Đường và chất tạo ngọt là nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ?

Dậy thì sớm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, một số loại ung thư và đái tháo đường type 2 trong tương lai ở trẻ.

Ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ dậy thì sớm

Những loại thực phẩm là “thủ phạm” gây ra dậy thì sớm ở trẻ em

Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo tình trạng dậy thì sớm ở trẻ

Cần làm gì để ngăn ngừa trẻ dậy thì sớm?

Theo đó, nghiên cứu được thực hiện tại Đài Loan đã chỉ ra việc ăn nhiều đường và các chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame (Equal), sucralose (Splenda) và glycyrrhizin (chiết xuất từ rễ cam thảo) có thể liên quan đến nguy cơ dậy thì sớm cao hơn ở trẻ em. Đặc biệt, những trẻ có nền tảng di truyền dễ dậy thì sớm có xu hướng nhạy cảm hơn với tác động từ các chất này.

GS.TS Yang-Ching Chen thuộc Đại học Y khoa Đài Bắc, cho biết: “Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực đầu tiên kết nối thói quen ăn uống hiện đại với yếu tố di truyền và thời điểm dậy thì ở trẻ.”

Trong các nghiên cứu trước đó, nhóm của GS.TS Chen cũng phát hiện một số chất tạo ngọt có thể can thiệp vào nội tiết tố và hệ vi sinh đường ruột. Đây là hai yếu tố có vai trò trong việc “khởi động” tuổi dậy thì. Ví dụ, acesulfame kali (Ace-K) có thể kích thích giải phóng hormone liên quan đến tuổi dậy thì, trong khi glycyrrhizin ảnh hưởng đến cân bằng vi khuẩn đường ruột và hoạt động của các gene liên quan.

Trẻ ăn càng nhiều đường, nguy cơ càng cao

Nghiên cứu này được thực hiện với hơn 1.400 thanh thiếu niên tại Đài Loan. Trong số đó, có 481 trường hợp được chẩn đoán dậy thì sớm trung ương. Tình trạng này khiến não bộ giải phóng hormone sinh dục sớm hơn bình thường, khiến tinh hoàn hoặc buồng trứng hoạt động trước tuổi.

Đường và các chất tạo ngọt có liên quan đến việc dậy thì sớm trung ương

Đường và các chất tạo ngọt có liên quan đến việc dậy thì sớm trung ương

Các nhà nghiên cứu sử dụng bảng câu hỏi và mẫu nước tiểu để đo lường mức tiêu thụ chất tạo ngọt, đồng thời đánh giá khuynh hướng di truyền qua 19 biến thể gene liên quan đến tuổi dậy thì. Kết quả cho thấy, trẻ em ăn càng nhiều chất tạo ngọt, nguy cơ dậy thì sớm càng cao. Đặc biệt, phản ứng với các chất này khác nhau giữa hai giới.

Ở bé trai, sucralose là yếu tố chính làm tăng nguy cơ, trong khi ở bé gái, 3 yếu tố liên quan gồm sucralose, glycyrrhizin và đường bổ sung.

Hệ lụy sức khỏe lâu dài

Dậy thì sớm có thể khiến trẻ phát triển nhanh trong giai đoạn đầu, nhưng sau đó ngừng phát triển sớm hơn bình thường. Kết quả là chiều cao trưởng thành thấp hơn trung bình. Ngoài ra, dậy thì sớm còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, một số loại ung thư và đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Theo các chuyên gia, việc kiểm soát lượng đường và chất tạo ngọt trong chế độ ăn có thể trở thành một phần trong chiến lược phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ em.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng đây là nghiên cứu quan sát, nên chưa thể khẳng định mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa chất tạo ngọt và hiện tượng dậy thì sớm. Dù vậy, nghiên cứu cũng đã mở ra hướng đi mới trong việc hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa dinh dưỡng hiện đại, yếu tố di truyền và sự phát triển sinh lý của trẻ em ngày nay.

 
Hà Chi (Theo Health Day)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ