Nguồn nước không đảm bảo có thể dẫn tới nhiễm trùng mắt, ảnh hưởng tới thị lực
Khai trương 2 đơn vị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai
Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực cứu sống hai nạn nhân bị lũ quét tại Làng Nủ
Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước giếng sau mùa bão lũ
Cách xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm sau mùa bão lũ
Theo ThS.BSNT Hoàng Thanh Tùng - Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bão lũ gây nguy hại cho sức khỏe thị giác qua một số cơ chế:
- Trầy xước, va đập: Chấn thương này có thể xảy ra với mi mắt, bề mặt nhãn cầu do vật nặng như cành cây, mảnh gỗ, hòn đá đập vào. Vấn đề này phổ biến ở những người cố gắng bơi qua dòng lũ hoặc bị lũ cuốn trôi.
- Dị vật: Những vật nhỏ như mảnh kim loại, dăm gỗ găm vào nhãn cầu. Hiện tượng này phổ biến ở những người sử dụng nước không vệ sinh để rửa mặt, tắm trong trường hợp thiếu nước sạch; Hoặc những người bị đuối nước.
- Nhiễm trùng: Khi không được tiếp cận với chăm sóc y tế hoặc sơ cứu ban đầu, nạn nhân vùng lũ có thể bị nhiễm trùng ở mắt do chấn thương, tiếp xúc với nước bẩn. Các nhiễm trùng có thể gặp ở mắt như viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm nội nhãn nếu có chấn thương hở.
Bảo vệ mắt khỏi chấn thương và nhiễm trùng rất quan trọng với những người bị mắc kẹt trong vùng lũ. Tuy không gây tử vong, nhưng các vấn đề trên có thể gây mù lòa, giảm hoặc mất sức chiến đấu, lao động. ThS.BSNT Hoàng Thanh Tùng khuyến cáo, cần dự phòng và xử trí kịp thời các bệnh lý mắt mùa mưa bão để chuẩn bị cho quá trình tái thiết sau thiên tai.
Theo chuyên gia, người dân cần tránh tiếp xúc tối đa với nước bẩn, cố gắng chỉ vệ sinh cá nhân bằng nước sạch để ngăn ngừa những bệnh về mắt. Tham khảo hướng dẫn của Bộ Y tế về biện pháp xử lý nước giếng và vệ sinh cá nhân mùa lũ.
Về y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở cần trang bị các thuốc chuyên khoa mắt ngay khi tình hình lũ ổn định như kháng sinh (tobramycin, fluoroquinolon), thuốc sát trùng bề mặt nhãn cầu (povidine 5%), nước muối ưu trương 3-5%, nước muối sinh lý 0.9%, thuốc tê bề mặt nhãn cầu.
Các trường hợp bị chấn thương kín, trầy xước bề mặt nhãn cầu do dị vật, cành cây, mảnh gỗ cần được sơ cứu bằng thuốc tê và povidine 5% để tránh nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng. Sau đó băng che, không đè ép nếu vỡ nhãn cầu. Sau khi đã sơ cứu đúng cách, cần chuyển tuyến chuyên khoa sớm nhất có thể.
Người trong vùng lũ cần tránh dụi mắt khi có dị vật, tích cực vệ sinh mắt bằng nước muối sau khi tiếp xúc với nước lũ hoặc bị chấn thương.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tổ chức thực hiện buổi quyên góp cho đồng bào các tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa lũ, triển khai công tác cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cứu trợ, tiếp nhận người dân gặp nạn do lũ lụt trong thời gian tới.
Ngành y tế cả nước cũng hướng về miền Bắc, chi viện nhân lực và vật tư y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức liên tục tiến hành hội chẩn cấp cứu từ xa cho các nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở, lũ quét tại Yên Bái, Lào Cai. Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận hai nạn nhân của trận lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai).
Tại TP.HCM, nhân viên y tế tại các bệnh viện trên địa bàn đóng gói 30.000 “Túi thuốc gia đình” gửi đến người dân vùng lũ ở các tỉnh phía Bắc. Túi gồm các loại thuốc điều trị các bệnh phổ biến sau lũ như thuốc dị ứng, thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc bù nước, thuốc trị tiêu chảy, thuốc trị bệnh ngoài da, thuốc sát trùng da… được đựng trong túi zip chống nước kèm theo bảng hướng dẫn sử dụng cụ thể từng loại để người dân thuận tiện sử dụng.
Bình luận của bạn