Vai trò của tủ thuốc gia đình trong mùa mưa bão

Tủ thuốc gia đình cần có các loại thuốc cơ bản như giảm đau, hạ sốt, chống tiêu chảy và dị ứng, thuốc sát trùng để bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão.

Nhà có trẻ em, tủ thuốc mùa Đông cần chuẩn bị những gì?

7 loại thảo dược cần có trong tủ thuốc gia đình

Podcast: Phòng ngừa bệnh tả sau mưa lũ

Cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát sau mưa lũ

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra, từ lũ lụt đến sạt lở đất, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Trong những tình huống như vậy, việc tiếp cận các dịch vụ y tế càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, mỗi gia đình cần chuẩn bị tủ thuốc đầy đủ để ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách lựa chọn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ người dân trang bị kiến thức cần thiết để có thể tự chăm sóc sức khỏe trong mùa bão lũ, báo Dân trí và Hệ thống Nhà thuốc FPT Long Châu đã tổ chức buổi tọa đàm Tủ thuốc gia đình: Lá chắn bệnh tật mùa bão lũ. Tại buổi tọa đàm, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai và PGS.TS.DS Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Trưởng bộ môn Dược Lâm Sàng, Khoa Dược, Đại học Y Dược TPHCM, đã chia sẻ thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trong bối cảnh khó khăn do thiên tai.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, mỗi gia đình nên có một tủ thuốc để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt khi mưa lũ, lụt lội thì tủ thuốc lại càng cần thiết, vì khi đó, việc đi đến hiệu thuốc rất khó, thêm nữa, lúc đó sẽ có rất nhiều bệnh dịch xảy ra nên tủ thuốc gia đình cực kỳ có lợi.

PGS.TS.DS. Nguyễn Tuấn Dũng cũng đồng tình và nhấn mạnh vai trò của "tủ thuốc gia đình" bao gồm các loại thuốc ngăn ngừa bệnh tật xâm nhập qua da, niêm mạc như mắt, mũi, miệng.

Theo hai chuyên gia, trong mùa mưa lũ, trẻ em và người cao tuổi, người có bệnh nền là những đối tượng nhạy cảm nhất. Do đó, các loại thuốc cần chuẩn bị trong tủ thuốc gia đình có thể bao gồm:

- Thuốc ho: Chia làm hai nhóm là thuốc ho Đông Y (hay thuốc ho từ thảo dược) và thuốc ho Tây y. Chúng ta nên sử dụng nhóm thảo dược trước, đại bộ phận thuốc ho thảo dược tương đối an toàn, nhìn hướng dẫn sử dụng cho độ tuổi nào, liều lượng. Với thuốc ho Tây y, quy định có thể tự dùng nhưng cũng phải hết sức cẩn thận, vì thuộc theo nhóm tuổi, trước khi dùng thì nên hỏi qua ý kiến bác sĩ, dược sĩ.

- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Có hai loại là Paracetamol (rất hiệu quả nhưng lại độc cho gan. Do đó, khi sử dụng cần tuân thủ đúng liều lượng, cùng với đó theo dõi sát những vấn đề liên quan đến gan để phát hiện kịp thời.), Ibuprofen (có thể tác động xấu đến dạ dày, thận và tim. Vì vậy cần theo dõi các vấn đề liên quan những cơ quan này. Cần chú ý thuốc này không được sử dụng khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết). 

- Thuốc dành cho vết thương ngoài da: Vết thương hở là cổng vào cho vi sinh vật thuận lợi gây bệnh. Vì thế, cần chuẩn bị đầy đủ thuốc và nước muối sát trùng, xử lý vết thương. Để xử lý vết thương, bước 1 là cắt lọc để loại bỏ mảnh vết thương, bước 2 là rửa sạch vết thương, có thể sử dụng oxy già, cồn, betadine, bước 3 là che phủ bằng băng, gạc, bước 4 chúng ta cần tiếp tục theo dõi thay băng, rửa hằng ngày.

- Thuốc điện giải, bù nước: Trong mùa bão lũ, người dân dễ gặp phải tình trạng rối loạn điện giải do dinh dưỡng kém, tiêu chảy,... Thiếu điện giải khiến người mệt mỏi, suy yếu. Vì vậy, cần bổ sung điện giải cần đúng cách, pha đúng tỷ lệ cho cơ thể và uống chậm, uống ít một để thuốc thẩm thấu vào đường ruột.

Ngoài ra, để bổ sung dưỡng chất, chúng ta có hai cách, một là chúng ta dùng thức ăn tự nhiên, hai là có thể sử dụng thực phẩm chức năng nếu trong điều kiện bão lũ không có thực phẩm tự nhiên. PGS.TS.DS. Nguyễn Tuấn Dũng gợi ý ngoài vitamin C, kẽm, cần bổ sung vitamin D để tăng hấp thu, sức đề kháng cho cơ thể.

Sau khi đã chuẩn bị những thuốc cần thiết, PGS.TS.DS. Nguyễn Tuấn Dũng đã đưa ra 3 cách để bảo quản tủ thuốc, cụ thể 3 khắc tinh của thuốc là nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Chúng ta bọc thuốc trong túi sẫm màu nhiều lớp để hơi ẩm không xuyên qua, không đặt nên thuốc ở nơi có nhiệt độ cao như bếp ăn, hay chỗ nhiều ánh sáng. Nếu độ ẩm không khắc phục được thì chúng ta khắc phục nhiệt độ và ánh sáng.

Việc chuẩn bị tủ thuốc gia đình là vô cùng cần thiết, nhưng quan trọng hơn, phụ huynh cần trang bị kiến thức để có thể chăm sóc và xử trí đúng cách các vấn đề sức khỏe của trẻ. Khi thấy việc xử trí tại nhà không hiệu quả thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn cụ thể. Trong trường hợp các cơ sở y tế gần dân nhất cũng ngập, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng gợi ý có thể gọi điện, video call (gọi điện kèm hình ảnh và âm thanh), cho bác sĩ để được thăm khám từ xa. 

 
Việt An
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội