Tai biến y khoa: "Vết sẹo lòng" của mỗi bác sỹ

"Giám định y khoa là nhiệm vụ chuyên môn mang tính xã hội cao"

5 xét nghiệm y khoa mới có lợi cho người trung - cao tuổi

Thoái hóa khớp gối - gánh nặng y khoa

TP.HCM lập ban theo dõi sự cố y khoa

Ứng dụng mới của Google trong thực tập Y khoa

Hàng ngày, người thầy thuốc luôn đối mặt trước những cơn đau, lo lắng, sợ hãi của người bệnh, đặc biệt trong những trường hợp nặng, nguy kịch... chúng ta dễ bắt gặp cảnh người bệnh hoặc thân nhân chạy tìm bác sỹ để hỏi thăm bệnh tật và... trăm sự nhờ bác sỹ “ra tay cứu mạng”. Thế nhưng, không phải trong tất cả mọi trường hợp (ngoại trừ do tắc trách, trình độ chuyên môn yếu) bác sỹ dồn hết tâm lực - đều cứu mạng thành công, mà có những ca diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Nếu bác sỹ không ân cần giải thích rõ ràng, ổn thỏa, tạo được sự cảm thông từ phía người bệnh và gia đình có thể sẽ dẫn tới căng thẳng giữa thầy thuốc - bệnh nhân. Và, cũng không ít trường hợp mới đó nghẹn ngào khóc “nhờ bác sỹ ra tay cứu mạng”, giờ đây bỗng quay ngoắt chửi bới, đòi bồi thường, không được thì đâm đơn kiện!


Chỉ một chút sơ sót của bác sỹ cũng có thể để lại những tác hại nguy hiểm cho người bệnh


Tất nhiên, mọi việc rồi cũng sẽ được giải quyết. Nhưng điều đọng lại lớn nhất trong lòng thầy thuốc vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng khôn nguôi: ám ảnh về tình đời, về lòng người và cả sự cô độc vì không được đồng nghiệp hay cơ quan nào bảo vệ, kể cả trong những trường hợp oan uổng.

Nỗi đau khó lành

Đầu năm 2014, khi trò chuyện với ông (xin được giấu tên và tạm gọi là bác sĩ X.), tôi vô tình nhắc tới ca mổ cho bệnh nhân P. vào tháng 9/1994, một “khổ nạn” cho cả gia đình ông. Ông trầm ngâm: “Thôi đừng nhắc chuyện buồn. Trong năm vừa rồi có người nhà của P. đến gặp tôi nói mong bác sỹ thông cảm và xin đừng nhắc lại nữa. Họ nói chân của P. có viêm gót teo nhưng đi lại bình thường. Hồi đó có người xúi và vì P. sợ sẹo xấu nên đi khiếu nại”.

Thấm thoắt đã 20 năm. Hồi đó, vào năm 1994, ông gặp P., 25 tuổi, bị liệt chân phải do di chứng sốt bại liệt từ nhỏ, teo cơ, co rút gối và gót. Chân đi bị lệch nặng phải dùng tay ấn đầu gối để tạo thế đi bước tiếp. P. tìm đến xin mổ. Khi khám, BS. X thấy chân P. đã được BS khác mổ trước đó ở hai chỗ: gối và gót chân. Cơ bắp chân teo hết, gót rút lên. Dáng đi rất xấu. Ông phân tích cho P. hiểu rõ có hai cái phải mổ: mổ cho gối thẳng ra và mổ hạ gót xuống. Về kỹ thuật không có gì phức tạp, nhưng phải mổ làm hai lần vì sợ P. đau chịu không nổi. Nhưng P. yêu cầu cứ mổ trong một lần cho cả hai chỗ. Ca mổ thành công. Mổ xong bó bột từ đùi đến chân. Nhưng mấy ngày sau có dấu hiệu hoại tử, phải tách bột, tìm nguyên nhân và mổ lại để làm thông mạch máu. P. được ông điều trị tích cực gần một năm và chịu mọi chi phí, nhưng đến khi phần hoại tử chỉ còn một vết ướt nhỏ khoảng đầu ngón út thì P. trốn viện, đi nơi khác chữa. Vì xương mác viêm nên BS nơi đó cắt một đoạn ngắn và... gói lại đưa cho gia đình bệnh nhân!

 

Vết sẹo
Đối với các y bác sĩ, mặc dù rất tận tâm với bệnh nhân nhưng có những tai biến xảy ra ngoài ý muốn vẫn là vết sẹo nhớ đời (ảnh minh họa)

Hơn một tháng sau, gia đình P. mời BS. X tới nhà. Ông đi cùng vợ và cả hai đã... bị nhốt để ra giá: 100 triệu đồng. Sau một hồi thương lượng, họ đồng ý giảm còn 35 triệu và viết sẵn tờ giấy yêu cầu ông ký tên vào. Với mong mỏi được yên thân để về làm việc tiếp nên ông ký ngay. Tháng 6/1995, ông giao tiền 2 lần, đủ 35 triệu. Thế nhưng, tháng 9/1995, bỗng dưng P. phát đơn kiện khắp nơi, cả các báo. Có một nhà báo tìm đến ông với lời lẽ úp mở rằng “Bài báo có lên khuôn hay không là do người viết...”. Ông chưa biết phải làm gì thì mấy hôm sau bài báo đã ra. Cơ quan quản lý bắt ông làm bản tường trình. Giám đốc bệnh viện nơi ông cộng tác mổ ngày nào ngoảnh mặt làm ngơ. Bệnh viện vắng khách, các đồng nghiệp thân thiết trước đây cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi nay cũng... ngó lơ.

Lúc đó, ông và vợ con sống trong những tháng ngày đau khổ tột cùng, gõ cửa khắp nơi để tìm sự đồng cảm, sẻ chia, nhưng chỉ là khoảng trống bơ vơ. Ông tìm đến nhà báo ấy, anh chỉ nói vài câu rồi bỏ đi. Ông bất giác xót xa, tự hỏi sao mình đã đổ công sức mổ cả ngàn ca, nay bỗng chốc với một trường hợp xui rủi và nghe một chiều từ người bệnh mà anh nhà báo nhìn mình như kẻ tội phạm? May là lúc đó internet chưa phổ biến như bây giờ, nếu không có lẽ ông còn bị cộng đồng mạng tha hồ cùng “ném đá” không biết đến mức nào.

Mấy năm sau, anh nhà báo ấy bị bệnh thần kinh nên nghỉ việc. Ông giám đốc bệnh viện cũ cũng đã mất. Nay, ở tuổi trên 70, ông vẫn bền bỉ đứng suốt trong các cuộc mổ, trong đó có nhiều ca mổ từ thiện. Tính đến nay, bệnh nhân P. đã ở tuổi 45, có lẽ với cái sẹo ở chân anh dễ dàng nhìn thấy nó mỗi ngày, nhưng anh không thể nhìn thấy tổn thương trong lòng người thầy thuốc ngày nào đứng mổ cho anh - cứ day dứt mỗi khi nhắc tới như vết thương khó lành.

Ám ảnh

Ám ảnh khá nặng nề trong những năm gần đây có lẽ là tai biến khi các sản phụ vượt cạn. Cứ một vài tuần hoặc vài tháng lại có một ca tử vong mẹ hoặc mẹ và con do thuyên tắc ối. Câu hỏi đặt ra: Vì sao thuyên tắc ối xưa kia khá hiếm gặp mà nay lại nhiều vậy? Vì sao sản phụ bị thuyên tắc ối ở các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện “dễ chết” hơn ở các bệnh viện sản tại các thành phố lớn?

Còn nhớ năm 2012, tại một BV đa khoa tỉnh nọ xảy ra liên tiếp các ca tử vong mẹ và con trong thời gian ngắn. Các cơ quan truyền thông đưa tin tường tận về ca tai biến. Gia đình sản phụ mới đó còn tràn trề hy vọng về cuộc sinh nở mẹ tròn con vuông, về đứa con chào đời mạnh khỏe. Bỗng chốc mất mát nhanh quá, họ sụp đổ, oán trách thầy thuốc lơ là trong ca trực, thiếu y đức, thiếu trình độ chuyên môn... Nhìn hình ảnh thiểu não của những người chồng, người cha ôm xác con, giọt nước mắt khóc người thân... ai cũng bức xúc. Không ít cộng đồng mạng vào chia buồn cùng gia đình, “ném đá” vào bác sỹ. Vị bác sỹ trưởng khoa sản bệnh viện này đổ lỗi “Do các phương tiện truyền thông, báo chí đã gây áp lực lên các bác sỹ khi có tai biến”.

Lỗi tai biến có thể do bác sỹ, nhưng sự căm phẫn và bạo động từ cộng đồng là trách nhiệm của truyền thông?


Trước một ca tai biến, hầu như lãnh đạo các bệnh viện tìm cách trả lời cho qua. Rất hiếm người (và cũng chưa thấy ai) dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật một cách trung thực, khách quan, công bố đầy đủ về nguyên nhân tai biến dẫn đến cái chết để rút ra bài học kinh nghiệm cho chính đội ngũ y bác sỹ tại chỗ cũng như đồng nghiệp nơi khác. Đây cũng là giải pháp để nâng trình độ chuyên môn y bác sỹ, lấy lại niềm tin từ người bệnh.

Cuối năm 2013, đầu năm 2014, lần lượt các báo đưa tin “Thêm một ca thuyên tắc ối được cứu sống ở tuyến tỉnh”. Đó là một tín hiệu vui. Chứng tỏ rằng: sản phụ có thể bị thuyên tắc ối, nhưng nếu ở nơi có đủ phương tiện cấp cứu và bác sỹ có trình độ chuyên môn tốt, hết lòng hết sức tập trung cứu chữa thì cho dù khi sản phụ có mạch, huyết áp bằng không vẫn còn có cơ may cứu sống. Điều đáng tiếc là tín hiệu vui ấy còn lẻ loi, cộng đồng mạng không làm ầm ĩ như mỗi khi có ca tai biến.

Một ám ảnh khác cũng khá thời sự là đưa bé đi chích ngừa vaccin. Không riêng gì vaccin 5 trong 1 Quinvaxem đang “dậy sóng” với một số ca tử vong trong năm qua, mà cả những vaccin khác. Một trẻ đang khỏe mạnh, bỗng dưng sau chích vaccin để phòng bệnh lại gặp tai biến - trong đó nặng nhất là tử vong, khiến phụ huynh rất bất ngờ, bàng hoàng đau xót. Câu chuyện xảy ra cách đây khoảng chục năm, cô y tá tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ tại trạm y tế phường và sau đó bé tử vong. Cái chết của bé trở thành nỗi ám ảnh cô suốt nhiều năm liền, bởi cô không ngờ và luôn tự day dứt : bé dễ thương quá, bụ bẫm quá,... mà vì sao bé chết?! Vậy đó. Ít ai thấu hiểu những day dứt trong lòng thầy thuốc khi chẳng may gặp một ca tai biến. Có người buồn nhiều, người buồn ít. Có người quên nhanh, nhưng có người cứ lo sợ hồi hộp cho từng mũi tiêm.

Tai biến - Ẩn và họa

Trong một lần trò chuyện với GS. BS.Trần Đông A, tôi đặt câu hỏi: Dường như những năm gần đây tai biến ngày càng nhiều và làm cách nào để giảm thiểu? Ông cho rằng do còn quá nhiều bất cập từ trong đào tạo, đến quản lý hành nghề. Đơn cử trường hợp sản phụ trên 30 tuổi vào bệnh viện sinh con lần thứ hai, tử vong. Thấy sản phụ đau bụng dữ dội, người nhà chạy kêu bác sỹ nhưng bác sỹ không xuống vì cho rằng đã sinh con đầu lòng bằng ngả dưới, thì chắc lần này cũng sinh dễ - nên cứ để chờ, mà không biết người ta sinh không được có thể là do nhau quấn cổ, nhau tiền đạo, hay bé nằm ngang nên không ra được... Đến khi bác sỹ xuống cứu thì đã muộn. Chết cả mẹ lẫn con mà bác sỹ cứ nghĩ là mình làm đúng quy trình. Ca cắt thoát vị bẹn cho em bé mà bác sỹ phó khoa cắt luôn bàng quang cũng là một ví dụ. Trẻ em không phải là “người lớn thu nhỏ”, nên không thể bê nguyên xi phác đồ điều trị trên người lớn áp dụng cho trẻ. Có trường hợp bệnh nhân chết rồi, người ta kiện mà bác sỹ, kể cả phó giám đốc bệnh viện cứ tưởng là làm đúng quy trình. Mỗi người bệnh có một diễn biến khác, nên cho thuốc rồi cũng phải theo dõi, chứ phác đồ không phải là thánh kinh.

 

Ông cũng lưu ý: không chỉ trong tập trung đào tạo cập nhật kiến thức liên tục cho bác sỹ, mà cả chuyện dễ dãi trong mở trường: mở trường điều dưỡng dễ như “mở lò bánh mì”, có những trường không có thực tập (thực tập phải đóng tiền) thì khi ra trường làm sao khỏi... chích lộn xộn?

Trước các sự cố y khoa, bác sỹ cũng nên xem xét lại quy trình làm việc. Các sự cố y khoa thường khó lường trước, bệnh nhân không ai cũng giống nhau nên nếu không theo sát bệnh nhân, bác sỹ dễ mắc sai lầm gây nên tại biến


Ngoài ra, theo GS.BS.Trần Đông A, trong môi trường “thương mại hóa” ngành y hiện nay, thì bác sỹ trở thành người cung cấp dịch vụ, vì vậy cần có y sỹ đoàn. Những người muốn hành nghề y đều phải tham gia y sỹ đoàn và y sỹ đoàn có ý kiến trước khi Sở Y tế cấp phép, nếu anh làm sai thì họ sẽ có ý kiến và nếu sai nặng thì sẽ treo dao hoặc cấm hẳn hành nghề. Y sỹ đoàn có rất nhiều quyền và các nước đều đã có y sỹ đoàn. Vừa rồi ở Singapore có một bác sỹ đưa ra áp dụng một loại thuốc mới chưa được phép của Nhà nước Singapore - để chữa trên bệnh nhân tại một bệnh viện tư, mà kết quả không tốt. Bác sỹ này đã bị Hiệp hội Ung thư Singapore cho nghỉ hành nghề 6 tháng, mặc dù ông đã có 20 năm đóng góp và là một chuyên gia có khả năng trong lĩnh vực điều trị ung thư.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng mong muốn có một đội ngũ thầy thuốc giỏi để cứu người. Chính các thầy thuốc cũng vậy. Nhưng trong suốt cuộc đời hành nghề, có thể không được trọn vẹn. Với nhiều thầy thuốc, tai biến đôi khi rất nhỏ, vẫn là vết sẹo nhớ đời. Không dễ phôi phai.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng