Bệnh viện Hữu Nghị tổ chức "Ngày hội chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường"
Tìm ra nguyên nhân bé gái tử vong tại bệnh viện
Bệnh viện K bị tố “hành” bệnh nhân
Vụ dân vây bệnh viện: Hé lộ nguyên nhân tử vong của cháu bé
Sản phụ tử vong: Bệnh viện thừa nhận giả mạo chữ ký
Đã có những thay đổi
Có lẽ, vấn đề văn hóa ứng xử và y đức của các y, bác sỹ và nhân viên y tế đã được các báo, tạp chí, các diễn đàn… nhắc đến từ nhiều năm nay. Bộ Y tế và các bệnh viện đã có những nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Các buổi học tập về văn hóa ứng xử được “phổ cập” rộng rãi đến các nhân viên y tế. Những bản nội quy ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh được dán khắp bệnh viện. Thái độ ứng xử của nhân viên y tế đã có những thay đổi.
Nhiều bệnh nhân cho biết, họ không có đòi hỏi gì nhiều, chỉ là một sự quan tâm, một ánh mắt cảm thông, chia sẻ mà thôi. Những cử chỉ quan tâm, đồng cảm đó sẽ là một liều thuốc làm dịu bớt nỗi đau thể xác và tinh thần, giúp người bệnh vững tin để tiếp tục chữa trị. Họ cũng muốn được bác sỹ giải thích kỹ càng hơn về căn bệnh của mình nhưng chưa bao giờ được thỏa mãn.
Đành rằng, hiếm có nơi nào quá tải như bệnh viện. Đành rằng, cường độ làm việc của các bác sỹ, y tá và nhân viên y tế căng thẳng đến mức không thể chịu nổi, trong khi bệnh tật ngày càng phức tạp, thời gian khám và chữa bệnh dồn dập, điều kiện cơ sở y tế hạn hẹp, không thể đòi hỏi y bác sỹ lúc nào cũng phải nở nụ cười với người bệnh. Hơn nữa, ngày này qua tháng khác, lúc nào cũng sống giữa không khí “đầy mùi” bệnh tật, giữa những bộ mặt nhăn nhúm, thiểu não, người tốt đến mấy cũng khó kiên nhẫn được, trong khi các y tá, bác sỹ và nhân viên y tế chỉ là những con người bình thường, cũng có cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Nhưng, có phải vì thế nên họ đã “chai sạn” cảm xúc trước nỗi đau? Có phải vì thế nên những người thầy thuốc, y tá nói năng cộc lốc, cáu bẳn, thậm chí lớn tiếng quát mắng người bệnh?
Trả lời cho những câu hỏi này, chính các nhân viên y tế này cũng cho rằng, không thể vì những “chai sạn” cảm xúc riêng của bản thân mà quát mắng những con người chẳng may ốm đau đó. Bác sỹ Nguyễn Văn Lộc, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TW khẳng định, "Bác sỹ ở tuyến trung ương làm việc với cường độ quá lớn nên dễ căng thẳng là chuyện có thật nhưng không thể lấy lý do đó để biện hộ cho thái độ không tôn trọng, gắt gỏng, quát mắng bệnh nhân". Nhận định này cũng được nhiều bác sỹ, y tá và nhân viên y tế đồng tình. Các bệnh viện hiện cũng đã có cơ chế xử phạt với những nhân viên “hách dịch” với người bệnh như kiểm điểm, trừ thưởng, không nâng lương… Thái độ của các nhân viên y tế, các y bác sỹ đã thay đổi phần nào. Điều này được chính các bệnh nhân và người nhà của họ công nhận.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là, có phải chỉ vì mệt mỏi mà những nhân viên y tế phải nổi cáu với bệnh nhân? Chỉ cần vào các bệnh viện công, đến các phòng khám công là có thể biết được nguyên nhân phần lớn không phải chỉ bắt nguồn từ những mệt mỏi cáu gắt.
Người bệnh cũng nên xem lại mình
Theo TS. Nguyễn Quốc Cường, Bệnh viện 198, đúng là y đức và văn hóa ứng xử của các nhân viên y tế không được tốt. Nhưng, chính bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng nên xem lại thái độ của mình với các nhân viên y tế đã thực sự đúng đắn chưa? “Không nên vin vào cớ đau yếu cả thể chất và tinh thần hay vì quá lo lắng cho sức khỏe mà có thể “quá lời” với y tá, bác sỹ và các nhân viên y tế được”.
Sự động viên, ân cần của nhân viên y tế sẽ đem lại cho người bệnh niềm tin tưởng và an ủi khi bệnh nặng
Bác sỹ Cường còn cho rằng, sự thiếu văn hóa ứng xử khi đến bệnh viện của những người bệnh bắt nguồn từ chính sự thiếu kiến thức y tế. Còn theo TS. Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, sự thiếu hiểu biết về y tế và chuyên môn của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã góp phần không nhỏ trong việc “nổi cáu” của các nhân viên y tế. Và những trường hợp như thế không hề hiếm gặp.
Chị Mai Hương (Bạch Mai, Hà Nội) kể, “Một lần, tại Bệnh viện Việt Đức, tôi chứng kiến hai ca cấp cứu cùng bị chấn thương ở đầu. Một bệnh nhân thì máu vương đầy mặt, còn một bệnh nhân thì bất tỉnh nhưng không bị chảy máu. Lúc đấy, bác sỹ trực cấp cứu đã chỉ định sơ cứu cho bệnh nhân bị chảy máu còn mình thì đưa ngay bệnh nhân đang bất tỉnh vào phòng mổ. Người nhà bệnh nhân bị chảy máu và nhiều người chúng tôi bức xúc lắm. Sau này, TS. Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện giải thích với tôi rằng, bệnh nhân bị chảy máu dù mất máu nhiều nhưng máu đã ngừng chảy nên không nguy hiểm đến tính mạng, còn bệnh nhân bị bất tỉnh, máu đang chảy âm thầm bên trong, có nguy cơ tử vong rất cao nên phải đưa ngay vào phòng mổ để chữa trị. Hóa ra, người bác sỹ trực cấp cứu hôm đó đã làm đúng, chỉ vì chúng tôi không hiểu về chuyên môn nên đã hiểu nhầm ông”. Chị Hương còn cho biết thêm, nếu người bác sỹ trực cấp cứu hôm đấy không bình tĩnh mà nổi cáu theo những người xung quanh thì có lẽ tính mạng của hai con người đã bị cướp mất.
Bản thân người viết cũng đã chứng kiến một trường hợp vì sự thiếu kiến thức y tế mà người chồng, và mẹ chồng của một sản phụ không những không cứu được thai nhi mà còn đặt vợ mình, con mình vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Sản phụ mang thai 24 tuần nhưng vỡ ối sớm nên phải đình chỉ thai để đảm bảo sức khỏe cho mẹ nhưng không được người thân chấp nhận. Đến khi thai chết trong bụng sản phụ, sản phụ nhiễm trùng, sốt cao thì người thân lại nhất nhất “bắt đền” bác sỹ. Thái độ của họ “khiếm nhã” đến nỗi, bác sỹ trực tiếp khám và chữa cho sản phụ - nổi tiếng là nhã nhặn trong ngành sản khoa – đã phải "gắt" lên thì họ mới để yên cho ông cứu người mẹ. Nếu như họ biết chấp nhận, có lẽ sản phụ không phải rơi vào tình trạng nguy hiểm và sẽ lại được sinh con sớm hơn.
|Hay trong vài năm trở lại đây, các bệnh viện công áp dụng hình thức phát số khám hoặc đặt lịch hẹn theo giờ. Những tưởng, việc phát số khám có thể làm giảm tình trạng người bệnh “bu” kín cửa phòng khám hay mở cửa vào phòng khám tùy tiện nhưng... Số khám vẫn được phát nhưng số bệnh nhân “thiếu văn minh” không giảm. “Họ cứ thập thò ở cửa phòng khám, chờ người bệnh bên trong đi ra là ập vào ngay. Tôi đã phải từ chối rất nhiều lần những bệnh nhân như vậy, và cũng nhận được không ít lời phàn nàn nặng nề từ họ”, TS. Nguyễn Thu Hiền, Bệnh viện Mắt TW cười buồn. Bác sỹ Hiền còn cho biết, cũng có nhiều bệnh nhân gọi điện đặt lịch khám nhưng không đến khiến cho nhiều người bệnh muốn vào khám mà không được khám, còn bác sỹ thì cứ “mòn mỏi chờ bệnh nhân”.
“Bực nhất là việc bệnh viện xếp lịch hẹn phẫu thuật, chuẩn bị dụng cụ, ê kíp phẫu thuật, đặt phòng mổ và giường nội trú nhưng bệnh nhân không đến hoặc đến không đúng ngày hẹn. Mà lý do thì đa phần là thầy bói bảo ngày giờ không đẹp, không tốt”, bác sỹ Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức kể. ThS.BS Sơn còn bảo, nếu không xếp lịch khác cho bệnh nhân thì không được, mà xếp lịch khác thì lại ảnh hưởng đến những bệnh nhân đang chờ được phẫu thuật khác. Mà tâm lý của bác sỹ thì bị ảnh hưởng, “cứ nơm nớp lo bệnh nhân lại không đến”.
Có vẻ như, văn hóa ứng xử của chính bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã phần nào tạo nên văn hóa ứng xử của chính các nhân viên y tế. Hơn thế nữa, là cái thói quen muốn được “phục vụ trước” của người bệnh đã tạo ra thói “hách dịch” của bác sỹ. Đã từ lâu, nhiều bệnh nhân có thói quen dùng tiền để mua sự phục vụ. Trong khi vấn đề “mưu sinh” của nhiều y bác sỹ đang được đặt nặng, thì việc họ nhận tiền đó là lẽ đương nhiên. Và khi bệnh nhân không có tiền, họ không phục vụ đúng với công việc là điều khó có thể tránh khỏi. TS. Phạm Quốc Cường khẳng định: “Nếu những bệnh nhân vẫn dùng tiền mua các y bác sĩ để mình và người thân được khám trước, được tạo mọi điều kiện thuận lợi, thì khi đó họ đừng đặt vấn đề y đức hay văn hóa ứng xử của nhân viên y tế”.
Sự cập nhật thông tin về bệnh tật sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về cách điều trị của bác sỹ và có những ứng xử "văn minh" hơn trong môi trường bệnh viện
Giải pháp từ cả hai phía
Theo TS. Phạm Quốc Cương, giải pháp cho vấn đề văn hóa ứng xử trong bệnh viện hiện nay phải bắt nguồn từ cả hai phía – nhân viên y tế và bệnh nhân.
Với các nhân viên y tế, thì những buổi học về văn hóa ứng xử hay việc xử phạt chỉ là một hình thức bên ngoài. Nhiều bác sỹ cũng cho rằng, nên đưa các bài học về đạo đức nghề nghiệp và cái tâm của người thầy thuốc – lấy việc phục vụ là niềm vui và sự hạnh phúc – vào trong chương trình học hoặc đặt vấn đề này trong điều kiện xét tuyển. Tuy nhiên, khi mà vấn đề “Cơm, áo, gạo, tiền” vẫn còn bị đặt nặng, khi mà đồng lương của nhân viên y tế còm cõi trong khi môi trường làm việc rất độc hại thì vấn đề y đức hay văn hóa ứng xử chỉ có thể nhắc đến mà thôi.
Ngoài ra, điều quan trọng là nâng cao chất lượng và điều kiện khám chữa bệnh ở các địa phương, để giảm tải cho tuyến trung ương. Nếu như, bệnh nhân vẫn dồn về các bệnh viện tuyến trên như hiện nay, thì sự giao tiếp giữa bệnh nhân và các nhân viên y tế không thể đạt kết quả như mong đợi mặc dù hai bên đều có chung mục đích là chữa bệnh cứu người.
Vậy những bệnh nhân và người thân của họ thì sao? “Tôi muốn họ tự nâng cao kiến thức y tế cho mình”, TS. Phạm Quốc Cường, Bệnh viện 198, cho biết. Theo TS. Cường, một người có kiến thức y tế tốt thì sẽ quan tâm đến sức khỏe bản thân, “Và khi đó, họ sẽ trân trọng những bác sỹ và những người làm việc trong ngành y như chúng tôi. Những người có kiến thức y tế tốt cũng sẽ biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình, giảm thời gian phải vào viện khám, giảm tải cho bệnh viện… Như vậy, bác sỹ sẽ có nhiều thời gian hơn cho những người bệnh cần chăm sóc”.
Bình luận của bạn