biển, leo núi, và đạp xe… Tôi đã đạt đến niềm vui đỉnh khi hoàn thành được các trò chơi thử sức này. Dù tôi có dành nhiều tiền tôi cũng không bao giờ có niềm vui này.
Tiền - Vàng là phương tiện, sức khỏe là cứu cánh
Con người thường nghĩ rằng một sự vật bắt đầu là một phương tiện thì tự thân nó cũng có thể trở thành một cứu cánh, và dần dần giá trị tinh thần mà con người chúng ta thêm vào cho cứu cánh sẽ chuyển hoá thành phương tiện để chúng ta đạt được cứu cánh. Ví dụ: Chúng ta mua một chiếc xe để đi. Nhưng có người trở thành quá say mê xe đến nỗi tiêu tốn thời gian vào việc lái xe, lau chùi xe, chăm sóc xe, thay vì chỉ dùng xe đi lại. Hay việc chúng ta cảm thấy cần phải có một tôn giáo, nhưng lại quá “tin” vào giáo lý, hành lễ, xưng tội, đến nỗi quên luôn hành động tôn giáo là làm việc lành, tránh việc ác. Quá trình chuyển phuơng tiện thành cứu cánh này diễn ra thường xuyên trong cuộc sống con người. Nhưng từ lúc tiền - vàng trở nên một phương tiện tối hậu trong nền kinh tế thị trường, thì mọi việc cũng trở nên đơn giản hơn đối với con người khi họ chỉ có một cứu cánh là săn đuổi đồng tiền, không cần phải khổ công cho những cứu cánh khác. Nếu có tiền bạn có thể thực hành tâm nguyện đạo đức như là làm từ thiện cứu giúp người nghèo. Bạn học của tôi là nhà địa ốc nổi tiếng ở Little Sài Gòn, ông Frank Jao, chủ của siêu thị Phước Lộc Thọ, nói hồi nhỏ không thực hiện ước mơ học hành vì thiếu tiền, bây giờ có tiền ông thành lập các quỹ học bổng… Ông là chủ tịch đầu tiên của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), đã đưa hàng trăm sinh viên tiến sỹ Việt Nam du học tại Hoa Kỳ.
Sở dĩ bạn tôi làm được vì trước tiên ông phải có sức khỏe. Điều ngược lại là không thể. Nếu một người khỏe mạnh, anh ta sẽ có thể tìm được việc làm hoặc thực hiện các khoản đầu tư mà cuối cùng có thể khiến anh ta trở nên giàu có. Tuy nhiên, đối với một người giàu có nhưng bị bệnh, ngay cả sự chăm sóc y tế tốt nhất mà tiền có thể mua được cũng không thể đảm bảo sức khỏe của người đó hồi phục trở lại. Chỉ thực tế này thôi cũng đủ để thấy sức khỏe quý hơn vàng.
Có sức khỏe thực sự quan trọng hơn sự giàu có (ảnh minh họa)
Tóm lại, sức khỏe thực sự quan trọng hơn sự giàu có vì những lý do đã giải thích ở trên. Tất nhiên, tình huống lý tưởng sẽ là có cả sức khỏe và sự giàu có.
Sức khỏe hơn tất cả
Sức khỏe quý hơn tất cả vì bây giờ lãnh vực nào chi phối xã hội thì người ta cũng so sánh với sức khỏe. Ví dụ: nói “Sức khỏe nền kinh tế”, “Sức khỏe tiền tệ”, “sức khỏe của hệ thống chính trị” v.v… Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới bị tàn phá, và hiện nay đang hồi phục. Người ta hy vọng: sức khỏe kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh nhờ cách chính sách chống dịch đúng hướng. Đầu tiên là “chống dịch như chống giặc” và nay là “sống chung”, nhưng trong bất cứ chính sách nào thì vẫn phải đạt mục tiêu kép, đó là “sức khỏe người dân” và “sức khỏe nền kinh tế” (thuật ngữ gọi là tăng trưởng GDP). Thật ra cả hai mục tiêu đều nhắm tới một là “cuộc sống người dân”, bởi nếu chống dịch thành công mà kinh tế suy giảm thì dân đói, mà đói thì không khoẻ được. Rồi đến sức khỏe của các ngành nghề, ví dụ đại dịch gây hại nhất cho “sức khỏe ngành du lịch”. Vậy nếu có điều kiện tài chính và sức khỏe, ngay bây giờ bạn hãy lên kế hoạch cho những chuyến đi…
Bình luận của bạn