PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Đừng để trẻ bị viêm phổi khi thời tiết thay đổi

theo PGS.Ts Nguyễn Tiến Dũng, thời tiết thất thường, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi

Lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ bị viêm đường hô hấp trên

Trẻ chảy nước mũi chưa chắc đã là bệnh

Trẻ thường xuyên bị viêm họng, khản tiếng có nên dùng Tiêu Khiết Thanh?

3 dấu hiệu nhận biết viêm amidan bạn nên biết

Thưa PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trong giai đoạn thời tiết thất thường này, những em bé lại phải tiếp tục đối mặt với những vấn đề sức khỏe nào? 
Phải nói là, giai đoạn cuối Thu đầu Đông hay cuối Đông đầu Xuân, giai đoạn thời tiết thất thường, thường là đỉnh điểm của các bệnh về đường hô hấp, các bé sẽ dễ bị ho, viêm họng và sốt, sốt cao.
Trong các bệnh đường hô hấp thì được chia ra làm 2 nhóm lớn là bệnh đường hô hấp trên và bệnh đường hô hấp dưới. Bệnh đường hô hấp trên thường gặp hơn. Bệnh đường hô hấp dưới ít gặp hơn như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản, nhưng lại vô cùng nguy hiểm, dễ gây tử vong. Vì vậy, trong thời điểm này, cha mẹ cần phải chú ý phòng ngừa để trẻ không mắc các bệnh về đường hô hấp. Và quan trọng nhất là, phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh để chăm sóc, điều trị cho trẻ kịp thời.
Sốt, sốt cao, sốt li bì về chiều là những dấu hiệu của viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ
Đâu là dấu hiệu nhận biết sớm của các bệnh đường hô hấp, thưa bác sỹ?
Dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bệnh về đường hô hấp là ho, chảy nước mũi, sốt, có thể chảy nước tai, khó thở. Đây là những triệu chứng rất thường gặp nhất khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên. 
Chúng tôi vẫn thường khuyên các bậc cha mẹ nếu trẻ chỉ có triệu chứng ho, sốt hoặc chảy nước mũi…, các cháu vẫn ăn chơi bình thường thì cũng không cần phải đi bệnh viện, chỉ cần ở nhà chăm sóc. Chăm sóc bằng cách nào? Ho, có thể cho trẻ dùng một vài loại thuốc ho, Đông y hay Tây y đều được. Sốt, nếu không quá cao, thì giảm sốt bằng cách chườm mát ở nhà. Chảy nước mũi thì có thể dùng nước muối nhỏ mũi, kết hợp ăn uống đầy đủ… Nhưng, điều quan trọng là phải theo dõi diễn tiến của bệnh để phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng.
Cách theo dõi bao gồm:
- Quan sát những dấu hiệu bất thường về thở: Quan sát nhịp thở của trẻ bằng cách theo dõi sự lên xuống của lồng ngực. Nếu thấy các nhịp thở chậm rãi, đều thì không sao, nhưng nếu thấy đột nhiên nhịp thở bất thường (phồng lên, hạ xuống nhanh bất thường), thở mạnh, khi vén ngực trẻ lên thì thấy lồng ngực khi thở lõm sâu, cánh mũi thở phập phồng… thì đó là dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh đường hô hấp dưới (viêm phổi, viêm tiểu phế quản).
- Quan sát biểu hiện bên ngoài: Nếu mọi khi trẻ ăn chơi bình thường, hôm nay trẻ ngồi 1 chỗ, ăn ít hẳn đi, ăn vào lại nôn ra vì khó thở hoặc nếu trẻ nhỏ đang bú lại bú sữa được… thì đó có thể là dấu hiệu bệnh nặng, cần cho trẻ đi khám ngay.
Với những trẻ, ho, chảy mũi, sốt nhẹ... có thể chăm sóc trẻ tại nhà với hướng dẫn của bác sỹ
Có một thực tế hiện nay là, chăm sóc trẻ trong và sau ốm như thế nào đang là tranh cãi không có lời kết giữa các thế hệ trong gia đình.
Thực ra, những gia đình càng nhiều thế hệ thì chuyện mẫu thuẫn là bình thường. Do điều kiện sinh hoạt nên cách chăm sóc trẻ con ở giai đoạn trước sẽ khác với hiện nay, khi mà điều kiện sinh sống và khoa học ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, không phải cách làm nào của thế hệ trước cũng là không đúng. 
Mùa này, dù trời lạnh vẫn nên tắm cho trẻ. Phải hiểu thân nhiệt của trẻ để pha nước tắm cho trẻ. Mùa lạnh, thời tiết thay đổi thất thường nên tắm cho trẻ phải nhanh, chỉ vài phút thôi, không nên quá 5 phút. Bên cạnh đó, nơi tắm cho trẻ phải kín gió, ấm. Tôi rất đồng ý với nhiều cha mẹ rằng, làm ấm phòng tắm bằng đèn sưởi trước khi tắm cho trẻ. Đó là một trong những biện pháp phòng bệnh cho trẻ hữu hiệu.
Tôi ví dụ thế này: Quan điểm cứ lạnh là ốm, là viêm phổi, là ho sốt chỉ đúng một phần thôi vì có những trường hợp nóng quá cũng bị. Trời chưa rét hẳn mà ông bà cha mẹ mặc cho con quần áo dài tay, đi tất chân, nhà đóng cửa kín mít thì con dễ ốm, dễ viêm phổi. Hay cha mẹ, ông bà suy từ mình ra, thấy mình nóng thì nghĩ con cũng nóng nên để nhiệt độ điều hóa thấp, có khi còn bật thêm quạt khiến con chỉ vài tiếng là ho, chảy mũi, rồi viêm họng, viêm phế quản. Bạn biết rằng, khoảng nhiệt chịu đựng của trẻ không như người lớn (có thể chịu đựng từ -10 độ C đến 39 độ C), bởi hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, chưa điều hòa được thân nhiệt. Trẻ chỉ chịu đựng được khoảng nhiệt từ 20 đến 34 hoặc 35 độ C, trên hoặc dưới khoảng này, trẻ không chịu được. Thế nên các cụ xưa mới nói “chưa nóng thì trẻ đã nóng, chưa lạnh trẻ đã lạnh”, có nghĩa là bạn nghĩ con lạnh nhưng con đang vã mồ hôi vậy. 
Tôi vẫn thường khuyên các cha mẹ phải giảm nhiệt độ phòng, mở tung cửa để phòng con ốm nhưng nhiều gia đình vẫn để trẻ trong phòng kín. Tôi nghĩ, có khi cần phải tuyên truyền chống nóng hơn là chống lạnh. 
Như vậy, chăm sóc sức khỏe cho trẻ là rất quan trọng?
Phải khẳng định rằng, chăm sóc trẻ rất quan trọng, vì khi ta chăm sóc tốt, biết nuôi con tốt thì trẻ sẽ ít ốm, chả cần tới thuốc. 
Chăm sóc trẻ đúng cách có nghĩa là: 
- Mùa lạnh thì giữ cho trẻ ấm, nhưng ấm cũng có mức độ thôi vì quá ấm lại sinh ra nóng. 
Ô nhiễm không khí trong phòng ở cũng là nguyên nhân khiến trẻ viêm đường hô hấp tái phát
- Phòng ở của trẻ ở cũng rất quan trọng. Hiện nay các phòng ở trong thành phố đa phần thiếu sự thoáng khí “Nhà thì nhà ống, phòng thì phòng hẹp, điều hòa bật suốt ngày đêm”. Như vậy  không tốt vì không khí không được luân chuyển trong nhà thì lượng vi khuẩn, virus, nấm mốc trong không khí tăng lên khiến trẻ rất dễ ốm. 
- Lượng khói trẻ hít phải cũng khiến trẻ ốm. Đừng nghĩ chỉ có khói thuốc lá, khói của bếp đun, bếp than mà còn có khói hương, khói đốt tiền vàng của mỗi gia đình. Vì vậy, cần phải chống các loại khói. 
- Chống ẩm thấp: Hiện nay nhiều nhà tường ẩm mốc, giường nằm đệm nhưng ít thay ga khi ga giường để lâu nhiều bụi bẩn, rèm cửa, giá sách lâu ngày không dọn vệ sinh cũng khiến bụi bẩn bám vào, rác lâu ngày không đổ ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của trẻ. Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp của trẻ.
Cho nên, để trẻ có sức khỏe tốt, không ốm, cha mẹ cần quan tâm đến cải thiện môi trường sống trong nhà, phòng ngừa ô nhiễm môi trường bên ngoài nhà và giảm nguy cơ nóng lạnh bất thường ở trẻ và đẩy mạnh chăm sóc về dinh dưỡng
Cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ

Phòng ở quá bức bí, không khí kém lưu thông, lại thêm khói thuốc lá, khói bếp đun, bếp than, khói hương, nấm mốc, vi khuẩn từ giường đệm, rèm cửa, giá sách lâu ngày không dọn vệ sinh khiến bụi bẩn bám vào ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp của trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

PV H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện