Thêm cảm phục và kính yêu Bác Hồ qua những bộ phim điện ảnh ý nghĩa!

Bác Hồ luôn là một hình tượng kinh điển của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam

Bác Hồ tập thể dục như thế nào?

Sinh nhật Bác nói chuyện bữa ăn giản dị của Người

MV 'Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng' lay động lòng người

Gợi ý phim hay chiếu rạp cuối tuần đầu tháng 3/2016

1. Hẹn gặp lại Sài Gòn

Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên về Bác Hồ, được hoàn thành và ra mắt đúng dịp cả thế giới kỷ niệm 100 nằm ngày sinh của Hồ Chí Minh. Phim phát hành vào năm 1990 do nhà văn Sơn Tùng – người được biết tới với tác phẩm Búp sen xanh viết kịch bản, đạo diễn Long Vân thực hiện. Trong phim, nam diễn viên Tiến Hợi đã vinh dự được nhận đảm trách vai Bác Hồ.

Hẹn gặp lại Sài Gòn kể lại những năm tháng người thanh niên Nguyễn Tất Thành cùng gia đình sống và học tập ở Huế giai đoạn 1895-1909. Sau đó, với tư tưởng "muốn nên nghiệp lớn, phải ra biển cả", chàng thanh niên đầy hoài bão này đã vào Phan Thiết dạy học rồi lên Sài Gòn với hi vọng tìm đường ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã gặp gỡ và có cảm tình với Út Vân - một cô gái miền Nam xinh đẹp - do nghệ sỹ Thu Hà thủ vai, nền nã và dịu dàng. Tuy nhiên, gác lại tất cả tình cảm cá nhân, người thanh niên yêu nước đã rời bến Nhà Rồng ra đi để tìm con đường cứu dân tộc mình thoát khỏi kiếp sống lầm than. Trước khi đi, Nguyễn Tất Thành đã để lại lời hẹn ước với Út Vân, và cũng là với đất nước "Hẹn gặp lại Sài Gòn".

Vai diễn Nguyễn Tất Thành do Tiến Hợi thể hiện trong phim

Với Hẹn gặp lại Sài Gòn, phim đã kết hợp cả 2 phương diện: Hiện thực (của bối cảnh lịch sử cùng các sự kiện có thật) và Hư cấu (xây dựng hình ảnh anh thanh niên Nguyễn Tất Thành rất “đời” cùng việc xuất hiện người con gái tên Út Vân bên cạnh) để xây dựng nên hình tượng Bác Hồ vừa gần gũi nhưng vẫn chứa đầy ý chí quyết tâm cùng lý tưởng tìm đường giải phóng dân tộc. Nhờ đó, phim vẫn luôn được khán giả đón nhận và là bộ phim được các đài truyền hình chọn phát sóng mỗi khi tới dịp sinh nhật Bác Hồ.

2. Hà Nội mùa đông năm 46

Bộ phim do đạo diễn tài năng Đặng Nhật Minh đảm nhiệm đã tạo nên những thước phim điện ảnh nhiều xúc động về Bác Hồ. Với phim này, diễn viên Tiến Hợi một lần nữa được tin tưởng giao vai chính Hồ Chí Minh và đã hoàn thành xuất sắc vai diễn “nặng ký” này.

Bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 đưa người xem ngược thời gian trở lại thủ đô vào quãng thời gian vô cùng căng thẳng trước ngày toàn quốc kháng chiến, khi thế nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc này, thực dân Pháp đã lộ rõ âm mưu xâm lược Việt Nam một lẫn nữa. Giữa những thời khắc quyết định vận mệnh của cả dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách vô cùng sáng suốt. Những cuộc đấu trí giữa một bên là những người yêu nước và bên kia là những kẻ xâm lược diễn ra vô cùng gay cấn.

Poster phim Hà Nội mùa đông năm 46

Khi ra mắt vào năm 1997, bộ phim không chỉ thành công và được ca ngợi với hàng loạt giải thưởng tại nước nhà mà còn gây tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Ngoài Tiến Hợi, phim có sự góp mặt của các diễn viên quen thuộc của màn ảnh Việt thời điểm đó, như: Quách Thu Phương, Võ Hoài Nam, Mai Thu Huyền, Đức Khuê, Bá Anh, Tuấn Quang.

3. Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông

Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông được sản xuất vào năm 2003 là một trong những bộ phim có kinh phí dàn dựng rất lớn của điện ảnh Việt Nam: 15 tỷ đồng, trong đó có sự đầu tư 1/3 kinh phí từ phía Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc). Phim được coi là bản tái hiện lịch sử chân thực nhất về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.

Nội dung phim kể về vụ án ở Hồng Kông, thực dân Anh cố tình khép tội Nguyễn Ái Quốc để giao Người cho thực dân Pháp ở Đông Dương xét xử (trong khi đó vào năm 1930, Nguyễn Ái Quốc bị kết án tử hình vắng mặt). Đây là vụ án điển hình của phong trào Cộng sản quốc tế thời kì 1930-1940. Thời gian này, phong trào cách mạng non trẻ ở Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn thử thách.

Khi thực hiện bộ phim, đoàn làm phim đứng trước một thách thức cực kỳ to lớn là làm phim về Bác phải chính xác, nghiêm túc, chân thật mà vẫn thu hút người xem, nhất là thế hệ trẻ. Và Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đã làm được điều này! Với việc xác định thời điểm lịch sử làm tình huống trung tâm là phiên tòa xử Nguyễn Ái Quốc cùng cuộc giải cứu của các chiến sỹ Cộng sản, phim đã tạo được tính hấp dẫn và lôi cuốn người xem theo tình tiết diễn biến nhịp phim. Bên cạnh đó, hình tượng Người trong phim được khắc họa chân thực, sống động, lột tả được nhân cách của vị lãnh tụ vĩ đại. Nhờ đó, diễn viên Trần Lực trong vai Bác đã nhận được phản ứng tích cực từ khán giả cũng như các nhà phê bình. Phim do Nguyễn Khắc Lợi và Viên Thế Bình làm đạo diễn, cùng sự tham gia của các diễn viên trong và ngoài nước là Trần Lực, Phương Hâm Dĩnh, Hoàng Phúc, Trọng Hải…

Hình ảnh Poster phim

Với nội dung sâu sắc và dàn diễn viên xuất sắc, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đã vinh dự giành giải Cánh diều vàng đặc biệt của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2003. Bộ phim cũng được công chiếu tại nhiều địa phương trên cả nước và đến nay vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

4. Vượt qua Bến Thượng Hải

Ra mắt vào năm 2010 – năm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Vượt qua Bến Thượng Hải là bộ phim điện ảnh thứ 2 hợp tác Việt – Trung nói về Bác Hồ. Phim do do hai đạo diễn Triệu Tuấn (Việt Nam) và Phạm Đông Vũ (Trung Quốc) thực hiện cùng dàn diễn viên ở cả hai quốc gia (như Minh Hải, Mỹ Duyên, Dương Diễm Mẫn,…) được đánh giá là một bộ phim lịch sử đáng được trân trọng của điện ảnh Việt Nam nhờ sự sáng tạo về bối cảnh, góc quay cũng như thể loại và không còn đi vào lối mòn câu chuyện như những phim lịch sử trước đây.

Bộ phim lấy bối cảnh Trung Quốc vào khoảng năm 1933. Thời gian đó, Bác từ Hồng Kông tới Thượng Hải, tìm đường sang Liên Xô để né tránh sự săn lùng của mật thám Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tạm lánh trong dinh thự của ông Long - một người Hoa giàu có ở thành phố Hạ Môn.

Không đơn thuần chỉ là một bộ phim lịch sử diễn giải khô khan, Vượt qua bến Thượng Hải còn chinh phục khán giả bởi những cảnh quay đẹp mắt, màu sắc và ánh sáng trau chuốt tỉ mỉ, những pha hành động nghẹt thở đan xen các chi tiết tình cảm sâu sắc. Tuy còn nhiều hạn chế về xử lý tình tiết nhưng tính đến nay, Vượt qua Bến Thượng Hải vẫn được coi là bộ phim lịch sử có kinh phí lớn nhất (gần 16 tỷ đồng) nói về một giai đoạn trong hành trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Poster phim hợp tác Việt - Trung Vượt qua Bến Thượng Hải

Nhân Mã H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa