Bé bị sặc cháo cần phải làm gì?

Vừa rồi đọc báo em thấy có em bé 12 tháng tuổi bị tử vong do sặc cháo. Con em cũng đang trong giai đoạn ăn dặm nên em rất hoang mang. Vì vậy, hôm nay em xin gửi 3 câu hỏi nhờ bác sỹ tư vấn giúp:

1. Những điều cần lưu ý khi cho trẻ ăn bột (cháo) để tránh sặc?
2. Khi trẻ bị sặc thức ăn thì những việc cần làm ngay lập tức là gì?
3. Khi nào phải đưa trẻ nhập viện khẩn cấp?
Em xin chân thành cảm ơn bác sỹ và kính chúc bác sỹ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và công tác tốt.

(Hoàng Anh - Hà Nội)

Chào Hoàng Anh,

Rất cảm ơn em đã có một câu hỏi hay và bổ ích. Đây là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ mà cũng là nỗi lo chung của các y bác sỹ.

Sặc sữa khi bú hay sặc cháo, bột, cơm… (sau đây gọi chung là sặc sữa) là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhũ nhi và sơ sinh khi trẻ bú mà đặc biệt là trẻ bú bình.

Nguyên nhân thường gặp là do mẹ hoặc người giữ trẻ cho trẻ bú - ăn không đúng tư thế, do lượng sữa trong bình xuống nhiều vì núm vú cao su có lỗ thông quá rộng hoặc do ép trẻ bú - ăn khi trẻ đang khóc.

Khi trẻ bị sặc sữa, một lượng sữa lọt vào đường thở (vào khí quản) có thể vào đến tận phế nang làm tắc đường thở gây khó thở, tím tái hoặc ngạt thở. Nếu không được sơ cứu kịp thời trẻ bị ngạt có thể chết trong vài phút.

Những dấu hiệu nhận biết khi trẻ sặc sữa: trẻ đang bú đột ngột ho sặc sụa, khó thở tím tái, hai mắt trợn ngược không khóc được. Khi thấy có dấu hiệu này, cần nghĩ ngay đến bé bị sặc sữa và sơ cấp cứa kịp thời.


Không được ép bé ăn khi bé đang khóc.

Để tránh sặc sữa các bậc cha mẹ và cô nuôi dạy trẻ, người giúp việc trông trẻ cần lưu ý những điều sau:

- Đầu vú bình sữa không nên đục quá rộng

- Tuyệt đối không nên ép trẻ ăn hoặc bú khi trẻ đang khóc

- Không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ

- Không nên trò chuyện với trẻ khi đang bú

- Mẹ không nên nằm cho trẻ bú, nếu sữa mẹ xuống quá nhiều mà trẻ chưa nuốt kịp, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt bầu vú lại, giảm giảm lượng sữa xuống.

- Sau bú, cần vỗ nhẹ lưng trẻ để trẻ ợ hơi, giảm ọc sữa

- Khi trẻ đang nằm ngữa mà ọc sữa mẹ cần nhanh chóng nghiêng trẻ sang một bên, để trẻ không phải hít sữa hoặc thức ăn vào đường hô hấp hơn là mẹ loay hoay tìm khăn lau cho trẻ. Vì thế tốt nhất là sau bú nên cho trẻ nằm đầu cao và nghiêng sang một bên.

Khi trẻ bị sặc, sữa hoặc thức ăn sẽ làm tắc đường hô hấp gây cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, do đó trẻ tử vong vì thiếu oxy. Có 2 trường hợp xử trí sặc sữa cho trẻ dưới 2 tuổi:

* Khi trẻ bị sặc sữa nhưng trẻ còn hồng hào, khóc được cố gắng giữa trẻ yên nên đặt ở tư thế ngồi thở. Nếu bé nhỏ, mẹ bồng giữ yên trẻ, không can thiệp và đưa trẻ đến bệnh viện.

* Nếu trẻ tím tái kéo dài, không khóc hoặc có thể ngưng thở cần nhanh chóng gọi cấp cứu và trong khi chờ cấp cứu tiến hành nhanh thủ thuật "vỗ lưng ấn ngực": Đặt trẻ nằm sấp, đầu chúc xuống trên thân và cẳng tay trái kết hợp giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái, dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào khoảng giữa 2 bả vai trên lưng trẻ.


Xử lý khi bé bị sặc cháo

Nếu trẻ vẫn còn khó thở, lật ngửa trẻ sang tay phải hoặc cho trẻ nằm trên một mặt phẳng cứng dùng 2 ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức hoặc dưới đường nối 2 đầu vú 1 khoát ngón tay liên tục 5 cái.

Nếu còn khó thở, tiếp tục vỗ lưng và ấn ngực như trên cho tới khi trẻ bớt hoặc hết khó thở. Sau khi trẻ hết khó thở cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục điều trị.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ