Cứ 10 phụ nữ có 1 người bị ung thư vú

Ung thư vú được phát hiện sớm có khả năng chữa khỏi là 90% (Ảnh minh họa)

Sạch răng, ngăn...ung thư vú!

Ăn nhiều thịt đỏ dễ bị ung thư vú?

Lấy tay sờ vú - Phát hiện sớm ung thư

Tỷ lệ tử vong cao khi “mày râu” bị ung thư vú

Phát hiện sớm, điều trị nhanh

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.000 ca mắc ung thư vú và hàng nghìn người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư vú đang đứng thứ 2 trong số các dạng ung thư thường mắc ở phụ nữ tại nước ta. Đa phần người bệnh đến viện khi bệnh đã nặng khiến hiệu quả điều trị thấp.

PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “Ung thư vú phát hiện càng sớm, tỷ lệ sống thêm càng lâu. Hiện, phương pháp điều trị chủ yếu là xạ trị, phẫu thuật, hóa trị, nội tiết. Việc áp dụng theo phương pháp điều trị nào còn phụ thuộc vào mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe của từng người. Và muốn điều trị thành công bệnh ung thư vú cần phát hiện sớm, điều trị đúng và đủ liệu trình”.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng, bệnh ung thư vú có tỷ lệ di truyền khoảng 10%, do đó, nếu chị em nào có mẹ và chị em gái bị ung thư vú có nguy cơ cao từ 4 – 6 lần sao với người bình thường. Ngoài ra, tuổi tác cũng liên quan mật thiết với bệnh ung thư vú, người tuổi cao nguy cơ ung thư vú càng tăng. Những người có kinh nguyệt quá sớm hoặc quá muộn cũng có nguy cơ bị ung thư vú.

Chính vì vậy, chị em cần hình thành thói quen đi khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm. Các bác sỹ có thể tiến hành khám, chụp tuyến vú, tế bào để xem khối u như thế nào. Nếu lành tính có thể điều trị bằng thuốc, một số trường hợp thì cần phẫu thuật để giúp giảm đau. Sau khi cắt bỏ tuyến vú, các bác sỹ có thể tạo hình cho chị em cảm thấy tự tin hơn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa bệnh ung thư vú 

Phòng bệnh không khó

Theo ThS.BS Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia: “Chị em có thể phòng ngừa ung thư vú qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và tự khám. Có nhiều loại thực phẩm gây ung thư, ngược lại cũng có loại thực phẩm có chất chống ung thư. Vitamin A, C có tác dụng ức chế các chất gây ung thư. Vitamin E, kẽm, selen chống oxy hóa các gốc tự do giúp ngăn ngừa, chống lại ung thư, tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy, chị em cần tăng cường ăn các loại rau quả có chứa các vitamin và khoáng chất trên để phòng ngừa bệnh tật”.

Đối với những người đã bị bệnh cần điều trị theo đúng lộ trình của bác sỹ chuyên khoa. Việc ăn uống không giúp chữa bệnh nhưng làm tăng cường sức khỏe để bệnh thuyên giảm. Ăn uống đủ chất sẽ làm vết thương mau lành, nhất là những người mới trải qua phẫu thuật. “Nhiều người quan niệm ung thư cần kiêng, thậm chí nhịn ăn là hoàn toàn sai lầm. Cơ thể cần cung cấp dinh dưỡng để khỏe mạnh và chống lại bệnh tật nhất là khi bạn đang phải đương đầu với căn bệnh ung thư. Bạn cần phải ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa.... Người bệnh ung thư cần ăn tăng các loại rau củ quả, cung cấp đầy đủ khoáng chất giúp tăng sức đề kháng sẽ hỗ trợ tốt hơn trong quá trình điều trị bệnh. Việc điều trị ung thư vú có thể kết hợp Đông y và Tây y, tuy nhiên cần được sự tư vấn của bác sỹ. Đối với những bệnh nhân ung thư việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung thêm vitamin và khoáng chất là hoàn toàn có thể nếu việc bổ sung dinh dưỡng hàng ngày gặp khó khăn. Ngoài ra, việc các bà mẹ cho con bú cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư vú”, bác sỹ Hải cho biết.

Bên cạnh đó, người bị ung thư vú cũng cần hạn chế tối đa việc dùng mỡ động vật, dầu ngô, dầu dừa, dầu hướng dương, bơ động vật và thực vật. Nếu có uống sữa thì chỉ nên uống loại sữa đã tách bơ (sữa gầy). Hạn chế ăn thịt, nhất là thịt đỏ (thịt trâu, bò, ngựa…). Không dùng đồ hộp và các cách chế biến như nướng, hun khói, không tẩm đường vào thịt khi chế biến vì những thực phẩm và cách chế biến này có thể sẽ có hoặc sinh ra nhiều chất gây ung thư. Người mắc bệnh ung thư vú cũng không nên ăn thịt gia súc, gia cầm nuôi công nghiệp vì thức ăn của các loại động vật này có thể chứa hormone và hoá chất kích thích tăng trưởng, làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú:
- Núm vú bị đau, loét hoặc có nước, dịch chảy ra
- Xuất hiện bướu, khối u ở vú, ở vùng nách và khối u này thường không đau
- Vóc dáng vú thay đổi, núm vú lõm vào bên trong, da nhăn và sần
- Đầu vú co rút, dạng vảy hoặc xung quanh đầu vú đột biến như chàm, lâu ngày không lành.
Linh Ly (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư