Nguy hiểm mang tên: Sinh non và già tháng!

Trẻ sinh non hay già tháng đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe

Lưu ý dinh dưỡng khi chăm sóc trẻ sinh non

Chăm sóc trẻ sinh non như thế nào?

Phát hiện hormone có thể bảo vệ não bộ trẻ sinh non

Chăm sóc trẻ sinh non theo phương pháp kangaroo

70% trẻ sinh non có nguy cơ hen suyễn

Trẻ non tháng – dễ mắc nhiều bệnh

Theo bác sỹ Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Hậu sản M, BV Từ Dũ TP.HCM: "Trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ hết 22 đến 36 tuần 6 ngày được xem là sinh non. Các mức độ sinh non được phân loại như sau: sinh non muộn (34 - 36 tuần 6 ngày), sinh rất non (28 - 33 tuần 6 ngày) và sinh cực non (trẻ sinh ra ở tuổi thai nhỏ hơn 28 tuần). Trẻ sinh ra khi tuổi thai càng non thì nguy cơ càng cao. Những trẻ sinh ra ở tuổi thai dưới 28 tuần dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm". 

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cứ trung bình 10 trẻ ra đời, có một trẻ bị sinh non. Trên thế giới có ngày Thế giới vì trẻ sinh non (17/11) nhằm kêu gọi sự nhận thức và quan tâm giúp đỡ của cộng đồng

Vấn đề gặp phải đầu tiên ở trẻ sinh non là rối loạn hô hấp. Trẻ dễ bị tím tái, thở gắng sức. Nguyên nhân gây rối loạn hô hấp ở trẻ thường do bệnh màng trong, thiếu hụt chất surfactant  (chất có chức năng giữ phế quản phổi không bị xẹp khi thở ra) nên các phế nang không giãn nở tốt để trao đổi khí.

Ngoài ra, trẻ sinh non thường bị ngạt trong giai đoạn sơ sinh (khoảng 4 tuần sau khi chào đời). Ngạt có thể khiến bé tử vong nếu không được bác sỹ chẩn đoán trước tình hình và xử trí kịp thời.

Tiếp đến, các bé sinh non rất dễ bị  vàng da - nhiễm trùng: Vàng da rất dễ xảy ra ở trẻ sinh non, bệnh rất nguy hiểm, diễn tiến nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm độc thần kinh khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời. Bệnh do gan của trẻ sinh non chưa phát triển đủ để thực hiện chức năng chuyển hóa. Mặt khác, do trẻ sinh non vốn có sức đề kháng yếu nên cũng dễ bị nhiễm trùng.Tình trạng nhiễm trùng dễ xảy ra do chức năng miễn dịch của trẻ kém. Các bệnh nhiễm trùng hay gặp là viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, đặc biệt là viêm ruột hoại tử. Khi bị nhiễm trùng, những triệu chứng lâm sàng của trẻ thường không đặc hiệu, khó chẩn đoán, nguy cơ tử vong cao.

Trẻ sinh non đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật

Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh non tháng, do sự thiếu hụt các yếu tố đông máu nên dễ bị xuất huyết dạ dày, phổi, đường tiết niệu. Trường hợp nặng, bệnh nhi có thể bị xuất huyết não, khiến trẻ co giật, hôn mê và tử vong. Một bệnh lý thường gặp khác ở trẻ sinh non là rối loạn chuyển hóa gây hạ đường, hạ calci máu. Hạ cacli máu thể sớm xuất hiện trong vòng ba ngày đầu sau sinh. Hạ cacli máu thể muộn xuất hiện sau một tuần và thường có liên quan đến các tình trạng làm tăng phosphate máu như suy cận giáp, mẹ sử dụng các thuốc chống co giật và thiếu vitamin D. Một nguy cơ vô cùng nguy hiểm khác dễ xảy ra ở trẻ sinh non là xơ hóa võng mạc, dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác, khiến trẻ bị mù lòa

Trẻ sinh già tháng, nguy cơ tử vong cao

Trẻ sinh già tháng cũng gặp nhiều nguy hiểm không kém với trẻ sinh non. Trẻ sinh già tháng có tỷ lệ tử vong chu sinh tăng từ 2 - 4 lần so với trẻ sinh đủ tháng. Tỷ lệ tử vong của thai nhi tăng dần so với thời gian già tháng. Tỷ lệ tử vong cao gấp 2 lần khi thai trên 43 tuần và gấp 3 lần khi thai trên 44 tuần.

Ở thai già tháng, cơ thể đào thải chất bã giảm, máu bị cô đặc do mất nước, rối loạn điện giải, hồng cầu và huyết sắc tố tăng. Không chỉ thế, việc trao đổi khí giảm còn khiến cho máu trẻ có độ bão hòa oxy kém, chỉ từ 30 - 50% (bình thường phải trên 60%). Trẻ sinh già tháng có thể dễ bị các biến chứng: Ngạt nặng, nhiễm trùng ối, viêm phổi, xuất huyết phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi. Trẻ sinh già tháng có thể dễ bị hạ đường huyết.

Trẻ già tháng có thể bị suy hô hô hấp 

Nguy hiểm nhất ở thai già tháng là biến chứng trẻ hít nước ối có lẫn phân su gây ngạt, suy hô hấp. Ở thể nhẹ và thể trung bình, trẻ vẫn có thể phát triển bình thường nhưng chúng có tỷ lệ bị viêm đường hô hấp trên tăng gấp 2 – 3 lần so với trẻ đủ tháng. Ở thể nặng (độ III), tỷ lệ biến chứng và tử vong cao hơn nhiều, đặc biệt là đối với những thai già tháng cân nặng dưới 2.500g.

Hạn chế nguy cơ sinh non và già tháng

Hiện tại, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được nguyên nhân chắc chắn  gây nên hiện tượng sinh non mà người ta mới chỉ đưa ra một số nguyên nhân có thể gây nên hiện tượng này như: đa thai, võ ối non, nhiễm trùng màng ối, tử cung kém phát triển, u xơ tử cung, bà mẹ làm trong môi trường độc hại, dinh dưỡng kém…, tuy nhiên, bà bầu hoàn toàn có thể giảm thiểu được rủi ro.

Cũng tương tự với tình trạng sinh non, y học hiện nay vẫn chưa biết rõ về nguyên nhân gây ra tình trạng sinh già tháng. Một số trường hợp bị quá ngày là do dây rốn ngắn, ngôi thai không đúng trục, (thai cao, ngược hoặc ngang) khiến sản phụ không được kích thích chuyển dạ.

Thai phụ nên khám thai định kỳ để biết được sự phát triển của thai nhi

Để tránh nguy cơ sinh non và già tháng, các bà mẹ nên chuẩn bị tốt về sức khỏe trước khi mang thai. Thai phụ cần khám thai định kỳ đều đặn, dinh dưỡng tốt, cố gắng tránh những nguy cơ cảm lạnh, nhiễm trùng, té ngã, giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh tiếp xúc hoặc sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá..., tránh mang vác nặng. Nếu thấy các dấu hiệu sinh non: Nặng bụng, đau bụng từng cơn, đau vùng lưng dưới âm ỉ liên tục, ra huyết hồng âm đạo, ra nước hoặc máu âm đạo, thai phụ cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa sản để được xử trí kịp thời.

Để tránh trường hợp sinh già tháng, ngay khi có dấu hiệu mang thai, thai phụ nên đi khám thai để xác định tuổi thai. Siêu âm thai 6 tuần thì sai số chỉ là 1 – 2 ngày, nhưng nếu để 3 tháng cuối mới siêu âm thì sai số tăng lên 10 – 14 ngày. Khi thai phụ đã mang thai quá 41 tuần tuổi mà chưa sinh thì nên đến bệnh viện để kiểm tra, các bác sỹ sẽ chẩn đoán, nếu thấy thai nhi có biểu hiện suy hô hấp các bác sỹ sẽ phải mổ để lấy thai.

Theo nghiên cứu của ĐH Michigan (MSU): Trẻ sinh quá sớm hoặc quá muộn có tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ cao. TS. Tammy Movsas - Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Mặc dù khoa học chưa hiểu cặn kẽ nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này nhưng những đứa trẻ ra đời quá sớm (trước tuần thứ 37) hoặc quá muộn (sau tuần 42) có rủi ro mắc bệnh tự kỷ hay bệnh rối loạn dải tự kỷ (ASD) và hội chứng Asperger (giống như tự kỷ) cao hơn so với nhóm trẻ sinh đủ tháng.
Gia Hân H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ