Rối loạn mỡ máu: ít triệu chứng, nhiều bệnh

Rối loạn mỡ máu

Cầm phiếu trả kết quả xét nghiệm trên tay, bệnh nhân N.T.H (ngụ quận 7, TPHCM) không khỏi băn khoăn vì thấy trị số lượng mỡ trong máu quá cao. Riêng trị số Cholesterol toàn phần đã thấy “choáng” khi lên tới 8.24mmol/L, trong khi ở mức độ bình thường là 3.40 - 5.40 mmol/L. “Chắc tại mình hơi mập nên mỡ nhiều nhưng thật sự thấy trong người cũng không được khỏe lắm”, anh H. tâm sự sau khi rời phòng khám Bệnh viện ((BV) Nguyễn Tri Phương.


Siêu âm tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Theo bác sĩ điều trị, với trị số Cholesterol toàn phần cao quá mức là biểu hiện bất thường cho sức khỏe. Bác sĩ Lê Đức Định Miên, BV Nguyễn Tri Phương, cho biết đa phần người bệnh thừa cân, béo phì cho kết quả xét nghiệm máu đều có mức Cholesterol cao hơn bình thường. Nhưng nhiều người có cân nặng bình thường, thậm chí dưới chuẩn vẫn có thể bị mỡ trong máu cao. Điều này cho thấy bệnh nhân có thể bị rối loạn mỡ máu. Theo các chuyên gia y tế, mỡ máu (lipid máu) là thành phần chất béo lưu thông trong máu, có vai trò cung cấp và dự trữ năng lượng cho cơ thể, tham gia cấu tạo tế bào và các tổ chức, đặc biệt là cấu tạo màng tế bào, màng nhân, màng ty thể… Trong khi, Cholesterol là thành phần quan trọng tham gia cấu tạo tế bào, đóng vai trò trung tâm trong nhiều quá trình sinh hóa. Cơ thể cần Cholesterol để sản xuất các hormone (đặc biệt các hormone tuyến thượng thận, sinh dục) và vitamin. Cholesterol cần thiết cho các hoạt động của não, hệ miễn dịch, đảm bảo chức năng sống còn và duy trì nòi giống. Có đến 80% lượng Cholesterol được cơ thể tự tổng hợp (đường nội sinh), còn lại 20% hấp thu từ thức ăn (đường ngoại sinh). “Cơ thể luôn cần Cholesterol nhưng thiếu hụt hay dư thừa đều gây nên những nguy hại cho sức khỏe”, BS Miên nhìn nhận.

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, rối loạn mỡ máu gây ra nhiều bệnh nguy hiểm nhưng ít có triệu chứng rõ ràng, không có biểu hiện cụ thể. “Đa phần bệnh nhân không có biểu hiện gì, trừ khi bệnh nhân có các biến chứng như tai biến mạch máu não, hoặc có mảng xơ vữa của mạch máu. Bệnh đặc biệt gia tăng với tuổi cao, tuổi càng cao tỷ lệ rối loạn chuyển hóa mỡ máu càng cao”, BS Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị đột quỵ - mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết. Thông thường bệnh rối loạn mỡ máu là mối lo ngại của những người có tình trạng cân nặng dư thừa, nhưng thực tế nhiều người cân nặng bình thường vẫn có nguy cơ bị tăng mỡ máu. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoảng 26% người Việt Nam ở lứa tuổi 25 - 74 bị rối loạn mỡ máu. Tại các thành phố lớn có tỷ lệ mỡ máu cao lên tới 44% - 45% như ở TPHCM, Hà Nội.

GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, đánh giá trung bình cứ 2 người ở thành thị có 1 người thừa Cholesterol, cứ 3 người cao tuổi lại có 2 người thừa Cholesterol. Đây là tỷ lệ đáng lo ngại bởi tình trạng Cholesterol máu cao có thể dẫn đến rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là tim mạch.

Nguy cơ đủ thứ bệnh

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân rối loạn mỡ máu về nguyên phát là do yếu tố di truyền nhưng tỷ lệ không cao. Trong khi nguyên nhân thứ phát do chế độ ăn uống, sinh hoạt, công việc căng thẳng, sử dụng thuốc và biến chứng của một số bệnh lại chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt từ sau tuổi 30, chức năng của các tế bào nói chung bị suy giảm, chuyển hóa cơ bản giảm làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Còn các chuyên gia tim mạch cho rằng, nếu như trước đây người ta chỉ đề cập đến rối loạn mỡ máu ở tuổi từ 60 trở lên thì hiện nay ngay từ tuổi trên 20 đã có nhiều người mắc bệnh. Hậu quả trực tiếp của rối loạn mỡ máu làm biến chứng mạch máu, gây xơ vữa động mạch dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, rối loạn mỡ máu còn liên quan đến nhiều rối loạn chuyển hóa khác.

Tăng Chlolesterol trong máu là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa và dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim. Theo GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, các nghiên cứu nhận thấy người có lượng Cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 - 3 lần so với người bình thường. Tăng Cholesterol trong máu cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh cao huyết áp, đột quỵ, gan nhiễm mỡ, sỏi mật, tiểu đường, béo phì. Về mặt dinh dưỡng, các chuyên gia y tế nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tăng mỡ máu là do ăn uống quá nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo và Cholesterol như thịt heo, thịt bò, sữa nguyên kem, bơ, phomát, trứng, phủ tạng động vật. Ngoài ra, việc không tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, hút thuốc, tuổi tác, di truyền, thừa cân cũng là những yếu tố nguy cơ.

Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, điều hòa Cholesterol, kiểm soát mỡ máu là vấn đề cần quan tâm nhằm ngăn ngừa tình trạng rối loạn mỡ máu, giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm do rối loạn mỡ máu gây ra. Người bệnh rối loạn mỡ máu cần thay đổi chế độ ăn và lối sống. Chế độ ăn giảm đạm, hạn chế ăn nội tạng động vật, hạn chế ăn chất béo có nguồn gốc từ động vật hoặc các dầu có axit béo no bão hòa. Bên cạnh đó, cần duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, hoạt động thể lực đúng cách giúp cải thiện mỡ máu. Nếu có chỉ định điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên toàn thế giới. Mỗi 2 giây có 1 người chết, 5 giây có 1 người bị nhồi máu cơ tim, 6 giây có 1 trường hợp đột quỵ. Theo dự đoán của Hội Tim mạch thế giới, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 20% dân số mắc căn bệnh này. Còn theo điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở nước ta đã là 25,1%.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già