Miễn dịch trị liệu được đánh giá là một trong những bước tiến vĩ đại nhất của cuộc chiến chống ung thư
Làm sao để hạn chế tác dụng phụ của hóa trị ung thư?
Top 5 căn bệnh ung thư giết người nhanh nhất
Ung thư đại tràng đã "giết" Trần Lập như thế nào?
8 dấu hiệu cảnh báo ung thư vú chị em buộc phải biết
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science ngày 3/3, các chuyên gia Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Harvard (Mỹ) và Trường University College London (UCL, Anh) đã tìm ra đặc điểm nhận dạng của các tế bào ung thư. Điều đó có nghĩa là ngành y học có thể phát triển các loại thuốc điều khiển hệ miễn dịch của cơ thể người tấn công các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng hoàn toàn.
Chỉ huy tế bào miễn dịch tấn công tế bào ung thư |
Protein “bề mặt” tế bào ung thư
Trên thực tế, miễn dịch trị liệu được đánh giá là một trong những bước tiến vĩ đại nhất của cuộc chiến chống ung thư. Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, rốt cuộc các nhà khoa học đã tìm ra cách “chỉ huy” hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư.
Các hãng dược phát triển thành công một số loại thuốc giúp kích thích các tế bào miễn dịch săn lùng và tiêu diệt tế bào ung thư. Kết quả là vô cùng tích cực. Nhiều bệnh nhân tưởng chừng chỉ còn lại vài tháng ngắn ngủi đã có thể sống thêm nhiều năm.
Kết quả gây tiếng vang lớn nhất gần đây là trường hợp của cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter, bị ung thư tế bào hắc tố giai đoạn 4, đã di căn đến não nhưng vẫn khỏi bệnh nhờ miễn dịch trị liệu. Nhưng đó chưa phải là phép mầu để xóa bỏ mối đe dọa ung thư bởi nó chỉ hoạt động hiệu quả với một số loại ung thư nhất định.
Và chỉ khoảng 20% bệnh nhân mắc các loại ung thư này khỏi bệnh. Tại sao vậy? Vấn đề là các tế bào ung thư liên tục tăng trưởng và biến đổi gene. “Các tế bào ung thư không đứng yên mà thường xuyên thay đổi. Chúng là những mục tiêu di động nên rất khó bị kiểm soát và hệ miễn dịch bị rối loạn, không biết tấn công ở đâu” - BBC dẫn lời bác sỹ Marco Gerlinger thuộc Viện Nghiên cứu ung thư Anh cho biết.
Một loại thuốc chống ung thư thường chỉ tập trung vào một loại tế bào ung thư. Nhưng nếu tế bào ung thư biến đổi gen quá nhanh, thuốc sẽ trở nên vô dụng. Và kể cả khi thuốc tiêu diệt được khối u thì một số tế bào biến đổi gen có thể ẩn khuất trong cơ thể rồi quay trở lại.
Đó là lý do tại sao mà bất chấp mọi tiến bộ của ngành y học, bệnh ung thư vẫn cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới mỗi năm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Nhóm nghiên cứu của MIT, ĐH Harvard và UCL phát hiện khi khối ung thư tăng trưởng, các tế bào ung thư biến đổi gen và di căn khắp cơ thể bệnh nhân, chúng vẫn giữ lại một số biến đổi gen chung.
Các nhà khoa học tìm thấy các protein “bề mặt” trong tế bào ung thư đã biến đổi gen ngay từ đầu, và xuất hiện trong tất cả các tế bào ung thư biến đổi gen ở cơ thể bệnh nhân. Các protein này chính là “gót chân Achilles” của ung thư.
“Chúng tôi phát hiện các khối u tự gieo mầm cho sự hủy diệt của chúng. Các tế bào miễn dịch có thể nhận ra gót chân Achilles tồn tại trong mọi tế bào ung thư” - báo Anh Guardian dẫn lời giáo sư Charles Swanton thuộc UCL, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu. Trong một số trường hợp, hệ miễn dịch của cơ thể bệnh nhân đã nhận ra “dấu vết” này của tế bào ung thư nhưng quá yếu nên không thể tấn công chúng.
Hai phương án tấn công
Nhóm nghiên cứu đề xuất hai phương án trị liệu dựa trên khám phá mới này. Thứ nhất, các bác sỹ phân tích gen ở mẫu khối u để xác định tế bào ung thư có “dấu vết” như trên không. Sau đó, họ có thể tìm kiếm các tế bào miễn dịch trong khối u đã tấn công các tế bào có “dấu vết” này, nuôi cấy các tế bào miễn dịch đó trong phòng thí nghiệm và đưa lại vào cơ thể bệnh nhân.
Thứ hai, các bác sỹ có thể đưa vào cơ thể bệnh nhân chính các protein “gót chân Achilles” đó để kích thích hệ miễn dịch tổ chức một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.
Trên lý thuyết, hệ miễn dịch của cơ thể người có thể quét sạch toàn bộ mọi tế bào ung thư. Các bệnh nhân sống sót sẽ không còn phải đối mặt với nguy cơ có ngày căn bệnh khủng khiếp này quay lại đe dọa cuộc sống của họ.
“Đây là những phương thức trị liệu mang tính cá nhân hóa cao độ, mỗi bệnh nhân sẽ có một cách điều trị riêng biệt” - giáo sư Swanton nhấn mạnh. Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh, cơ quan hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu này, mô tả nó sẽ “mở đường cho một cuộc cách mạng điều trị, thậm chí tiêu diệt hoàn toàn bệnh ung thư”.
Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm liệu pháp chữa trị mới trên cơ thể bệnh nhân sau hai năm nữa. Những người được điều trị thử nghiệm đầu tiên sẽ là các bệnh nhân ung thư phổi. Các chuyên gia cũng sẽ thử nghiệm trên các bệnh nhân ung thư da, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt...
Các nhà nghiên cứu thừa nhận tất nhiên ở giai đoạn ban đầu, liệu pháp chữa trị này sẽ rất tốn kém. Các loại thuốc chữa ung thư mới hiện nay chỉ có khả năng kéo dài sự sống của bệnh nhân thêm vài tháng cũng đã có giá lên tới hàng chục nghìn USD.
Bình luận của bạn