Quy hoạch mạng lưới y tế quốc gia phải tạo đột phá về cơ chế, chính sách

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo cuộc họp - Ảnh: VGP

Làm thế nào A.I giúp ngành y tế đạt tới chăm sóc sức khỏe toàn cầu?

Dòng chảy Sức khỏe+: Tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu ngành Y tế

Nhiều văn bản pháp luật sẽ được sửa đổi để tháo gỡ khó khăn ngành y tế

Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng về chế độ chính sách với cán bộ y tế

Tại cuộc họp diễn ra ngày 28/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan trong quá trình lập Quy hoạch Mạng lưới Cơ sở Y tế Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, đây là nhiệm vụ khó, vừa phải nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân, vừa thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng đại dịch COVID-19 làm bộc lộ không ít bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trước đây, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y học cổ truyền, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu…

Tại cuộc họp, nêu những bất cập lớn trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch cho biết, khả năng tiếp cận tới bệnh viện Trung ương ở một số vùng kinh tế - xã hội rất thấp. Điển hình, vùng Tây Nguyên không có bệnh viện Trung ương, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 địa phương nhưng chỉ có một bệnh viện Trung ương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế - Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế - Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng lưu ý, không cào bằng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý tự nhiên của từng vùng, từng địa phương. “Có những địa phương, người dân phải đi một ngày mới đến trạm y tế xã, tuyến huyện, thậm chí tuyến xã, phải có bác sĩ, không chỉ điều trị ban đầu mà còn phân loại, chuyển tuyến. Tại những thành phố lớn, vùng có giao thông thuận lợi, mạng lưới y tế cơ sở lại có hình thức tổ chức khác,” Phó Thủ tướng nêu.

Nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của khu vực y tế ngoài công lập, Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch phải tạo đột phá về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những cản trở hiện nay, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa y tế, nhất là tại khu vực có trình độ phát triển, người dân có nhu cầu cao và khả năng chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa; Bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương) và vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (có mật độ dân số cao); 20 bệnh viện chuyên khoa.

5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài khám chữa bệnh; Thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Khu vực y tế ngoài công lập định hướng phát triển là tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân; Mở rộng quy mô giường bệnh của bệnh viện tư nhân đạt 10, 15 và 25% tổng số giường bệnh trên cả nước lần lượt vào các năm 2025, 2030 và 2050.

Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, Quy hoạch đưa ra phương án đầu tư, hiện đại hóa một Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Trung ương, ba CDC vùng, nhằm khắc phục tình trạng thiếu đơn vị điều phối cấp quốc gia để kết nối giữa các CDC tỉnh, thành phố và mạng lưới CDC quốc tế; Nâng cao năng lực CDC các địa phương…

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn