Hen phế quản chưa có biện pháp chữa khỏi được hoàn toàn nhưng người bệnh vẫn có thể kiểm soát được bệnh
Dị ứng gây hen
Cô N.T.Tuyên (Hà Đông, Hà Nội) thường bị những cơn ho, khò khè, khó thở tái phát nhiều lần. “Là một giáo viên nên tôi phải nói nhiều để giảng bài cho các em học sinh.Nhưng mỗi khi bệnh tái phát thường làm tôi ho nhiều, khó thở, tức ngực, gây ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng. Nhất là những hôm thay đổi thời tiết, trời trở lạnh hoặc gió to làm phấn viết bảng bay nhiều và làm bệnh của tôi tái phát. Vì vậy, tôi thường phải mang thuốc theo bên người để đề phòng những lúc bệnh tái phát đột suất. Nhiều khi quên thuốc điều trị và phải nhờ đồng nghiệp dạy thay rất bất tiện”, cô Tuyên chia sẻ.
Theo ThS.BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn, Bệnh viện Phổi Trung ương: “Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở, với sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần. Các triệu chứng thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.”
Mỗi năm, thế giới có khoảng 250.000 trường hợp tử vong do hen, điều quan trọng là hơn 85% những trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. |
Giống như dị ứng, hen là tình trạng phản ứng của cơ thể với các dị nguyên có trong môi trường sống của con người như khói bụi, nấm mốc, lông động vật, các loại hóa chất, phấn hoa... Ngoài ra, hen phế quản còn do nhiễm khuẩn, virus đường hô hấp và liên quan đến vấn đề giới tính. Người bị hen phế quản thường có cơn hen kịch phát (cơn khó thở cấp tính) xảy ra khi tiếp xúc với các dị nguyên, thay đổi thời tiết, khi tiếp xúc với hương khói các loại (đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào) và những thay đổi cảm xúc mạnh...
Nhận biết sớm không khó
Phát hiện sớm để điều trị bệnh hiệu quả
Theo BS. Thành, cơn hen cấp thường có các đặc điểm như: Cơn khó thở đột ngột, khò khè, thở rít, tăng dần. Người bệnh có thể có các dấu hiệu báo trước như ngứa mũi, hắt hơi, ngứa mắt, ho khan và cơn hen sẽ giảm hoặc hết sau khi được dùng các thuốc giãn phế quản. Cũng có nhiều trường hợp, hen không có dấu hiệu điển hình như vậy, nhưng cần nghĩ đến hen khi có một trong các biểu hiện: Có những cơn khò khè tái phát nhiều lần, nhất là về ban đêm; Ho, khò khè, khó thở, nặng ngực khi gắng sức hoặc khi tiếp xúc với một số dị nguyên hay khói ô nhiễm; Có triệu chứng “cảm cúm” kéo dài hơn 10 ngày; Các triệu chứng của bệnh có cải thiện khi điều trị bằng thuốc hen...
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn: “Để có thể xác định chính xác bệnh hen cần khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình; Khám lâm sàng nghe được có tiếng ran rít và ran ngáy; Dùng phương pháp điều trị thử như dùng thuốc giãn phế quản có hiệu quả; Làm chức năng hô hấp, test hồi phục để không nhầm lẫn với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...”.
Mặc dù bệnh hen phế quản chưa có biện pháp chữa khỏi được hoàn toàn nhưng người bệnh vẫn có thể kiểm soát được bệnh, tức là người bệnh không có hoặc có rất ít các triệu chứng của hen, không phải dùng thuốc cắt cơn hen, hoạt động thể lực bình thường với chức năng phổi hoàn toàn bình thường. Để làm được điều đó, người bệnh cần tránh các yếu tố làm khởi phát cơn hen như khói bụi, nấm mốc, phấn hoa, mùi hóa chất, thay đổi thời tiết... Ngoài ra, người bị hen phế quản có thể điều trị dự phòng hen bằng các loại thuốc điều trị hen dạng hít, khí dung, uống hoặc tiêm như: Các loại corticoid hạng hít, thuốc biến đổi leucotriene, thuốc chủ vật beta2 tác dụng kéo dài hạng hít... Trong đó, corticoid dạng hít đang là thuốc dự phòng hen có hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này kéo dài có thể gây ra những tác dụng phụ cho người bệnh như gây nấm miệng và hầu họng, khàn tiếng hoặc kích thích ho. Để hạn chế, người bệnh cần xúc họng sạch sau mỗi lần dùng thuốc. Các tác dụng phụ toàn thân của corticoid như bầm da, ức chế tuyến thượng thận, loãng xương có thể gặp với liều cao...
Ngoài dùng thuốc, người bị hen phế quản có thể dùng thêm các loại thảo dược hoặc sản phẩm từ thảo dược để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh.Các bài tập vận động vừa sức, liệu pháp tâm lý, kỹ thuật thở cũng góp phần cải thiện triệu chứng của bệnh và giúp giảm nhu cầu dùng thuốc cắt cơn.
(PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai)
Bình luận của bạn