Chỉ số huyết áp: Cao thấp đều nguy


3 nghịch lý của tăng huyết áp

Theo Báo cáo về sức khỏe năm 2008 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới bị tử vong do tăng huyết áp và các biến chứng tim mạch. Tỷ lệ những người bị tăng huyết áp đang gia tăng một cách nhanh chóng ở cả các nước đang phát triển.

Tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng ở tim (cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim...), não (xuất huyết não, nhũn não...), thận (đái ra protein, phù, suy thận...), mắt (mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị), mạch máu (phình hoặc phình tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi...)…

Thưa PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, vì sao tăng huyết áp lại bị coi là “kẻ giết người thầm lặng”?

Kết quả khảo sát của WHO tại nhiều quốc gia cho thấy: Tăng huyết áp làm tăng gấp đôi nguy cơ các biến cố tim mạch, có thể gây ra nhiều biến chứng, khiến người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí tử vong trong khi các triệu chứng thì mơ hồ và hầu như không thể nhận biết được. Chỉ có một số ít bệnh nhân tăng huyết áp có một vài triệu chứng cơ năng như: Đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, ù tai... Không ít bệnh nhân lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì đã có cơn xuất huyết não nặng nề. Do đó, tăng huyết áp được coi là kẻ giết người thầm lặng.

Vậy, đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng này, thưa ông? Làm thế nào để phòng chống căn bệnh tăng huyết áp?

10% số bệnh nhân tăng huyết áp là do hậu quả của một số bệnh lý khác như bệnh lý về thận. Điều trị khỏi bệnh sẽ giúp ổn định huyết áp, phòng ngừa biến chứng. Nhưng với 90% bệnh nhân tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, được gọi là tăng huyết áp nguyên phát, lời khuyên hữu ích là: Giảm cân nặng (nếu thừa cân); Không hút thuốc lá, thuốc lào; Không ăn nhiều chất béo bão hòa; Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn); Tập thể dục đều đặn hàng ngày; Hạn chế uống rượu bia; Tránh căng thẳng, lo âu; Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình; Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu...)...


PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn

Thay đổi lối sống - đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định huyết áp, dự phòng các bệnh lý tim mạch – không dễ thực hiện. Tuy nhiên, để bảo toàn sức khỏe tim mạch cho chính mình, mỗi người nên tự phát hiện đúng, phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ để dự phòng.

Tuy nhiên, theo Dự án phòng chống bệnh Tăng huyết áp cho thấy, việc điều trị, kiểm soát bệnh tăng huyết áp ở Việt Nam chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đang tồn tại 3 nghịch lý trong bệnh tăng huyết áp: Tăng huyết áp là bệnh dễ phát hiện bằng cách đo huyết áp hàng ngày nhưng người bệnh thường không biết mình bị tăng huyết áp từ bao giờ; Tăng huyết áp là bệnh có thể điều trị được nhưng chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị đúng; Có thể khống chế tăng huyết áp ở mục tiêu mong muốn nhưng chỉ 12% số người điều trị đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90mmHg).

Một điều tra cộng đồng của Dự án Phòng chống tăng huyết áp gần đây cho thấy: Nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh còn chưa đầy đủ. Có đến 77% người dân hiểu sai về bệnh và các yếu tố nguy cơ của bệnh; Hơn 70% các trường hợp không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp. Điều chỉnh để có một lối sống hợp lý là vấn đề rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh tăng huyết áp nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không đơn giản vì những thói quen sinh hoạt không hợp lý đã tồn tại từ khá lâu, không dễ thay đổi một sớm một chiều. Hơn thế nữa, việc điều trị tăng huyết áp cần được thực hiện liên tục và lâu dài, tuy nhiên trên thực tế, nhiều người bệnh chưa thực hiện được đúng theo những nguyên tắc này, cũng có thể do người bệnh tự lầm tưởng là bệnh đã khỏi hoặc do điều kiện kinh tế có khó khăn không tiếp tục điều trị hoặc do một vài tác dụng phụ của thuốc gây ra đối với bệnh nhân...

Vậy, có thể phòng chống lại được kẻ giết người thầm lặng này không, thưa ông?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Nhưng phụ thuộc vào nhận thức của chính bản thân mỗi người.

Cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch