Số ca mắc COVID-19 mới, ca nặng có xu hướng giảm

Cập nhật bản tin COVID-19 tính đến 9h sáng ngày 21/3

Củng cố "lá chắn" vaccine, bảo đảm thuốc điều trị COVID-19

1 năm xây dựng “lá chắn” trước đại dịch COVID-19

Tương lai sau đại dịch COVID-19: Nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe tăng cao

Nơi giành giật sự sống cho cả mẹ và con trong đại dịch COVID-19

Ngày 20/3, Bộ Y tế ghi nhận 141.151 ca nhiễm mới (giảm 9.457 ca so với ngày trước đó). Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 25.056 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Số ca mắc mới đang có chiều hướng giảm dần trong 5 ngày gần đây.

Về tình hình điều trị, tính đến ngày 20/3, nước ta đã điều trị khỏi cho hơn 4,1 triệu bệnh nhân COVID-19. Trong số các ca còn lại đang điều trị có hơn 3.900 trường hợp nặng.

Theo báo cáo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế, tính đến ngày 19/3 cả nước có 4.370 xã phường (chiếm 41,2% tổng xã phường được đánh giá) là vùng xanh (nguy cơ thấp); 2.607 xã phường (24,6%) là vùng vàng (nguy cơ trung bình); 3.229 xã phường (30,5%) là vùng cam, nguy cơ cao. Số còn lại 379 xã phường là vùng đỏ, nguy cơ rất cao. So với lần đánh giá gần đây, số vùng đỏ đã giảm, nhiều địa phương vừa được giảm cấp độ dịch đã cho phép dạy học trực tiếp, khu vui chơi tập trung đông người... trở lại.

Trẻ em mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã sẵn sàng 40 giường bệnh để tiếp nhận, chữa trị trẻ em mắc COVID-19. Trước đó, 3 bệnh viện nhi gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng thành phố, mỗi bệnh viện chuẩn bị 300 giường dành cho trẻ em mắc COVID-19, trong đó có 50 giường hồi sức.

Hai bệnh nhân cuối cùng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đóng trên địa bàn TP. Thủ Đức đã được xuất viện. Sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chính thức ngừng nhận bệnh nhân từ ngày 18/3. Bệnh viện đã kết thúc sứ mệnh lịch sử trong cuộc chiến chống đại dịch, chuẩn bị bàn giao lại các trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục hồi công năng điều trị ung bướu.

Từ hôm nay (21/3), một số địa phương đã thông báo cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Cụ thể,

- Tại Bắc Ninh, Sở GD&ĐT tỉnh yêu cầu các trường lên phương án dạy học trực tiếp từ ngày 21/3 với cấp tiểu học, THCS. Trường tổ chức dạy học một ca vào buổi sáng.

- Học sinh tất cả các cấp thuộc các cơ sở giáo dục công lập, tư thục tại Hà Giang cũng đến trường từ hôm nay.

- Tại Đắk Lắk, nhằm chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng cho học sinh cuối cấp tham gia các kỳ thi tuyển sinh, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên toàn tỉnh sẽ đi học trực tiếp tại trường từ ngày 21/3.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp tục cảnh báo về hành vi giả mạo, ngang nhiên sao chép và đăng tải các nội dung từ fanpage chính thức của bệnh viện... Hành vi giả mạo, mượn danh bệnh viện lừa bệnh nhân có thể gây ra những rủi ro và thiệt hại về kinh tế, thậm chí tính mạng cho người sử dụng dịch vụ. Để tránh tình trạng giả mạo này tiếp diễn, bệnh viện khuyến cáo người dân cần lưu ý: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ có một cơ sở khám chữa bệnh duy nhất tại Số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Bệnh viện không cung cấp, tổ chức kinh doanh bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào bằng hình thức trực tuyến (online), cũng như không cung cấp thuốc tại các cơ sở ngoài địa chỉ Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Fanpage "Bệnh viện Trung ương Quân đội 108" đã có dấu tích xanh xác nhận của Facebook (nằm bên phải tên của Fanpage), vì vậy bệnh nhân lưu ý dấu hiệu này khi thực hiện giao dịch trực tuyến.

Bệnh viện K Trung ương vừa phẫu thuận tạo hình cho bệnh nhi 2 tháng tuổi tại Thanh Hóa bị nevus ( hay nơ vi) hắc tố bẩm sinh khổng lồ vùng lưng, gáy. Bệnh nhi có khối màu đen sẫm vùng gáy, lưng, kích thước 20x15cm, nổi gồ trên bề mặt da, tổn thương xơ chai, cứng chắc. Vùng gáy có nhiều điểm loét chảy máu. Sau khi hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sỹ đã thống nhất phương án phẫu thuật cắt thu dần khối nơ vi. Dự kiến bệnh nhi cần thực hiện 2-3 lần phẫu thuật để có thể lấy hết được nơ vi. Hiện bệnh nhi ăn uống tốt, chơi ngoan, vết mổ liền tốt, khối nơ vi đã được cắt bỏ một nửa. Dự kiến 6 tháng tới, bác sỹ sẽ phẫu thuật lần 2 cho bé để cắt phần tổn thương còn lại. Bớt nơ vi hắc tố bẩm sinh là khá phổ biến với khoảng 1% trẻ sơ sinh, tuy nhiên nơ vi hắc tố bẩm sinh khổng lồ lại khá hiếm gặp với tỷ lệ 1/500.000.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn